Điểm then chốt của Việt Nam trong bước đi chiến lược
Từng đảm nhận “vai trò kép” vừa là Chủ tịch ASEAN 2020 vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ), Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác giữa Liên Hiệp Quốc và ASEAN để đảm bảo các mục tiêu chung, vì hòa bình, ổn định khu vực và trên thế giới. Và trong tháng 4 này, trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ, Việt Nam sẽ chủ trì 3 sự kiện quan trọng, đóng góp trực tiếp vào mục tiêu chung của thế giới.
Việt Nam bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc, hài hòa với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế
Việt Nam lần thứ 2 đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ), bắt đầu từ 1-4-2021. Trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị toàn cầu ngày càng nhiều thách thức, xung đột ở nhiều khu vực trên thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, thì Việt Nam càng thể hiện rõ vai trò điều phối của mình, đưa ra chiến lược cốt lõi: cùng các nước chung tay, đối thoại tìm giải pháp thỏa đáng và bền vững cho các cuộc xung đột, đặt người dân vào vị trí trung tâm, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, chính sách nhân văn hướng tới các đối tượng dễ bị tổn thương.
Lấy con người là trung tâm cho mọi nỗ lực, phấn đấu, Việt Nam đã kiên trì nguyên tắc độc lập, tự chủ, bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc, hài hòa với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động, xây dựng và có trách nhiệm, xử lý thỏa đáng các vấn đề phức tạp trong chương trình nghị sự của HĐBA LHQ – đóng góp bằng chính kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình tái thiết và phát triển đất nước.
Và, lần này cũng vậy – trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Phiên thảo luận mở Cấp cao, lấy chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột” là trọng điểm, và được phát rộng rãi trên cả hai phương diện trực tuyến, và trực tiếp.
Việt Nam luôn đóng góp và thể hiện rõ trách nhiệm với cộng đồng
Với cam kết: “Đối tác vì hòa bình bền vững”, để góp phần thúc đẩy quá trình trao đổi, tăng cường sự đoàn kết của khu vực ASEAN nói riêng, các thành viên HĐBA LHQ nói chung, Việt Nam đã chỉn chu và thể hiện rõ sự chuyên nghiệp khi sắp xếp các chương trình tổ chức, chủ trì, điều hành các cuộc họp của Hội đồng Bảo an, đại diện Hội đồng Bảo an trong quan hệ với các nước thành viên ngoài Hội đồng Bảo an, các cơ quan LHQ, các tổ chức quốc tế, báo chí.
Là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, trong thời gian qua, Việt Nam đã thể hiện rõ trách nhiệm của một thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, luôn thúc đẩy đồng thuận chung, nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột. Và hôm nay, tinh thần đó được thực hiện xuyên suốt, trong thời điểm an ninh khu vực đứng trước nhiều thách thức, chiến tranh bùng nổ bất kỳ lúc nào ở ngay đất nước láng giềng của Việt Nam.
Hiện nay, những vấn đề nhức nhói ở Myanmar đang là điểm nóng của khu vực nói riêng, toàn cầu nói chung, thu hút sự chú ý của dư luận. Trước tình hình bất ổn, bạo lực và thương vong đối với thường dân ở Myanmar, Việt Nam không đứng ngoài cuộc, luôn mong muốn Myanmar sớm ổn định để có thể xây dựng, phát triển đất nước và tiếp tục đóng góp vào hòa bình ổn định ở khu vực cũng như tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN. Để gỡ rối cho đất nước và người dân Myanmar, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nêu hẳn quan điểm: “Việt Nam sẵn sàng xử lý yêu cầu liên quan Myanmar khi làm chủ tịch Hội đồng Bảo an”.
Với vai trò là cầu nối và bằng kinh nghiệm của mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước thành viên ASEAN khác trao đổi về các biện pháp hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn, sớm ổn định tình hình đóng góp và xây dựng cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định, thịnh vượng”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tìm ra điểm then chốt giúp cộng đồng ASEAN thịnh vượng
Là quốc gia có truyền thống yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn phản đối mọi hình thức chiến tranh và sử dụng vũ lực, luôn đề cao Hiến chương LHQ, tuân thủ tuyết đối luật pháp quốc tế. Từ “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt đó, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong một số vấn đề quan trọng. Việt Nam đã từng để lại nhiều dấu ấn đậm nét với bạn bè quốc tế, ngay trong lần đầu tiên trở thành Chủ tịch Hội đồng bảo an tháng 01-2020, khi chủ trì thành công nhiều sự kiện quan trọng: Thảo luận mở về “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”; Cuộc họp về “Hợp tác giữa LHQ và ASEAN” lần đầu tiên tạo diễn đàn trao đổi hợp tác giữa HĐBA và ASEAN, tạo sự gắn kết, góp phần thúc đẩy, đề cao đoàn kết, vai trò của ASEAN, tăng cường kết nối ASEAN với LHQ, HĐBA.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Kamal Maholtra đại các tổ chức LHQ tại Việt Nam đề cao mối quan hệ Việt Nam-LHQ, đặc biệt đánh giá cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên cương vị là Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020. Ông Kamal Maholtra nêu rõ quan điểm: “Việt Nam đã và đang dẫn đầu toàn cầu về cải cách LHQ ở cấp quốc gia trong hơn 10 năm qua”.
Và gần đây nhất, trong buổi tiếp các đại sứ ASEAN, khi các đại sứ và đại diện các nước ASEAN nhận định “Việt Nam đã củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước thành viên ASEAN, trong đó có quan hệ gần gũi với các nhà lãnh đạo ASEAN”, đáp lại tinh thần đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Tinh thần đoàn kết, gắn bó, hợp tác giữa các nước thành viên, nêu cao vai trò trung tâm của ASEAN có ý nghĩa quan trọng, then chốt trong vượt qua gian nan, thử thách, hướng tới Cộng đồng ASEAN vững mạnh, thịnh vượng”. Phát ngôn chính thức của đương kim Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện rõ về quan điểm, lập trường và trách nhiệm của Việt Nam trước thời cuộc vốn nhiều xáo động, và tình hình an ninh thế giới diễn biến ngày càng phức tạp.
Những sự kiện đặc biệt do Việt Nam chủ trì, không chỉ là tìm ra biện pháp tháo gỡ những ngòi lửa xung đột giữa các quốc gia, mà thành công của Việt Nam khi quan tâm đến phụ nữ, đấu tranh về trẻ em được gần 90 quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế liên chính phủ và phi chính phủ ủng hộ, đánh giá cao đã phần nào cho thấy sự đóng góp của Việt Nam cho cộng đồng, hạnh phúc số đông.
Với những nỗ lực, và hành động hiệu quả của Việt Nam trong thời gian qua, tin tưởng, trong sự kiện trọng đại, trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ, tin tưởng Việt Nam sẽ tháo gỡ những chằn chịt bom đạn, mở ra thêm cánh cửa giúp đất nước Myanmar vượt qua những ngày tăm tối, đồng thời giúp cho cộng đồng ASEAN và các nước quốc gia trên thế giới đều đón được ánh sáng của hòa bình, thịnh vượng.
Thanh Trà