+
Aa
-
like
comment

Diễn biến chiến sự Ukraine mới nhất tối ngày 30/03

31/03/2022 08:34

CNN cho biết, một quan chức cao cấp Ukraine nói: Không có nơi nào im tiếng báo động dù Nga tuyên bố sẽ giảm cường độ tác chiến ở Kiev và phía Bắc thành phố Chernihiv.

Quân đội Nga tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine

Quân đội Ukraine, Mỹ và phương Tây thông tin chiến sự

Quan chức cấp cao Ukraine cho biết, trong đêm, trên khắp lãnh thổ nước này nơi đâu cũng có tiếng báo động, bất chấp phía Nga tuyên bố giảm cường độ hoạt động quân sự ở xung quanh thủ đô Kiev và ở phía Bắc thành phố Chernihiv. Cụ thể, ông Vadym Denysenko, cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine nói:

“Trong đêm, báo động phòng không liên tục trên khắp đất nước… Trên thực tế, chẳng có khu vực nào là không phải báo động phòng không. Sáng nay cũng vậy, liên tục lặp lại, đặc biệt ở ở Donbass — Kramatorsk, Bakhmut — thủ đô Kiev và vùng Kiev. Đạn vẫn nã vào Chernihiv, Khmelnytsky. Tại Kiev, một số quả rocket đã bị bắn hạ trên vùng trời thủ đô”.

CNN dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Anh ghi nhận nhiều đơn vị Quân đội Nga đã trở về Belarus sau khi hứng chịu thiệt hại nặng trong giao chiến ở Ukraine. Những đơn vị này sẽ cần được tái tổ chức và tiếp vận ở Belarus, điều này cho thấy các lực lượng vũ trang Nga gặp nhiều khó khăn trong công tác hậu cần.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh có đoạn: “Nga dường như sẽ tiếp tục bù đắp cho việc giảm hoạt động quân sự trên bộ bằng giải pháp tăng cường sử dụng ồ ạt pháo binh và tên lửa”.

Tuy nhiên CNN cho biết không thể độc lập xác minh được thông tin các đơn vị Quân đội Nga quay trở về Ukraine.

Trong khi đó, Reuters dẫn tuyên bố của ông Oleksiy Arestovych, cố vấn văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết Nga đang điều động lực lượng từ khu vực phía Bắc sang phía Đông Ukraine nhằm nỗ lực bao vây quân đội quốc gia Đông Âu này.

Tuy nhiên, Nga vẫn duy trì một lượng quân yểm trợ gần thủ đô Kiev để kiềm tỏa một phần quân đội Ukraine tại đó.

Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, ông Arestovych cho biết thêm, Ukraine đã “cải thiện vị thế đàm phán” của mình từ trước khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” hôm 24/2 vừa qua, từ đó đẩy nhanh việc đảm bảo vị thế trung lập nhưng kèm theo đảm bảo an ninh từ bên ngoài.

Ảnh vệ tinh cho thấy một tổ hợp quân sự ở Naroulia, Belarus, chụp ngày 14/03/2022, Ảnh Maxar Technologies/Reuters.

Báo The Kyiv Independent dẫn nguồn từ Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine công bố thống kê mới nhất về thiệt hại của các lực lượng vũ trang Nga ở Ukraine tình tới hôm nay 30/03/2022.

Cụ thể như sau, Quân Nga đã mất 17.300 binh sĩ, 131 máy bay, 131 trực thăng, 605 xe tăng, 305 khẩu pháo, 1.723 xe thiết giáp chở quân, 4 tổ hợp tên lửa đạn đạo tầm ngắn, 96 xe bệ pháo phản lực bắn loạt, 7 tàu thuyền, 1.184 xe cơ giới, 75 xe téc chở nhiên liệu, 81 máy bay không người lái, 54 tổ hợp phòng không, 21 thiết bị đặc chủng.

Tuy nhiên, con số mà phía Ukraine công bố khác xa so với thông báo mới nhất của Bộ Quốc phòng Nga.

Thống kê thiệt hại của Quân Nga tại Ukraine tính tới hôm nay 30/03/2022. The Kyiv Independent dẫn nguồn từ BTTM Quân đội Ukraine.

Hoạt động của Quân đội Nga ở Ukraine

Thiếu tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, thông tin mới nhất về tình hình chiến sự ngày 30/03/2022 như sau: Các lực lượng vũ trang Nga vẫn đang tiếp tục tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

– Tên lửa phóng từ đường không có độ chính xác cao đã phá hủy các kho nhiên liệu lớn ở quận STAROKONSTANTYNOV và KHMELNYTSKY, nơi cung cấp nhiên liệu cho các xe bọc thép của quân đội Ukraine ở Donbass.

– Hệ thống tên lửa chiến thuật – chiến dịch Iskander đã phá hủy hai kho vũ khí tên lửa và pháo lớn ở làng KAMENKA, vùng Donetsk.

– Trong một trận không chiến, 1 máy bay ném bom Su-24 của Không quân Ukraine bị bắn rơi tại khu vực làng TUMEN, vùng Rivne, gần biên giới Ukraine-Belarus .

