+
Aa
-
like
comment

Điểm yếu chí tử: Không cần đến thương chiến, TQ có thể khiến cả nước Mỹ điêu đứng với đúng một “độc chiêu”

14/09/2019 16:48

Mỹ có thể lâm vào khủng hoảng nếu Trung Quốc quyết định dừng xuất khẩu một loại mặt hàng quan trọng.

Quá phụ thuộc Trung Quốc

Thuốc kháng sinh – một loại “thần dược” có thể điều trị nhiều loại bệnh nguy hiểm – được coi là một trong những tiến bộ lớn nhất của y học hiện đại.

Điểm yếu chí tử: Không cần đến thương chiến, TQ có thể khiến cả nước Mỹ điêu đứng với đúng một "độc chiêu"
Điểm yếu chí tử: Không cần đến thương chiến, TQ có thể khiến cả nước Mỹ điêu đứng với đúng một “độc chiêu”

Tờ NBC cho rằng, đó cũng chính là lí do nước Mỹ sẽ bị đẩy vào khủng hoảng lớn nếu nguồn cung cấp thuốc kháng sinh đột ngột biến mất.

Hiện tại, các quan chức an ninh quốc phòng Mỹ đang lo ngại về viễn cảnh nói trên và phải thừa nhận rằng hầu hết các nguyên liệu then chốt để sản xuất dược phẩm ở Mỹ đều được điều chế ở nước ngoài, mà cụ thể là Trung Quốc.

Trong lúc cơ quan an ninh Mỹ lo ngại về nguy cơ Trung Quốc tận dụng điểm yếu này của Mỹ, các chuỗi cung ứng dược phẩm ở nước này đang trải qua những đợt kiểm tra, xét duyệt mới.

Chuyên gia y tế Rosemary Gibson của Trung tâm Hastings nhận định: “Nếu Trung Quốc quyết định ngừng xuất khấu thuốc, những nguyên liệu thô và thành phần chủ chốt trong điều chế dược phẩm thì các bệnh viện phổ thông, viện quân y và các phòng khám ở Mỹ sẽ bị tê liệt trong nhiều tháng”.

Hoặc ở một kịch bản khác, bà Gibson nói: “Không thể loại trừ khả năng Trung Quốc vũ khí hóa dược phẩm. Họ có thể bán những loại thuốc mà không chứa thuốc hoặc bán thuốc chứa những thành phần nguy hiểm bên trong đó.”

Cũng theo bà Gibson, hiện tại, nhiều thành phần chủ chốt của những loại thuốc phổ thông cũng được sản xuất tại Trung Quốc. Những loại thuốc đó bao gồm thuốc chữa bệnh huyết áp, Alzheimer, Parkinson, bệnh động kinh và trầm cảm.

Điểm yếu chí tử: Không cần đến thương chiến, TQ có thể khiến cả nước Mỹ điêu đứng với đúng một độc chiêu - Ảnh 1.
Một công đoạn trong quy trình sản xuất thuốc Heparin ở nhà máy Trung Quốc. Ảnh: Qilai Shen

“Chúng ta không còn sản xuất penicilin nữa. Nhà máy sản xuất penicilin cuối cùng ở Mỹ đã đóng cửa hồi năm 2004,” bà Gibson nói.

Tuy vậy, viễn cảnh về việc một nhà sản xuất Trung Quốc tìm cách thay đổi thành phần thuốc hoặc bán thuốc giả là điều khó có thể xảy ra. Trong tuần này, một tờ báo nhà nước Trung Quốc khẳng định chính quyền Bắc Kinh sẽ không cố ý làm hại người dân Mỹ bằng cách cắt giảm lượng xuất khẩu thuốc kháng sinh.

Nhưng giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ – Trung bùng nổ và đạt đỉnh, một nhà kinh tế học Trung Quốc đã từng đề cập tới vấn đề dược phẩm trước cuộc họp Quốc hội thường niên.

“Trung Quốc là nhà xuất khẩu vitamin và nguyên liệu thô cho thuốc kháng sinh lớn nhất thế giới. Một khi xuất khẩu sụt giảm, hệ thống y tế tại một số quốc gia đã phát triển có thể sẽ bị tê liệt”.

