+
Aa
-
like
comment

Điềm tĩnh trong “bão lạm phát”

An Diễm - 07/09/2022 16:20

Thế giới đang phải chịu mức lạm phát cao nhất nhiều thập kỷ qua. Và biện pháp cơ bản nhất để đối phó với lạm phát là tăng lãi suất tiền gửi lên các khoản vay dành cho doanh nghiệp và các hộ gia đình. Trong khi nhiều chính phủ phương Tây có xu hướng mạnh tay tăng lãi suất tiền gửi để kiềm chế lạm phát, bất chấp ảnh hưởng đối với nền kinh tế và đời sống của người dân, thì Chính phủ Việt Nam đang chọn lối đi khác…

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) 6 tháng đầu năm vẫn được kiểm soát ở mức 2,44%.

Ngày 27/8, Chủ tịch Cục dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ mạnh tay tăng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát dù thừa nhận những tổn thương cho nền kinh tế, doanh nghiệp và các hộ gia đình. Như vậy, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Mỹ đã tăng lãi suất đến 4 lần và tuyên bố của FED cho thấy quá trình này vẫn chưa có hồi kết. Nhiều người Mỹ tiếp tục bị mất việc và vật lộn với việc thanh toán các hóa đơn.

Bối cảnh lạm phát tòan thế giới và việc FED tăng lãi suất có nhiều tác động đến Việt Nam do kinh tế nước ta có độ mở lớn, phụ thuộc một phần vào vốn đầu tư nước ngoài, chưa kể Mỹ lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho đến thời điểm hiện tại. Tình cảnh ngặt nghèo càng thử thách bản lĩnh điều hành của Chính phủ, dù đâu đó vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, “Ngân hàng Nhà nước siết room tín dụng cho bất động sản để kiểm soát lạm phát khiến các doanh nghiệp bất động sản khát vốn, phải tăng cường phát hành trái phiếu gây rủi ro bong bóng nợ”.

Thực tế là trong Hội nghị phát triển thị trường bất động sản vào chiều ngày 14/7/2022, Thủ tướng đã nhấn mạnh quan điểm kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững; không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, tăng cường kiểm tra, giám sát, buông lỏng quản lý.

Cũng trong tháng 7 vừa qua, tại Hội nghị “Lạm phát, lãi suất và chứng khoán”, nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình quan điểm rằng, lạm phát ở Việt Nam đang được kiềm chế ở mức thấp nhất mà chưa cần đến giải pháp tăng lãi suất từ NHNN. Thống kê cho thấy, bình quân 6 tháng đầu năm tốc độ tăng CPI vẫn được kiểm soát ở mức 2,44% thấp hơn nhiều so với mức từ 8 đến 9% ở Mỹ và các nước châu Âu. Ngoài ra, còn một số nguyên do khiến lạm phát của Việt Nam thấp hơn thế giới vì: Giá xăng được hỗ trợ bình ổn; nguồn cung hàng hóa được đảm bảo; NHNN điều hành linh hoạt công cụ chính sách; cung tiền vừa phải, vòng quay tiền chậm;…

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, có thể hiểu những động thái của Chính phủ trong việc quyết liệt “bảo vệ thị trường”, kiềm chế lạm phát nhưng cũng thận trọng trong việc tăng lãi suất để tránh tác động lớn đến nền kinh tế. Đây được coi là một nhiệm vụ khá nặng nề, đòi hỏi những phản ứng linh hoạt, quyết liệt và đồng bộ.

Một điều có thể nhận thấy rõ trong thời gian qua là bất chấp cơn bão lạm phát thế giới ảnh hưởng, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển ổn định, giá xăng dầu được bình ổn. Những khuất tất trong lĩnh vực bất động sản được phơi bày, các gói hỗ trợ người lao động và giải ngân đầu tư công được thúc đẩy giải ngân liên tục. Điều đó thể hiện rõ phương châm điều hành của Chính phủ là công khai, minh bạch, quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt. Không phải ngẫu nhiên mà báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới dự đoán kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng tới 7,5% năm 2022, lạm phát chỉ khoảng 3,8%, thua xa mức trung bình thế giới.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều