+
Aa
-
like
comment

Tái khởi động điện hạt nhân ở Việt Nam: Tại sao không?

An Diễm - 31/05/2022 13:33

Ủy ban Kinh tế mới đây đã đề xuất xem xét tái khởi động các dự án điện hạt nhân ở Việt Nam sau khi đã tạm dừng vào năm 2016. Đề xuất này có ý nghĩa quan trọng với an ninh quốc gia trong bối cảnh mà giá năng lượng thế giới tăng cao do bất ổn địa chính trị xung quanh cuộc chiến Nga – Ukraine, cũng như để đạt các mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam.

Nhà máy điện hạt nhân Sendai, tỉnh Kagoshima. (Nguồn: Japan News)

Cuộc chiến Nga – Ukraine đang diễn ra ngày càng khốc liệt đang để lại nhiều hệ lụy cho thế giới. Thật khó có thể tưởng tượng một cuộc chiến như vậy có thể diễn ra ở châu Âu trong thế kỷ 21 khi mà xu hướng hợp tác, phát triển, phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia đang ngày càng sâu sắc. Cùng với sự phân chia địa chính trị, cuộc chiến này làm dấy lên những mối quan ngại đối với nhiều quốc gia về vấn đề an ninh lương thực và an ninh năng lượng.

Đã từ lâu, an ninh lương thực là một thế mạnh của Việt Nam nhờ chính sách phát triển nông nghiệp kiên định của Chính phủ và chúng ta đã trở thành quốc gia “cùng lo cái ăn cho thế giới”. Có lẽ những kinh nghiệm từ thời kỳ thiếu thốn trong những năm chiến tranh giữ nước hay thời bao cấp đã giúp chúng ta hiểu sâu sắc một điều rằng dù có ở trình độ phát triển nào, thu nhập cao bao nhiêu thì vẫn phải lo đủ cái ăn cho dân mình và thế giới trước đã. Từng có thời điểm chúng ta bị chê bai là nước nông nghiệp chậm phát triển, không sánh được với các quốc gia có lợi thế và và thu nhập khủng từ các ngành dịch vụ, sản xuất công nghệ cao. Báo cáo của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy, trong thập niên qua cư dân tại các nước giàu đã “lọt” vào danh sách nhóm dễ tổn thương hơn trước nghèo đói và thiếu ăn – tình trạng vốn thường gắn với các nước nghèo.

Và cuộc chiến giữa Nga – Ukraine, hai nước xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu thế giới càng làm nổi bật xu thế này khi vài tháng gần đây, có khoảng 30 quốc gia đã hạn chế xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa. Nguy cơ thiếu đói tăng cao, những hạt lúa, củ khoai tưởng chừng rẻ mạt bỗng trở thành vật quan trọng đảm bảo an ninh quốc gia, và chắc hẳn người dân nhiều nước sẽ ghen tị với Việt Nam. Thế nhưng bên cạnh lương thực, an ninh năng lượng cũng đang trở thành một nhu cầu bức thiết với Việt Nam và cả thế giới. Sự phát triển không ngừng của nền kinh tế đòi hỏi nhu cầu năng lượng điện ngày một tăng cao, trong khi các nguồn năng lượng truyền thống như thủy điện, nhiệt điện ngày càng cạn kiệt và đắt đỏ, đồng thời gây ảnh hưởng đến môi trường.

Sơ đồ điện hạt nhân Ninh Thuận

Trong quá trình tìm kiếm nguồn năng lượng mới, điện hạt nhân nổi lên như một lựa chọn đáng giá, nhưng thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima I ở Nhật Bản vào tháng 3/2011 khiến các quốc gia phải suy nghĩ lại về sự lựa chọn của mình giữa lợi ích của điện hạt nhân với những nguy cơ lớn không thể kiểm soát hết vào thời điểm đó. Châu Âu chuyển dần sang sử dụng điện khí với nguồn cung khí đốt dồi dào từ nước Nga. Việt Nam với tinh thần đặt an toàn an ninh của người dân lên trên hết cũng tạm dừng dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận với mục tiêu chuyển sang đầu tư tổ hợp điện khí LNG Cà Ná cùng những kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo khác đầy tham vọng. Thế nhưng, bối cảnh thế giới hiện nay đang đòi hỏi một cách tư duy khác, khi mà giá khí đốt đang tăng vọt do nhiều nguyên nhân, năng lượng trên toàn thế giới thiếu hụt vì rối loạn chuỗi cung ứng, trong khi đó năng lượng tái tạo thì còn quá đắt đỏ.

Các nước châu Âu vốn đối địch với Nga đang lo sốt vó bị “khóa van khí đốt”, Thủ tướng Hungary thừa nhận rằng việc trừng phạt dầu của Nga không khác gì “thả một quả bom hạt nhân vào nền kinh tế Hungary”. Thực tế này khiến người ta nhận ra rằng thiếu năng lượng còn tạo ra hệ lụy lớn hơn so với nguy cơ từ điện hạt nhân đang ngày càng nhỏ lại nhờ những tiến bộ của khoa học công nghệ. Và mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề xuất xem xét tái khởi động các dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận như một biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia, phát triển kinh tế độc lập, tự chủ và bảo đảm an ninh hệ thống điện với nhu cầu đa dạng nguồn phát, đồng thời đáp ứng cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 của Chính phủ.

Một nhà máy điện hạt nhân ở Bỉ

Nếu như chủ trương tạm dừng triển khai điện hạt nhân năm 2016 của Việt Nam là một quyết định dũng cảm trong bối cảnh mà Việt Nam có quá ít lựa chọn để tăng nguồn cung năng lượng cho đất nước, thì việc xem xét tái khởi động điện hạt nhân vào thời điểm này cũng là một quyết định dũng cảm không kém. Không có an ninh lương thực thì người dân thiếu đói, không đảm bảo an ninh năng lượng thì đời sống của người dân bị tổn thương. Đề xuất mới của Ủy ban Kinh tế là một hành động đầy trách nhiệm, nhất là trong bối cảnh chúng ta cần ổn định và có đầy đủ các nguồn lực để phục hồi nền kinh tế sau quá nhiều mất mát vì đại dịch Covid-19.

Mỗi người dân thời điểm này đang phát hoảng vì giá xăng tăng cao mỗi ngày, thì chúng ta vẫn còn tạm yên tâm vì điện chưa tăng giá. Nhưng nếu tương lai Việt Nam không dùng điện hạt nhân mà phải dùng điện khí như châu Âu thì chắc hẳn câu chuyện với giá điện sẽ lại không khác gì giá xăng. Chúng ta đã tự chủ được an ninh lương thực, nhưng không thể vì vậy mà lơ là với an ninh năng lượng. Thay đổi để phát triển là một điều đáng khích lệ.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều