+
Aa
-
like
comment

Diễn biến COVID-19 đến 5h45 sáng 21/5: Số ca nhiễm mới cao kỷ lục

21/05/2020 06:01

Tính đến 5 giờ 45 sáng 21/5 (giờ Việt Nam), COVID-19 đã lây lan tới 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 5.058.715 ca nhiễm, 328.260 ca tử vong, riêng Mỹ số tử vong đã là 94.779 ca.

Nhân viên làm việc tại khu chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Manila, Philippines ngày 12/5/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo số liệu của trang mạng worldometers.info, tính 5 giờ 45 sáng 21/5 (giờ Việt Nam), COVID-19 đã lây lan tới 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 5.077.195 ca nhiễm, 329.063 ca tử vong và 2.018.826 người đã được điều trị khỏi bệnh.

Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về số ca tử vong với hơn 94.779 ca, tiếp đến là Anh với 35.704 ca và Italy với 32.330 ca. Hai quốc gia tiếp theo cũng là các nước châu Âu, gồm Pháp (28.132 ca) và Tây Ban Nha (27.888 ca).

Vẫn còn có 45.769 trường hợp bệnh nhân COVID-19 đang trong tình trạng bệnh nặng và nguy kịch.

Tại Việt Nam, tính đến 6h sáng 21/5, Việt Nam ghi nhận 324 trường hợp mắc bệnh COVID-19. Trong số đó, đã ghi nhận 264 bệnh nhân được chữa khỏi (chiếm tỷ lệ 81,4%). Đến nay đã gần 35 ngày, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

WHO quan ngại số ca nhiễm gia tăng tại các nước nghèo

Ngày 20/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại về số lượng các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gia tăng tại các nước nghèo, trong bối cảnh nhiều nước giàu đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa.

WHO cho biết trong vòng 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 106.000 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Phát biểu trong cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh rằng vẫn còn một chặng đường dài phía trước trong đợt đại dịch này, đồng thời bày tỏ rất quan ngại về sự gia tăng số ca nhiễm ở những nước có thu nhập thấp và trung bình.

Dien bien COVID-19 den 5h45 sang 21/5: So ca nhiem moi cao ky luc hinh anh 1
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại ký túc xá dành cho người lao động nước ngoài ở Singapore. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hiện WHO đang hứng chịu sự chỉ trích từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã cáo buộc tổ chức này đối phó thiếu hiệu quả với đại dịch COVID-19 và ưu ái Trung Quốc. Ngay trong tuần này, ông chủ Nhà Trắng đã đe dọa rút khỏi WHO và ngừng vĩnh viễn việc tài trợ cho tổ chức này.

Ông Tedros cho biết đã nhận được một lá thư của Tổng thống Trump, nhưng từ chối bình luận thêm. Ông nói: “Câu trả lời đơn giản là chúng tôi đã nhận được lá thư đó và đang nghiên cứu nó.”

Trong một động thái có thể khiến Tổng thống Trump tức giận hơn nữa, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan trong cuộc họp báo trên đã khuyến cáo mọi người tránh sử dụng thuốc điều trị bệnh sốt rét hydroxychloroquine, ngoại trừ được chỉ định để điều trị bệnh.

Trước đó, Tổng thống Trump đã cho biết ông sử dụng hydroxychloroquine hàng ngày như một biện pháp phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 trong bối cảnh một số nhân viên Nhà Trắng đã xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Số ca nhiễm mới ở châu Phi tăng mạnh kỷ lục

Bộ Y tế Ai Cập ngày 20/5 thông báo ghi nhận thêm 745 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đánh dấu mức tăng kỷ lục tính theo ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên hồi giữa tháng 2 vừa qua, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở quốc gia Bắc Phi này lên 14.229 người.

Theo người phát ngôn Bộ Y tế Ai Cập Khaled Megahed, số bệnh nhân thiệt mạng do căn bệnh nguy hiểm này hiện là 680 người, sau khi có thêm 21 ca tử vong trong ngày. Bên cạnh đó, có 252 bệnh nhân được xuất viện, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 3.994 người.

