Diễn biến chiến sự Ukraine – Nga mới nhất trưa ngày 28/03
CNN dẫn tuyên bố của Mikhail Podoliak, cố vấn của Tổng thống Zelensky cho biết trong đêm chủ Nhật, tên lửa Nga tiếp tục dồn dập nã vào hàng loạt thành phố của Ukraine.
Miền Tây Ukraine nóng rực, Nga nã tên lửa ồ ạt chưa từng có
Mikhail Podoliak, cố vấn của Tổng thống Zelensky cho biết trên Twitter rằng trong đêm qua chủ Nhật, 27/03/2022, tên lửa Nga tiếp tục dồn dập nã vào hàng loạt thành phố của Ukraine như Lutsk, Kharkiv, Zhytomyr và Rivne.
Trong khi đó, thành phố cảng chiến lược Mariupol ở miền Nam nước này cũng là một túi bom. Ông nói: “Mỗi ngày lại có thêm nhiều tên lửa. Mariupol đang nằm dưới ‘thảm’ bom”.
Liên tiếp trong 2 ngày 26 và 27/03, các lực lượng vũ trang Nga sử dụng nhiều tên lửa hành trình tầm xa có điều khiển chính xác để tập kích hỏa lực hàng loạt mục tiêu trên khắp Ukraine, trọng tâm đánh phá là Lviv, thành phố chiến lược ở miền Tây nước này, giáp biên giới với Ba Lan.
The Insider dẫn nguồn tin riêng cho biết, chỉ riêng trong ngày 26/3, Quân đội Nga đã phóng số lượng tên lửa ở mức kỷ lục: 70 quả nhằm vào một loạt mục tiêu trên khắp lãnh thổ Ukraine. Trong đó có 52 quả từ các tàu chiến Nga thuộc Hạm đội Biển Đen, ít nhất 18 quả khác từ lãnh thổ Belarus.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga hôm Chủ Nhật tuyên bố họ đã sử dụng tên lửa hành trình để tấn công các mục tiêu quân sự ở thành phố Lviv phía Tây Ukraine.
Cụ thể, Nga đã tấn công một kho chứa nhiên liệu của các lực lượng Ukraine ở gần Lviv bằng tên lửa tầm xa và phá hủy một nhà máy dùng làm cơ sở để sửa chữa các hệ thống phòng không, thiết bị radar và kính ngắm xe tăng bằng tên lửa hành trình.
“Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga tiếp tục tiến hành các hoạt động tấn công trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov tuyên bố.
Theo các quan chức Ukraine ở Lviv, địa bàn chỉ cách biên giới Ba Lan khoảng 60 km, nhiều người đã bị thương trong các cuộc tấn công tên lửa của Nga.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga cũng đã sử dụng tên lửa tầm xa phóng từ biển để phá hủy kho vũ khí chứa tên lửa S-300 và hệ thống phòng không Buk gần Kyiv.
Chiến sự Ukraine hôm nay đã bước sang ngày thứ 33, giao tranh giữa các lực lượng Nga với Ukraine vẫn hết sức nóng bỏng. Cụ thể:
Trên hướng Bắc và Đông Bắc, Sáng sớm nay, thứ Hai, 28/03, nhóm phóng viên CNN ghi nhận 1 tiếng nổ lớn ở thủ đô Ukraine sau khi còi báo động phòng không dồn dập vang lên. Giao tranh trên thực địa quanh Kiev vẫn tiếp diễn, tuy nhiên chưa có nhiều đột biến.
Dường như quân Nga bị đẩy lùi xa hơn một chút và đang tăng cường đào đắp công sự, nhằm tránh thiệt hại nặng nếu bị Ukraine tập kích hỏa lực. Đoàn quân xa khổng lồ dài 64km giờ đã phân tán thành nhiều nhóm nhỏ hơn, cơ động vào các rừng cây để bảo đảm an toàn.
Trên hướng Nam, thành phố cảng chiến lược Mariupol đang nằm trong “túi bom” của các lực lượng Nga. Các đơn vị phòng thủ thành phố này được cho là chỉ còn giữ được dưới 20% diện tích, quân Nga với chủ công là đặc nhiệm Chechnya và các chiến binh miền Đông ly khai do họ hậu thuẫn, đã quét sạch được 80% thành phố.
