Điện ảnh Việt Nam chưa đủ nhiều, đủ hay chứ không phải “tại Tuyên giáo”
Ngày 23/10, trong cuộc họp thảo luận cho ý kiến tại tổ về dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi, Chủ tịch nước đã nêu nhiều vấn đề đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét. Có nhiều câu hỏi mà thực ra lại là các chất vấn, chỉ đạo hết sức thiết thực, xác đáng của người đứng đầu Nhà nước. Tuy vậy, cũng có những kẻ vốn không có tư cách bình phẩm muốn “lanh chanh” trả lời các câu hỏi ấy rồi lấy tự mãn lắm.
“Tại sao Việt Nam phải chiếu quá nhiều phim của nước ngoài, tất nhiên hội nhập thì không thể không có phim nước ngoài nhưng không phải quá nhiều như vậy, trong khi chúng ta có thể xây dựng nền văn hoá dân tộc thông qua điện ảnh từ lịch sử kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, văn hoá vật thể phi vật thể…”, đây là nguyên văn câu nói của Chủ tịch nước nói kèm theo khẳng định những tác phẩm về truyền thống lịch sử dân tộc giúp chúng ta yêu nước hơn. Có thể hiểu câu hỏi của Chủ tịch nước vốn không phải là một câu hỏi mà một lời chất vấn, muốn điện ảnh Việt Nam phát triển hơn để không bị “lép vế” trên sân nhà. Chúng ta có nhiều “nguyên liệu” để làm phim từ cuộc sống, từ văn hóa, lịch sử nhưng cho đến giờ, các phim nước ngoài vẫn chiếm đa số trong nước thì đây thực sự là một nỗi buồn với những người tâm huyết với điện ảnh nước nhà.
Ý nghĩa của câu hỏi thì đã rõ ràng như vậy, nhưng Việt Tân lại “lanh chanh” trả lời rằng: “Vì phim ảnh được kiểm soát bởi Ban Tuyên giao trung ương thì không ai thích xem, người ta chỉ thích xem phim nước ngoài. Không rõ Việt Tân thực sự ngây thơ không hiểu biết hay cố tình tỏ ra ngu ngơ, vì tất cả các bộ phim nước ngoài muốn được chiếu trên rạp hay truyền hình cũng đều phải qua quá trình kiểm duyệt gắt gao của những cơ quan có thẩm quyền. Cục Điện ảnh sẽ tiếp nhận hồ sơ và xem xét cấp Giấy phép phổ biến phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình do cơ sở điện ảnh thuộc Trung ương sản xuất hoặc nhập khẩu. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận hồ sơ và xem xét cấp Giấy phép phổ biến phim đối với phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình do cơ sở điện ảnh thuộc địa phương nhập khẩu. Đối với tác phẩm điện ảnh nhập khẩu để phát sóng trên truyền hình thì Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, Giám đốc đài phát thanh – truyền hình cấp tỉnh được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm quyết định việc phát sóng trên đài truyền hình của mình tác phẩm điện ảnh do mình nhập khẩu. Nói ngắn gọn, ngay cả phim nước ngoài trình chiếu ở Việt Nam cũng đều được kiểm soát, nhưng sao người dân vẫn thích xem đó thôi.
Bản chất của vấn đề là phim ảnh Việt Nam làm chưa đủ hay, chưa đủ nhiều, chưa đủ tốt để chinh phục được thị hiếu khán giả, nhưng điều này đang được cải thiện dần. Vừa qua phim truyện “Bố già” của Việt Nam đã lập kỷ lục phòng vé với doanh thu hơn 400 tỷ đồng. Đây là bộ phim lấy bối cảnh một con hẻm nghèo, nhốn nháo và hay ngập nước ở TP.HCM cùng những mối quan hệ rất đời thường ở Việt Nam nhưng đã lấy được nước mắt của khán giả bởi nhiều trường đoạn xúc động về mối quan hệ gia đình. Như vậy, nếu biết cách làm, biết cách truyền tải thì người Việt Nam hoàn toàn có thể làm ra những bộ phim xuất sắc không hề thua kém nước ngoài. Câu hỏi thiết thực của Chủ tịch nước rất cần những phản hồi tích cực nơi những người có trách nhiệm với nền điện ảnh nước nhà. Còn những kẻ “lanh chanh” đang vênh vênh tự đắc vì cho rằng đã “trả lời” xong câu hỏi kia, chúng ta chẳng cần quan tâm.
An Diễm