Dien bien COVID-19 den 5h45 sang 21/5: So ca nhiem moi cao ky luc hinh anh 2
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Cairo, Ai Cập ngày 12/5/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed thông báo toàn bộ 320 bệnh viện đa khoa của nước này sẽ tiến hành xét nghiệm những bệnh nhân có triệu chứng mắc COVID-19 kể từ ngày 21/5. Những người có triệu chứng nhẹ sẽ được cách ly tại nhà trong khi đợi kết quả xét nghiệm, còn những bệnh nhân có triệu chứng nặng hơn sẽ được cách ly tại bệnh viện.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi Ai Cập mở rộng xét nghiệm virus SARS-CoV-2, song không khuyến cáo con số cụ thể.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục tăng cao ở hai quốc gia Bắc Phi láng giềng là Algeria và Maroc.

Ủy ban Khoa học giám sát về sự phát triển đại dịch COVID-19 của Algeria cho biết, tính đến chiều 20/5 theo giờ địa phương, nước này đã ghi nhận thêm 165 ca mắc COVID-19 và 7 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia này lên 7.542 người và 568 ca tử vong.

Số ca nhiễm mới ở Algeria luôn được duy trì ở mức 3 con số (nhưng dưới 200 ca/ngày) và kéo dài trong suốt gần 3 tuần qua. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 222 ca mắc COVID-19 được chữa khỏi trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca được chữa khỏi là 3.968 người.

Cùng ngày, Bộ Y tế Maroc cho biết nước này đã ghi nhận thêm 110 ca mắc COVID-19 và 1 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở đây lên 7.133 ca nhiễm và 194 ca tử vong.

Tính đến chiều 20/5, tổng số bệnh nhân COVID-19 ở nước này được chữa khỏi là 4.098 người. Bộ Y tế Maroc kêu gọi người dân tiếp tục tôn trọng các quy định về vệ sinh và y tế, cũng như các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan dịch bênh do chính phủ ban hành.

Hiện Algeria và Maroc là hai quốc gia lần lượt xếp thứ 3 và 4 về số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất châu Phi, chỉ sau Nam Phi (18.003 ca nhiễm và 339 ca tử vong) và Ai Cập (14.229 ca nhiễm và 680 ca tử vong).

Italy, Hy Lạp tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Italy Paola De Micheli ngày 20/5 cho biết toàn bộ các sân bay ở quốc gia Nam Âu này có thể mở cửa trở lại kể từ ngày 3/6 tới.

Đây là một bước đi khác nhằm từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 vốn được áp đặt trên phạm vi toàn quốc kể từ ngày 9/3. Bà De Micheli được báo chí địa phương dẫn lời nêu rõ: “Toàn bộ các sân bay có thể mở cửa trở lại kể từ ngày 3/6, thời điểm mà các chuyến bay liên vùng, cũng như các chuyến bay quốc tế sẽ lại được phép hoạt động.”

Dien bien COVID-19 den 5h45 sang 21/5: So ca nhiem moi cao ky luc hinh anh 3
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện tại Rome, Italy ngày 20/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trước đó, kể từ ngày 18/5, Italy đã cho phép mở cửa trở lại các cửa hàng, cửa hiệu, quán bar, nhà hàng và các hiệu cắt tóc, làm đẹp trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, người dân cũng được phép đi lại tự do ở trong phạm vi từng vùng. Cũng theo kế hoạch của Chính phủ Italy, đến ngày 3/6, Italy sẽ cho phép du khách, công dân các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) nvà khu vực Schengen tự do đi lại đến Italy. Ngoài ra, người dân Italy cũng sẽ được tự do đi lại giữa các vùng trên cả nước bắt đầu từ thời điểm này (3/6).

Cùng ngày, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy thông báo nước này ghi nhận thêm 665 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này lên 227.364 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong tăng lên 32.330 trường hợp (tăng 161 ca) và số ca hồi phục là 132.282 ca (tăng 2.881 ca). Cơ quan Bảo vệ Dân sự cho biết tổng số ca nhập viện với các triệu chứng hiện là 10.207 ca (giảm 40 ca), trong đó số ca điều trị tích cực là 676 ca (giảm 40 trường hợp)

Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis ngày 20/5 cho biết nước này sẽ nối lại các chuyến bay quốc tế vào ngày 1/7 sau khi tái khởi động mùa du lịch vào ngày 15/6 tới nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh lệnh phong tỏa do dịch bệnh COVID-19 đã kết thúc.

