Điểm yếu của đảo nhân tạo phi pháp của Bắc Kinh tại Trường Sa
Tạp chí quân sự Trung Quốc nhận định các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng phi pháp ở Biển Đông “rất dễ bị tấn công” và “không đóng góp nhiều” nếu có xung đột.
Tờ South China Morning Post ngày 6-12 dẫn một tạp chí quân sự Trung Quốc nhận định các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam “rất dễ bị tấn công và không đóng góp nhiều trong bất cứ nhiệm vụ chiến đấu nào”.
Ấn phẩm mới nhất của Naval and Merchant Ships – một tạp chí do tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC) xuất bản hàng tháng có trụ sở tại Bắc Kinh – đã nêu bật những điểm yếu của các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp tại Trường Sa trên bốn khía cạnh: khoảng cách với đất liền, kích thước nhỏ, khả năng hạn chế của các đường băng và khả năng bị tấn công từ nhiều phía.
Tạp chí cũng nhận định các đảo nhân tạo vẫn chưa đạt được bất kỳ khả năng tấn công đáng kể nào.
“Những đảo nhân tạo này mang lại những lợi thế đặc biệt giúp Trung Quốc khẳng định chủ quyền [phi pháp] và duy trì sự hiện diện quân sự, song cũng tồn tại những bất lợi tự nhiên về khả năng tự vệ” – South China Morning Post trích bài viết trong tạp chí cho biết.
Về khoảng cách với đất liền: Tạp chí cho biết quần đảo Trường Sa nằm sâu trong Biển Đông, cách xa đất liền Trung Quốc và không có một chuỗi chặt chẽ nào kết nối với chúng, vì vậy Trung Quốc sẽ rất khó triển khai lực lượng hỗ trợ nếu xảy ra xung đột tại đây.
“Chẳng hạn đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) hiện đang có một đường băng máy bay, nhưng lại cách thành phố Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam đến 1.000 km. Với khoảng cách này, các tàu hỗ trợ chiến đấu nhanh nhất của Trung Quốc sẽ phải di chuyển hơn 20 tiếng để tới được bãi đá” – tạp chí viết.
Tạp chí cũng cho rằng các hòn đảo này quá xa để Trung Quốc triển khai tiêm kích J-16 một cách hiệu quả. Các máy bay chiến đấu không thể tuần tra khu vực vì khoảng cách xa và có thể dễ dàng bị tàu mặt nước đánh chặn hoặc tấn công.
Về khả năng hạn chế của các đường băng: Tạp chí cho rằng hầu hết các đảo nhân tạo chỉ có một đường băng và không có không gian để hỗ trợ nhiều hơn một máy bay cùng một lúc.
Có nghĩa là, trong trường hợp xảy ra xung đột, một máy bay đang dỡ hàng hoặc tiếp nhiên liệu sẽ phải luôn ở trên đường băng, do đó sẽ ngăn cản các máy bay khác sử dụng đường băng.
Ngoài ra, các đường băng cũng gần với biển, khiến chúng dễ bị ảnh hưởng bởi thủy triều và thời tiết nhiệt đới.
Về kích thước nhỏ: Tạp chí cho biết các đảo nhân tạo quá nhỏ để có thể tồn tại trong các cuộc tấn công quy mô lớn. Hầu hết các hòn đảo đều có địa hình bằng phẳng và có rất ít thảm thực vật hoặc đá. Do đó, chúng có rất ít sự che chở trong một cuộc tấn công.
Điều tốt nhất mà quân đội Trung Quốc có thể làm để bảo vệ thiết bị và vật tư là xây dựng các hầm trú ẩn phòng thủ bằng vật liệu như thép – thứ phải được vận chuyển từ đất liền và không thể chịu được một cuộc tấn công tên lửa liên tục.
Về khả năng bị tấn công từ nhiều phía: Tạp chí cho biết một số bên tranh chấp khác cũng tuyên bố chủ quyền và nắm giữ các hòn đảo tại Biển Đông. Nếu Mỹ hỗ trợ các đồng minh như Philippines hoặc Malaysia trong bất kỳ cuộc xung đột nào, sẽ có nhiều cách tiếp cận mà họ có thể tấn công, chẳng hạn như đảo Palawan của Philippines nằm ở phía đông của Trường Sa, hoặc eo biển Malacca ở phía tây.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ), Trung Quốc đã cải tạo các bãi đá ngầm và đảo san hô mà họ chiếm giữ trái phép tại quần đảo Trường Sa từ năm 2015 và biến chúng thành các đảo nhân tạo. Bắc Kinh đã xây dựng các đường băng và các cơ sở quân sự khác, đồng thời triển khai các thiết bị như súng phòng không và hệ thống vũ khí tầm gần.
Những động thái này đã dấy lên lo ngại giữa các bên tranh chấp tại Biển Đông rằng việc quân sự hóa các hòn đảo có thể giúp Bắc Kinh tấn công máy bay chiến đấu hay bắn hạ tên lửa từ các cơ sở này.
Thành Nhân/South China Morning Post