Lần Năm Góc ngay lập tức chú ý tới chi tiết này.

Nguy cơ an ninh

Christopher Priest, phó giám đốc phụ trách hoạt động chăm sóc sức khỏe Cơ quan Y tế Quốc phòng Mỹ, nói: “Không thể xem nhẹ nguy cơ an ninh quốc phòng về sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường thuốc quốc tế”.

Trả lời Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung, ông Priest cho biết Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng đang cố gắng xác định những loại thuốc dễ rơi vào tình trạng khan hiếm khi Trung Quốc quyết định vũ khí hóa dược phẩm.

“Nói một cách đơn giản, chúng ta đã phụ thuộc toàn bộ vấn đề thuốc men vào Trung Quốc. Đó là sự nguy hiểm mang tính chiến lược,” một chỉ huy nghỉ hưu trả lời NBC News. “Tôi nghĩ họ [Trung Quốc] biết chính xác họ đang làm gì và họ có chiến lược rất đáng kinh ngạc. Họ chọn những ngành công nghiệp của tương lai và họ luôn có kế hoạch”.

Quốc hội Mỹ cũng đã để mắt tới vấn đề này. Hai nghị sĩ của Đảng Dân chủ là Adam Schiff và Anna Eshoo đã đưa ra cảnh báo rằng: “Nếu mối quan hệ tiếp tục xấu đi, chính phủ Trung Quốc có thể tìm tới những ‘điểm áp lực’ để buộc Mỹ phải thay đổi chính sách. Thành phần dược phẩm có thể là một trong những điểm yếu đó. Khi cắt giảm nguồn cung hoặc chi phối giá cả, Trung Quốc có thể khiến giá dược phẩm tăng vọt. Hoặc tệ hơn, Mỹ có thể chịu cảnh thiếu thốn dược phẩm”.

“Chúng ta không nên để bất cứ quốc gia nào dùng hàng hóa làm ‘con tin’,” Eshoo nói. “Mỹ cần phải đề phòng việc các quốc gia độc quyền những loại thành phần hóa học cần dùng để điều chế thuốc kháng sinh cho bệnh than, penicillin và thuốc huyết áp cao.”

Thậm chí nếu Trung Quốc không hạn chế nguồn cung, nhiều chuyên gia vẫn đặt ra nghi vấn về độ an toàn trong quá trình sản xuất.

Bê bối thuốc Trung Quốc không đủ tiêu chuẩn hồi năm 2008 và gián tiếp gây ra cái chết của 149 bệnh nhân Mỹ đã khiến Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thành lập một chính sách mới nhằm giám sát các nhà máy thuốc nước ngoài. Tuy nhiên, hoạt động theo dõi của FDA không mang lại nhiều kết quả. Ví dụ, trong cuộc điều tra hồi năm 2016, một công ty Trung Quốc đã cản hoạt động kiểm tra nhà máy nhưng chỉ phải nhận một lá thư cảnh cáo.

Năm ngoái, FDA đưa ra cảnh báo về các thành phần gây ung thư được sử dụng trong thuốc huyết áp được sản xuất bởi công ty Trung Quốc Zhejiang Huahai. Lô hàng thuốc không đảm bảo đã bị thu hồi.

Cũng trong năm ngoái, một vụ bê bối liên quan đến vắc xin giả Trung Quốc gây chấn động tại Mỹ.

“FDA có một nhiệm vụ khó khăn giữa việc cho phép thuốc không đạt chuẩn vào thị trường Mỹ và phải đảm bảo các bệnh viện Mỹ không bị thiếu thuốc,” bà Gibson tiết lộ.

“Chúng ta có rất nhiều cơ sở sản xuất đang trống tại Mỹ. Chúng ta cần phải nâng cấp chúng bằng những công nghệ mới để người dân có thể dùng thuốc với mức giá rẻ hơn 40% hiện tại. Chúng ta cần đầu tư, nhưng chuyện đó sẽ không xảy ra trừ khi có sự ủng hộ từ cộng đồng.”

Tất Đạt/Soha News

Bài mới
Đọc nhiều