Phát biểu trên truyền hình, ông Mitsotakis nói: “Mùa du lịch bắt đầu vào ngày 15/6, thời điểm mà các khách sạn có thể mở cửa trở lại. Còn các chuyến bay quốc tế trực tiếp đến các điểm du lịch của chúng ta sẽ được bắt đầu từ ngày 1/7.”

Hy Lạp đã ban bố lệnh phong tỏa trên toàn quốc kể từ ngày 23/3 và các biện pháp hạn chế dần được dỡ bỏ kể từ ngày 4/5 vừa qua. Các trung tâm mua sắm, cửa hàng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ăn uống và chăm sóc cơ thể được mở cửa trở lại trong ngày 18/5.

Các địa điểm khảo cổ, sở thú và vườn bách thảo mở cửa đón khách tham quan từ ngày 18/5, song vẫn áp dụng các quy tắc phòng dịch nghiêm ngặt. Chính phủ Hy Lạp tạo điều kiện cho việc đi lại của người dân giữa các tỉnh thành trong cả nước, cũng như tới hai hòn đảo Crete  và Evia.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 3 giờ sáng 21/5 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 của Hy Lạp là 2.850 trường hợp, trong đó có 166 ca tử vong và 1.374 bệnh nhân khỏi bệnh.

Nepal đổ lỗi cho Ấn Độ lây truyền dịch bệnh COVID-19

Trang mạng Scroll.in ngày 20/5 đưa tin Thủ tướng Nepal KP Sharma Oli đã đổ lỗi cho người dân Ấn Độ vì đã lây truyền virus SARS-CoV-2 cho nước này.

Phát biểu trước Quốc hội Nepal hôm 19/5, ông Oli cho rằng virus lây truyền từ những người Ấn Độ nhập cảnh trái phép nguy hiểm hơn so với các công dân đến từ Trung Quốc và Italy. Ông đánh giá vào thời điểm hiện nay thật khó để ngăn chặn dịch bệnh do dòng người đến từ bên ngoài.

Phát biểu của Thủ tướng Nepal được đưa ra trong bối cảnh nước này và Ấn Độ đang gia tăng căng thẳng về vấn đề biên giới. Nepal chỉ trích Ấn Độ xây dựng một con đường gần ngã 3 biên giới Ấn Độ-Nepal-Trung Quốc đi qua lãnh thổ của họ, trong khi Ấn Độ khẳng định con đường trên hoàn toàn nằm trong lãnh thổ của mình.

Theo trang thống kê worldometers.info, đến nay Nepal đã ghi nhận 427 ca nhiễm SARS-CoV-2, với 2 người tử vong.

El Salvador kéo dài lệnh cách ly bắt buộc

Chính phủ El Salvador thông báo kéo dài lệnh cách ly bắt buộc tới ngày 6/6 nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Từ ngày 14/3, El Salvador đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, theo đó tạm thời đình chỉ quyền tự do đi lại của người dân. Ngay sau đó 1 tuần, Tổng thống El Salvador Nayib Bukele đã ra lệnh cách ly bắt buộc.

Dien bien COVID-19 den 5h45 sang 21/5: So ca nhiem moi cao ky luc hinh anh 4
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở La Libertad, El Salvador ngày 16/5/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo sắc lệnh, chỉ một người trong mỗi gia đình được phép ra ngoài để mua thực phẩm hoặc thuốc. Và chỉ có nhân viên ngân hàng, tài xế, nhân viên nhà hàng và nhà phân phối, nhà báo, quan chức, binh sĩ, cảnh sát, nhân viên siêu thị, nhân viên vận chuyển và nhân viên y tế có thể rời khỏi nhà, nhưng phải có giấy phép.

Chính phủ El Salvador cũng đang nghiên cứu kế hoạch mở cửa lại từng bước nền kinh tế sau ngày 6/6. El Salvador hiện ghi nhận 1.498 ca mắc COVID-19, trong đó có 30 ca tử vong.

TTXVN

Bài mới
Đọc nhiều