Trên hướng Tây, thành phố Lviv gần biên giới Ba Lan vốn tương đối yên bình kể từ đầu cuộc chiến thì giờ đây đã và đang trở thành một trong những điểm nóng. Quân đội Nga liên tiếp nã tên lửa hành trình tầm xa, có điều khiển chính xác phóng từ tàu chiến, từ máy bay.
Mục tiêu của Nga là hủy diệt các cơ sở hậu cần – kỹ thuật (kho xăng dầu, nhà máy sửa chữa vũ khí, khí tài) của Ukraine tại miền Tây. Chắc chắn Nga sẽ không dừng lại, họ còn tiếp tục tập kích hỏa lực vào các thành phố miền Tây trong những ngày tới.
Trên hướng Đông, dù chưa có nhiều đột biến lớn nhưng chiến sự vẫn đang diễn ra quyết liệt, bởi đây là trọng tâm của giai đoạn 2 thuộc chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga triển khai ở Ukraine. Chắc chắn trong những ngày tới sẽ có những thay đổi.
Đàm phán hòa bình ở Ukraine có diễn biến tích cực
Về tình hình đàm phán: Ngày 27/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã nhất trí tổ chức vòng đàm phán tiếp theo giữa Nga và Ukraine tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hai nhà lãnh đạo cùng ngày đã có cuộc điện đàm và thảo luận về diễn biến mới nhất trong cuộc xung đột Nga-Ukraine và quá trình đàm phán giữa Moscow và Kiev. Trong cuộc điện đàm, ông Erdogan đã nói với ông Putin rằng một lệnh ngừng bắn và hòa bình giữa Nga và Ukraine cần đạt được càng sớm càng tốt.
Trước đó cùng ngày, ông David Arakhamia, một thành viên của đoàn đàm phán Ukraine, cho biết vòng đàm phán mới giữa Ukraine và Nga sẽ diễn ra từ ngày 28-30/3 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, trưởng đoàn đám phán Nga Vladimir Medinsky thông báo hai bên đã có các cuộc trao đổi trong ngày 27/3 và quyết định tổ chức đàm phán trong 2 ngày 29 và 30/3 theo hình thức trực tiếp.
Về phản ứng quốc tế: Trong bài phỏng vấn đăng trên tờ The Mail, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace giải thích, việc cung cấp các xe tăng do nước này sản xuất cho Ukraine “sẽ không hiệu quả” vì đòi hỏi quá trình đào tạo và huấn luyện sử dụng.
Theo ông, nên tập trung vào việc sửa chữa các trang thiết bị của Nga và Liên Xô (cũ), vốn yêu cầu dễ dàng hơn về huấn luyện cho quân đội Ukraine.
Quan chức Anh cũng cho biết, nước này sẽ trao cho Ukraine các hệ thống tên lửa phòng không vác vai tầm thấp Starstreak do Anh sản xuất, có tốc độ gấp 3 lần tốc độ âm thanh và được thiết kế để tiêu diệt các máy bay chiến đấu. Các binh sĩ Ukraine đã được huấn luyện sử dụng vũ khí này.
Ông Wallace nhấn mạnh Anh “đang làm nhiều hơn bất kỳ nước nào khác” trong việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
Ngày 27/3, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng các cường quốc thế giới phải tiếp tục đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 27/3, Anh thông báo dừng hợp tác với Nga trong các dự án nghiên cứu và phát triển được tài trợ bằng ngân sách công.
Bộ trưởng Khoa học Anh George Freeman thông báo London sẽ không tài trợ cho bất kỳ dự án hợp tác mới nào với Nga thông qua các tổ chức về nghiên cứu và sáng tạo của nước này. Anh cũng thông báo đình chỉ đối thoại liên chính phủ với Moskva thông qua nhóm kết nối sáng tạo và khoa học của nước này tại Nga, bao gồm các dự án khoa học chung.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt nhằm cô lập và gia tăng sức ép Moscow. Tuy nhiên, những biện pháp này được cho là có tác động nhất định tới kinh tế thế giới.
Khai Tâm