Diễn biến khó lường ở biển Đông
Là nơi lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được lưu thông hàng năm, biển Đông đang phải đối mặt với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Vấn đề biển Đông có những tác động sâu sắc đến an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói riêng và cả thế giới nói chung và nếu không được giải quyết thỏa đáng, sẽ như “một ngọn núi lửa chực chờ phun trào” với những hậu quả hết sức thảm khốc.
Thất hứa
Đó là những quan ngại được đưa ra tại hội thảo về biển Đông tại Trung tâm quốc tế Ấn Độ ở Thủ đô New Delhi (Ấn Độ), nhân dịp 3 năm Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông. Hội thảo do Hội nghiên cứu Ấn Độ Dương tổ chức có sự tham gia của đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu về biển Đông. Cựu Bí thư đối ngoại, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ, Anh, ông Lalit Mansingh; Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu; Đô đốc Pradeep Chauhan, Giám đốc Quỹ hàng hải quốc gia Ấn Độ cũng tham dự hội nghị.
Tại hội thảo, ông Lalit Mansingh đã nêu bật những khó khăn trong việc thực thi phán quyết của PCA, một phần do cơ quan này thiếu thẩm quyền thực thi, trong khi Trung Quốc bác bỏ phán quyết và cũng không thừa nhận thẩm quyền xét xử của PCA. Trong khi đó, Đại sứ Phạm Sanh Châu đánh giá tình hình biển Đông hiện nay vẫn phức tạp, khó lường và tiếp tục thu hút sự chú ý của không chỉ các quốc gia trong khu vực mà cả nhiều nước khác trên thế giới.
Ngày 11-7 vừa qua, một ngày trước sự kiện 3 năm PCA ra phán quyết, Hãng tin Kyodo dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus lên án Trung Quốc “phản bội lời hứa” không quân sự hóa biển Đông, đồng thời tái khẳng định Washington cực lực phản đối các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền “bất hợp pháp” ở biển Đông. Trong một cuộc họp báo, bà Ortagus nhắc lại rằng đó là hành vi “khiêu khích, phức tạp hóa việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, đe dọa an ninh các quốc gia khác và làm suy yếu sự ổn định khu vực”.
“Việc Trung Quốc quân sự hóa vùng đang tranh chấp ở biển Đông đã phản bội cam kết năm 2015 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là không tiến hành những hoạt động đó” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus.
Phải tôn trọng luật pháp quốc tế
Ông Lalit Mansingh nhấn mạnh, vấn đề biển Đông tác động lớn đến tình hình an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung. Nếu không được giải quyết thỏa đáng, nó sẽ để lại những hậu quả hết sức thảm khốc. Chia sẻ với nhận định trên, Đại sứ Phạm Sanh Châu kêu gọi các bên liên quan nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không cũng như các hoạt động thương mại an toàn, không bị cản trở, tăng cường lòng tin và tránh làm phức tạp tình hình.
Các học giả, nhà nghiên cứu tại hội thảo cùng chung ý kiến cho rằng các bên giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện kiềm chế những hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định. Ngoài việc nhấn mạnh đến hiện trạng, cũng như tầm quan trọng trong việc thực thi phán quyết của PCA, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) ràng buộc pháp lý giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); các biện pháp giảm thiểu căng thẳng hiện nay trong vùng biển này và khẳng định vai trò của luật pháp quốc tế, tuân thủ trật tự dựa trên các quy tắc.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)