+
Aa
-
like
comment

Điên đầu những cuộc gọi quảng cáo, tiếp thị bất kể giờ giấc

18/11/2019 10:11

Thời gian gần đây, các cuộc gọi, tin nhắn rác (quảng cáo nhà đất, bảo hiểm…) gia tăng “khủng bố” rất nhiều người dùng điện thoại. Dự thảo nghị định mới được kỳ vọng sẽ “tổng tấn công” các cuộc gọi, tin nhắn rác.

homecredit_thumbnail

Nhiều người dùng điện thoại hiện nay rất bức xúc với việc gia tăng “tấn công” của các cuộc gọi, tin nhắn rác. Nhiều người cùng nhận định những cuộc gọi và tin nhắn quảng cáo không chắc có giảm mạnh về số lượng như nhà mạng công bố hay không, nhưng chắc chắn không hề giảm đi về sự làm phiền, mức độ tinh vi, thậm chí lừa đảo.

Điên tiết với cuộc gọi rác

Trời mưa, đang đưa con đi học, đường sá đông đúc…, anh Hùng (Từ Liêm, Hà Nội) giật mình vì cuộc gọi lúc cuối giờ chiều.

Đây là giờ “sếp” ở cơ quan hoặc các đối tác mua hàng có thể gọi, anh Hùng tấp xe vào lề đường nghe máy. Anh được hỏi rõ tên, địa chỉ. Xong, giọng nói hỏi anh có nhu cầu mua biệt thự không… Điên tiết, đang muộn giờ học của con, anh tắt bụp máy.

Đi được vài phút, lại một cuộc gọi khác, lần này là hỏi có đăng quảng cáo trên một trang web bất động sản không. Dù biết người gọi cũng chỉ đi làm thuê, nhưng anh không kìm nổi, xổ ra một tràng… Kết quả, do ngấm nước, điện thoại của anh sau đó tắt ngúm.

“Phát điên lên vì tức, không hiểu sao tình trạng này mãi không có giải pháp hiệu quả. Gần đây có ngày nhận cả chục cuộc gọi như thế” – anh Hùng nói.

Nhiều người cũng bực mình như anh Hùng và cho rằng trước đây chủ yếu tin nhắn quảng cáo, nhưng nay cuộc gọi nhiều hơn, đủ loại thông tin, từ nhà đất, thẩm mỹ, tới gia sư, dịch vụ y tế, taxi sân bay, gạ mua bán sim (nhất là người có số điện thoại đẹp), thậm chí mời matxa…

Anh Hữu Thành (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng trước đây thỉnh thoảng có vài cuộc gọi từ nhân viên các công ty bảo hiểm, nhưng gần đây số lượng cuộc gọi ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là các tổng đài tự động.

“Cứ mở máy lên là nghe quảng cáo, tiếp thị” – anh Thành nói và cho hay rất bực mình vì những cuộc gọi rác quấy rầy bất kể ngày đêm, từ giờ họp, lúc đang nghỉ trưa, thậm chí cả buổi tối… Bực nhất nữa là mở máy thì bị cho nghe tổng đài tự động rao bán đất!

Đặc biệt, gần đây nở rộ chuyện bỗng dưng bị gọi điện đòi nợ vì một người quen nào đó có vay tiền của các công ty tài chính. Dù nhiều người đã thanh minh, thậm chí năn nỉ nhưng vẫn bị các số điện thoại lạ liên tục “khủng bố”. Bên cạnh đó là chiêu trò gọi điện hù dọa thuê bao di động đang nợ cước, thậm chí dính vào các nghi án buôn bán ma túy… để lừa đảo người dùng.

Làm sao khóa những cuộc gọi quảng cáo với tiếp thị bất kể giờ giấc? - Ảnh 2. Dữ liệu: Đức Thiện - Đồ họa: N.KH.
Làm sao khóa những cuộc gọi quảng cáo với tiếp thị bất kể giờ giấc? – Ảnh 2.
Dữ liệu: Đức Thiện – Đồ họa: N.KH.

Phải truy nhà mạng đến cùng

Theo thống kê của MobiFone trong tháng 10-2019, hãng này ngăn chặn tổng cộng hơn 885.000 tin nhắn rác phát sinh từ gần 17.800 thuê bao di động nội mạng.

Với thuê bao ngoại mạng gửi đến thuê bao MobiFone, Vinaphone được thống kê là nhà mạng có lượng tin nhắn rác gửi đi nhiều nhất với gần 2,2 triệu tin nhắn.

Tiếp đến là Viettel với hơn 275.000 tin nhắn; Vietnamobile bị chặn hơn 36.200 tin nhắn. Đây mới chỉ là con số thống kê từ MobiFone. Do đó, con số thực tế của hoạt động phát tán tin nhắn rác là vô cùng khủng khiếp.