– Phòng không của lực lượng hàng không vũ trụ Nga đã phá hủy 10 máy bay không người lái của Ukraine trong các khu vực định cư IZYUM, NOVAYA KAKHOVKA, DONETSK, NIKOLAEV, BERDYANSK, GORLOVKA, LUGANSK và RUBEZHNOE mỗi ngày.

– Trong ngày, lực lượng hàng không chiến thuật và tên lửa đã tấn công 64 cơ sở quân sự của Ukraine.

Gồm: 4 sở chỉ huy, bao gồm sở chỉ huy của lực lượng hoạt động đặc biệt Ukraine gần làng BEREZNIGOVATOE, vùng Mykolaiv, 3 hệ thống tên lửa phòng không – 1 S-300 gần thị trấn MALIN, vùng Zhytomyr và 2 Buk-M1 ở các khu vực của UGLEDAR và SLAVYANSK.

3 cơ sở lắp đặt nhiều hệ thống tên lửa phóng, hai khẩu đội pháo và 49 khu vực tập trung thiết bị quân sự và căn cứ của Lực lượng vũ trang Ukraine cũng bị phá hủy.

– Tổng cộng, kể từ khi bắt đầu hoạt động quân sự đặc biệt (24/02/2022), Quân đội Nga đã phá hủy: 124 máy bay và 77 trực thăng, 214 hệ thống tên lửa phòng không, 321 máy bay không người lái, 1.752 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 184 hệ thống tên lửa phóng loạt, 734 khẩu pháo dã chiến và súng cối, cũng như 1.640 đơn vị xe quân sự đặc chủng của Ukraine.

Hôm nay, Quân đội Nga tiết lộ những hình ảnh hủy diệt tên lửa phóng không S-300 Ukraine ở thủ đô Kiev, Ukraine. Đồng thời cho biết nhiều tên lửa đã tiếp tục được nã vào Brovary ở phía Đông Kiev để phá huỷ kho tàng.

Tên lửa Nga phá hủy kho tàng của Quân đội Ukraine tại Brovary ở phía Đông Kiev.

Nga khẳng định đàm phán với Ukraine vẫn tiếp diễn

Sẽ tiếp tục đàm phán

Hôm nay, 30/03/2022, Sputnik dẫn tuyên bố của Trưởng đoàn đàm phán Nga, ông Vladimir Medinsky cho biết cuộc đàm phán giữa nước này với Ukraine vẫn tiếp tục diễn ra, đồng thời khẳng định quan điểm của Moscow về vùng Donbass và Crimea vẫn không có gì thay đổi.

Phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya 24, ông Vladimir Medinsky nói: “Công việc vẫn tiếp diễn, đàm phán vẫn tiếp diễn. Tôi muốn nhấn mạnh rằng quan điểm mang tính nguyên tắc của chúng tôi về vấn đề Donbass và Crimea vẫn vậy”.

Bước tiến quan trọng trong đàm phán Nga – Ukraine

Cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) không kéo dài sang ngày 30/3 như kế hoạch ban đầu.

Sau khoảng 4 giờ đàm phán chiều qua, 29/3, đoàn đàm phán Nga đã trở về Moscow vào tối cùng ngày, mang theo đề xuất bằng văn bản của Ukraine về một “thỏa thuận hòa bình” giữa hai bên. Kết quả này được đánh giá là bước tiến đáng kể trong tiến trình đàm phán khó khăn nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn 1 tháng tại Ukraine.

Nội dung văn bản trên không được công bố, song căn cứ vào những gì các đại diện đàm phán của hai bên thông báo, Ukraine đã đề xuất quy chế trung lập cho nước này để đổi lấy việc đảm bảo an ninh.

Tuy nhiên, hôm nay người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga và Ukraine vẫn chưa đạt được đột phá sau vòng đàm phán hòa bình tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ trước đó một ngày.

Các nước Đông Âu bất đồng quan điểm về cuộc xung đột Nga-Ukraine

Theo Euronews ngày 29/3, một hội nghị của các bộ trưởng quốc phòng dự kiến diễn ra ở Hungary đã bị hủy sau khi Ba Lan và Séc quyết định không tham dự do lập trường trung lập của Budapest về cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Các bộ trưởng quốc phòng Ba Lan và Séc cho biết họ sẽ không đến Hungary để tham dự cuộc họp theo kế hoạch từ ngày 30-31/3/2022.

Hungary cũng xác nhận rằng họ đã hủy hội nghị thượng đỉnh theo kế hoạch của cái gọi là Nhóm Visegrád (V4), gồm Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia. Bất đồng trong nhóm V4 đã xuất hiện sau cuộc xung đột Nga – Ukraine, trong đó Hungary tuyên bố quan điểm trung lập.

Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã phản đối chiến dịch quân sự của Nga, nhưng nhiều lần tuyên bố rằng nước này sẽ không hỗ trợ thiết bị quân sự cho Ukraine. Ông Orbán cũng từ chối ủng hộ lệnh cấm vận nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga.

Ngược lại, Ba Lan đã ủng hộ mạnh mẽ lệnh cấm vận năng lượng của Nga, và cuộc xung đột đã làm căng thẳng mối quan hệ gần gũi giữa Warsaw và Budapest.

Khai Tâm

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều