Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga – Ukraine ngày 16/5
Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 16/5.
Ba Lan phản ứng việc EU nhượng bộ thanh toán khí đốt bằng đồng rúp: Chính phủ Ba Lan mới đây đã bày tỏ sự không hài lòng với việc Liên minh châu Âu (EU) cho phép thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp.
Trước đó, vào ngày 13/5, Ủy ban châu Âu đã lý giải cho việc một số nước EU phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga có thể thanh toán cho mặt hàng này mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của EU, lập trường này được Đức và Pháp ủng hộ trong khi Ba Lan và một số các quốc gia khác chỉ trích.
Nga tiết lộ phản ứng nếu NATO triển khai vũ khí tấn công trên lãnh thổ Phần Lan: Nga sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới Nga – Phần Lan trong trường hợp Helsinki gia nhập NATO và liên minh này triển khai vũ khí tấn công trên lãnh thổ của Phần Lan, Viktor Bondarev, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hội đồng Liên bang Nga cho hay.
Hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày16/5 cho biết, Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ là một “sai lầm” với “hậu quả sâu rộng”.
Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, Mỹ đã chuẩn bị trong trường hợp cần thiết sẽ cung cấp cho Thụy Điển và Phần Lan hỗ trợ quân sự trong thời gian những nước này chờ đợi phản hồi của NATO về quyết định xin gia nhập liên minh.
Khả năng Phần Lan gia nhập NATO khiến xung đột ở Ukraine lan sang Bắc Âu: Giữa bối cảnh Phần Lan chính thức quyết định xin gia nhập NATO, cuộc xung đột ở Ukraine có nguy cơ leo thành một cuộc chiến lớn hơn ở châu Âu.
Ngoài ra, với việc Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức tuyên bố ý định gia nhập NATO, danh sách các quốc gia “trung lập” hoặc không liên kết ở châu Âu có thể sẽ thu hẹp lại.
NATO sẽ duy trì các lệnh trừng phạt Nga trong thời gian cần thiết: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, tất cả các quốc gia thành viên NATO cam kết duy trì các biện pháp trừng phạt Nga trong thời gian cần thiết.
Thổ Nhĩ Kỳ nêu lý do giữ quan điểm cân bằng về xung đột Nga-Ukraine: Cố vấn của Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ phải duy trì thế cân bằng ngoại giao sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine để Ankara vẫn có thể giúp tạo điều kiện thúc đẩy kết thúc chiến tranh thông qua đàm phán.
Giao tranh ác liệt ở Lugansk và Donetsk, Nga tấn công khu vực trọng yếu: Nga đã tăng cường sự hiện diện xung quanh Izium trong một nỗ lực tiến xa hơn về phía Nam và giao tranh ác liệt đã diễn ra trong khu vực cuối tuần qua. Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, tại 3 khu vực tiền tuyến, các lực lượng Nga vẫn tiếp tục tiến công và giao tranh đang tiếp tục, còn tại khu vực Avdiivka, các lực lượng của Nga đã rút lui.
Nga tuyên bố bắn hạ máy bay chiến đấu Ukraine gần Đảo Rắn: Nga tuyên bố bắn hạ 3 máy bay chiến đấu của Ukraine, trong đó có 1 máy bay gần Đảo Rắn ở Biển Đen và 2 máy bay ở khu vực Mykolaiv và Kharkiv. Trong khi đó, phía Ukraine cho biết Nga chịu nhiều thiệt hại và phải rút lui gần Sievierodonetsk.
Quân đội Ukraine tuyên bố tiến sát biên giới Nga, Moscow siết chặt vòng vây ở Donbass: Nga cho biết, các lực lượng nước này đã tấn công nhiều cứ điểm của quân đội Ukraine ở phía Đông bằng tên lửa, còn Ukraine tuyên bố đã tiến sát biên giới Nga.
EU bế tắc trong việc tìm đồng thuận về lệnh cấm vận dầu mỏ Nga: Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã không thể nhất trí về những đề xuất nhằm cấm vận nhập khẩu dầu Nga sau hơn 10 ngày trao đổi, trong đó Hungary dẫn đầu nhóm các quốc gia phản đối biện pháp này, Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho hay.
Điện Kremlin cảnh báo Ukraine gia nhập NATO sẽ gây ra tranh chấp lãnh thổ với Nga: Việc chấp nhận Ukraine gia nhập NATO có thể dẫn đến tình huống Nga xảy ra tranh chấp lãnh thổ với một thành viên của liên minh này, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay. “Không giống như Ukraine, Phần Lan và Thụy Điển không có tranh chấp lãnh thổ với Nga”, ông Peskov cho hay giữa bối cảnh 2 quốc gia Bắc Âu trên thông báo chính thức về việc gia nhập NATO ngày 15/5.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Phần Lan và Thụy Điển rằng bất kỳ sự mở rộng quân sự nào trên lãnh thổ của những nước này, đều sẽ đối mặt với phản ứng từ Nga.
Thụy Điển đảo ngược chính sách trung lập hơn 200 năm: Thủ tướng Thụy Điển thông báo ngày 16/5 rằng Thụy Điển sẽ cùng Phần Lan gia nhập NATO giữa bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn. Đây là một sự dịch chuyển mang tính lịch sử sau hơn 200 năm quốc gia Bắc Âu này thực hiện chính sách không liên minh quân sự.
Tổng thống Nga Putin đã có phản ứng đầu tiên trước việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO: Theo đó, Tổng thống Putin cho biết, Nga không có vấn đề gì với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO nhưng sự mở rộng các hệ thống quân sự trên lãnh thổ của những nước này sẽ dẫn đến phản ứng từ Moscow.
Nga cho phép sơ tán thương binh Ukraine ở nhà máy thép Azovstal: Bộ Quốc phòng Nga cho hay ngày 16/5 rằng, Nga và các lực lượng đồng minh đang bao vây nhà máy thép Azovstal ở Mariupol sẽ cho phép các binh lính Ukraine rời khỏi thành trì này và tới bệnh viện ở Novoazovsk./.
Khai Tâm