Theo các chuyên gia, việc ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác chỉ là “phần ngọn”, việc quản lý chặt chẽ thông tin thuê bao di động mới là “phần gốc”.

Một chuyên gia ngành viễn thông cho rằng đã đến lúc phải “tổng tấn công” tin nhắn, cuộc gọi rác, trong đó chú trọng hơn trách nhiệm nhà mạng, bởi nếu như hiện nay sẽ rất khó xử lý.

Dù nhiều nhà mạng đã công bố nỗ lực giảm tin nhắn, cuộc gọi rác nhưng luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng các nhà mạng di động luôn là đối tượng được hưởng lợi bất kể ai là người phát tán.

Do đó, trách nhiệm của các nhà mạng phải được truy quyết liệt nhất. Ví dụ nếu có tin nhắn rác hay cuộc gọi rác xuất hiện mà không tìm được đối tượng phát tán, cơ quan chức năng vẫn có thể phạt trách nhiệm các nhà mạng.

Những quy định với nhà mạng đã nhiều, nhưng trước giờ các cơ quan chức năng vẫn chưa hành động quyết liệt. Đó là chưa kể nguyên nhân gốc rễ của vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác còn tồn tại là do việc quản lý thông tin thuê bao của các nhà mạng rất lỏng lẻo.

Luật quy định SIM điện thoại nào cũng phải có thông tin chủ thuê bao đăng ký rõ ràng, nhưng đến giờ điều đó vẫn như một “trò đùa”.

Ông Đức đặt câu hỏi về khả năng các nhà mạng vì lợi nhuận mà buông lỏng việc quản lý thuê bao di động, dẫn đến những tác hại cả xã hội đang gánh chịu.

Do đó, trong các quy định, cơ quan chức năng cần “truy” mạnh mẽ các nhà mạng đến cùng thì mới mong giải quyết triệt để vấn nạn tin nhắn, cuộc gọi rác.

Làm sao khóa những cuộc gọi quảng cáo với tiếp thị bất kể giờ giấc? - Ảnh 3. Tin nhắn rác vẫn liên tục “khủng bố” thuê bao di động - Ảnh: ĐỨC THIỆN
Làm sao khóa những cuộc gọi quảng cáo với tiếp thị bất kể giờ giấc? – Ảnh 3.
Tin nhắn rác vẫn liên tục “khủng bố” thuê bao di động – Ảnh: ĐỨC THIỆN

Phạt đến 100 triệu đồng

Dự thảo nghị định của Chính phủ về phòng chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và quy định về quảng cáo qua gửi tin nhắn, thư điện tử và cuộc gọi năm 2019 đang lấy ý kiến được kỳ vọng sẽ bổ sung nhiều quy định siết chặt hoạt động quảng cáo qua điện thoại.

Nổi bật trong dự thảo nghị định mới này là quy định cho phép “tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký danh sách số điện thoại không chấp nhận mọi tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo”.

Khi đã đăng ký, mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được phép gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện quảng cáo tới các số điện thoại đã đăng ký này. Các đối tượng vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính 80-100 triệu đồng.

Dự thảo cũng quy định các đơn vị quảng cáo chỉ được phép gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý một cách rõ ràng trước đó của người nhận…

Dự thảo cũng quy định sẽ xử phạt các hành vi: không cung cấp đầy đủ thông tin về người thực hiện cuộc gọi quảng cáo (gồm tên, địa chỉ) và được giới thiệu đầu tiên trước khi cung cấp nội dung quảng cáo; không có thông tin hướng dẫn người nhận từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo; thu cước cuộc gọi quảng cáo của người nhận. Tuy nhiên mức xử phạt chỉ trong khoảng 5-20 triệu đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng cần sớm ban hành nghị định này và phạt nặng thì mới hi vọng ngăn chặn được tình trạng các cuộc gọi rác “tấn công” người dùng hiện nay.

Sau 10h đêm sẽ không phải nhận cuộc gọi, tin nhắn rác?

Theo dự thảo nghị định liên quan cuộc gọi, tin nhắn rác đang được Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến nhân dân, có một số điểm quan trọng:

* Đơn vị quảng cáo không được phép gửi quá 3 tin nhắn quảng cáo, 1 cuộc gọi quảng cáo tới một địa chỉ điện tử trong vòng 24 giờ, trừ trường hợp đã có thỏa thuận với người nhận.

* Đơn vị quảng cáo chỉ được gửi tin nhắn, gọi điện quảng cáo trong khoảng thời gian từ 7h đến 22h mỗi ngày trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận.

* Doanh nghiệp viễn thông di động không được cung cấp dịch vụ tin nhắn cho các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo mà chưa được Bộ Thông tin và truyền thông cấp mã số quản lý.

