Điện gió tấp nập dự án nghìn tỉ: Cần đầu tư hệ thống đường dây truyền tải
Sau khi cuộc đua của các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào điện mặt trời được xem tạm lắng thì điện gió đã, đang trở thành mảnh đất “màu mỡ” được nhiều doanh nghiệp nhắm tới…
Năng lượng tái tạo những năm gần đây được khuyến khích phát triển, trong bối cảnh nguồn điện truyền thống đang dần cạn kiệt và những hệ quả ngày càng rõ nét. Đầu năm 2020, điện gió trở thành tâm điểm thu hút đầu tư, với vốn đầu tư ban đầu thấp hơn so với năng lượng tương đương khác cũng như chính sách ưu đãi giá.
Một trong những dự án hiện nay được quan tâm là Cụm trang trại điện gió B&T, vốn đầu tư nước ngoài có quy mô lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió) đặt tại tỉnh Quảng Bình. Với tổng mức đầu tư 8.904 tỷ đồng, Dự án Cụm trang trại điện gió B&T đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Cụm trang trại có 2 dự án, gồm trang trại điện gió B&T 1, công suất 100,8 MW, với kế hoạch vận hành vào tháng 12/2020; trang trại điện gió B&T 2, công suất 151,2 MW, với kế hoạch vận hành tháng 6/2021.
Ngay trong tháng 8 này, Công ty cổ phần Điện gió B&T phải khẩn trương hoàn thành lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Được biết, công ty mẹ của Công ty cổ phần Điện gió B&T là Công ty cổ phần AMI AC Renewables (thuộc Công ty AC Energy của Tập đoàn Ayala, Philippines). Công ty này đã đầu tư Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa với công suất 50 MWp, vận hành từ tháng 5/2019 và Trang trại điện mặt trời BMT tại Đắk Lắk có công suất 30 MW, vận hành từ tháng 4/2019.
Một dự án khác cũng được quan tâm gần đây là Công ty năng lượng có trụ sở tại Thái Lan Banpu và Banpu Power (BPP) vừa liên kết mua nhà máy điện gió Mũi Dinh có công suất 37,6 MW ở tỉnh Ninh Thuận trong một thỏa thuận trị giá 66 triệu USD. Giám đốc Điều hành của Banpu, bà Somruedee Chaimongkol, cho biết giao dịch sẽ hoàn tất trong quý IV/2020. Hợp đồng mua nhà máy điện gió nói trên là thương vụ mới nhất nhằm đạt được mục tiêu của hai công ty là có tổng công suất năng lượng tái tạo 814 MW.
Điện gió Mũi Dinh gồm 16 tua-bin gió, mỗi tua-bin sản xuất được 2,35 MW điện từ gió với tốc độ trung bình 6,6 m/s. Dự án đã vận hành từ tháng 4/2019 và được hưởng giá bán điện 8,5 UScent/kWh trong thời gian lên tới 20 năm.
Tính đến hết ngày 11/5, có 92 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời và 10 dự án hoặc một phần dự án điện gió với tổng công suất gần 6.000 MW đi vào vận hành thương mại. Tuy nhiên, một số dự án đã được nhà đầu tư trong nước chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ cho nhà đầu tư nước ngoài từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore…
Lo ngại tình trạng diễn ra tương tự với điện gió khiến Bộ Công thương liên tục đề xuất đầu tư bổ sung hàng loạt đường dây truyền tải mới.
Việc các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, theo Bộ Công Thương, còn nằm ở chính sách giá FIT đang khá hấp dẫn, dù giá đã giảm về 7,09 cent/kWh so với mức 9,35 cent trước đây.
Việc chạy đua của các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào làm điện gió cũng khiến cho dự luận e ngại về làn sóng đã từng xảy ra như đối với điện mặt trời trong năm 2018. Chỉ với Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển điện mặt trời, trong vòng hơn một năm rưỡi, đã có 135 dự án điện mặt trời với tổng công suất 8.935 MW được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực.
Tuy nhiên, với thực tế đầu tư cho các dự án điện mặt trời đang có dấu hiệu xẹp xuống khi được yêu cầu chuyển sang đấu giá chọn nhà đầu tư sau năm 2021, thì điện gió đang nổi lên như một địa chỉ hấp dẫn mới, nhất là khi giá điện gió hiện nay tới tháng 11/2021 mới hết hạn.
Theo tính toán nhu cầu của Bộ Công Thương, đến năm 2025, nguồn điện gió cần bổ sung quy hoạch ở phương án cao là 11.630 MW, chiếm đến 20% tổng nguồn điện cả nước. Tức là ngoài 4.800 MW đã được bổ sung quy hoạch thì có thêm khoảng 7.000 MW dự án mới được tiếp tục bổ sung.
Khi phát triển ồ ạt điện mặt trời đã xảy ra tình trạng không có lưới truyền tải, khiến các dự án không huy động được công suất như dự tính, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong vấn đề cân đối tài chính. Lo ngại tình trạng diễn ra tương tự với điện gió khiến Bộ Công thương liên tục đề xuất đầu tư bổ sung hàng loạt đường dây truyền tải mới. Tuy nhiên, làm đường dây không nhanh như xây dự án nên nguy cơ có nhà máy mà không phát được điện lên lưới vẫn hiện hữu ở các dự án điện gió lẫn điện mặt trời đang triển khai.
Ông Bùi Văn Thịnh – Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận nêu đặc điểm của các dự án điện gió là suất đầu tư lớn, khoảng 1,8-2 triệu USD/MW đối với dự án sử dụng thiết bị nguồn gốc châu Âu, cao gấp đôi suất đầu tư dự án điện mặt trời. Do vậy, rủi ro của các dự án điện gió cũng cao hơn nhiều so với các nguồn khác.
“Nếu đưa vào lượng công suất điện gió quá lớn mà không có lưới để giải tỏa hết công suất thì gây thiệt hại lớn với nhà đầu tư và cả xã hội, đặc biệt là ngân hàng không thu hồi được nợ nếu dự án chết lâm sàng” – ông Thịnh nói và đề nghị có lộ trình đưa dự án điện gió vào quy hoạch phù hợp với lộ trình xây dựng lưới.