Cần kênh phản ảnh tiện lợi hơn

Theo góp ý của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), dự thảo nghị định liên quan tin nhắn, cuộc gọi rác của Chính phủ đã đưa ra cơ chế để người dùng có thể phản ảnh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua các nhà mạng hoặc đầu số 456 của Bộ Thông tin và truyền thông. Cơ chế này đã được triển khai trong hơn 3 năm, từ năm 2016, khá tiện lợi với báo tin nhắn rác.

Nhưng với cuộc gọi rác, người dùng sẽ phải thao tác nhiều hơn, gồm cả việc nhớ cú pháp và nhập lại số điện thoại đã gọi đến. Điều này sẽ làm giảm đáng kể số lượng người dùng phản ảnh trên thực tế. Các nhà mạng hiện cũng đã cung cấp các ứng dụng (app) để hỗ trợ khách hàng. Các ứng dụng này có thể trở thành kênh hiệu quả hơn để phản ảnh cuộc gọi rác, tin nhắn rác.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghị định bổ sung quy định theo hướng yêu cầu các nhà mạng phải cung cấp chức năng phản ảnh tin nhắn rác, cuộc gọi rác trên các ứng dụng của mình.

* Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội): Lợi nhuận lớn, mức phạt phải tương xứng

Nhiều năm qua, cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo đã khiến rất nhiều người bức xúc nhưng chưa có giải pháp giải quyết triệt để. Dự thảo nghị định đã đưa ra các giải pháp, cơ chế về cơ bản có thể giải quyết vấn đề này.

Các nhà mạng di động, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, nhà cung cấp dịch vụ thư điện tử, dịch vụ quảng cáo… thu được rất nhiều lợi nhuận từ các dịch vụ của họ. Nếu chế tài thấp, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân này sẽ tiếp tục buông lỏng quản lý, tiếp tay cho các hành vi mua bán thông tin khách hàng, mua bán sim rác, gửi tin nhắn, quảng cáo rác đến các số thuê bao khách hàng vô tội vạ như hiện nay. Do đó mức phạt phải lớn tương ứng.

Tôi đánh giá cao nội dung dự thảo cho phép tổ chức, cá nhân đăng ký danh sách số điện thoại không chấp nhận mọi tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo. Các đối tượng vi phạm gửi tin nhắn, gọi quảng cáo vào các số này sẽ bị xử phạt hành chính 80-100 triệu đồng.

Về mức xử phạt các hành vi không cung cấp đầy đủ thông tin về người thực hiện cuộc gọi quảng cáo (gồm tên, địa chỉ) và được giới thiệu đầu tiên trước khi cung cấp nội dung quảng cáo, không có thông tin hướng dẫn người nhận từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo… mức xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Nguyễn Duy Vĩ (chuyên gia digital marketing): Làm phải đến nơi đến chốn

Tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác đến nay vẫn hoành hành do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là khâu quản lý thông tin khách hàng của các nhà mạng có vấn đề. Thứ hai là nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số lẫn các cá nhân không ngừng thu thập thông tin khách hàng, mua bán dữ liệu khách hàng. Thứ ba là quy định của luật cũng như công tác quản lý của Nhà nước vẫn còn nhiều bất cập.

Chúng ta đã có những quy định về xử phạt nhưng việc thực thi những năm qua cho thấy vẫn rất lỏng lẻo. Hoặc có thời gian cơ quan chức năng làm công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý thông tin thuê bao, buôn bán SIM rác rất mạnh khiến lượng SIM rác, tin nhắn rác giảm thấy rõ, nhưng rồi sau đó việc lại đâu vào đấy. Tin nhắn rác, SIM rác vẫn hoạt động trở lại bình thường. Theo tôi, đã làm phải đến nơi đến chốn, nếu không sẽ không giải quyết được.

Trần Viết Quân (giám đốc Công ty ứng dụng di động Xanh): Doanh nghiệp “lì đòn”, bất chấp

Trước giờ, việc xử phạt các hành vi phát tán tin nhắn rác hay buôn bán SIM rác ở Việt Nam còn quá nhẹ so với lợi nhuận mà các cá nhân, doanh nghiệp, nhà mạng có được. Lợi nhuận quá lớn khiến doanh nghiệp “lì đòn”, các cá nhân bất chấp. Cốt lõi của tin nhắn rác đương nhiên là từ SIM rác.

Nếu cơ quan quản lý, nhà mạng định danh được mọi thuê bao di động mấy ai dám phạm luật. Phải siết lại quy định này. Bên cạnh đó, việc xử phạt cũng phải thật răn đe để bất kỳ ai, dù là cá nhân, doanh nghiệp hay nhà mạng, cũng không dám vi phạm.

Đức Thiện, Ái Nhân

Bài mới
Đọc nhiều