+
Aa
-
like
comment

Điểm sáng trong bảo toàn động lực tăng trưởng trước tác động của dịch Covid-19

Diệu Hương - 04/10/2021 14:10

Vừa qua, sau khi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống 3,8%, thấp hơn dự báo gần nhất là 5,8%, thì Đài Châu Á tự do có đăng tải bài viết “Bài toán khó của Việt Nam: vừa bảo toàn ngân sách, vừa bảo toàn động lực tăng trưởng”. Trong đó cho rằng, “Việt Nam chỉ lo bảo toàn ngân sách nhiều hơn là đầu tư cho tăng trưởng, thể hiện ở việc chi tiêu của Chính phủ Việt Nam dành cho an sinh xã hội hiện còn ở mức khiêm tốn”. Vậy quan điểm trên có hoàn toàn khách quan, đúng sự thật?

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên lực lượng chống dịch

Làn sóng covid-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta đã tác động nặng nề tới các nền kinh tế. Các nước áp phong tỏa giãn cách rất chặt chẽ, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, gián đoạn chuỗi lao động. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó, các động lực tăng trưởng kinh tế bị tác động mạnh mẽ. Do vậy, không hề ngạc nhiên khi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống 3,8%. Thế nhưng, nếu chỉ căn cứ vào dự báo này mà cho rằng “Việt Nam chỉ lo bảo toàn ngân sách nhiều hơn là đầu tư cho tăng trưởng, thể hiện ở việc chi tiêu của Chính phủ Việt Nam dành cho an sinh xã hội hiện còn ở mức khiêm tốn” là không chính xác.

Thực tế cho thấy, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tiếp đưa ra các chỉ đạo, quyết sách kịp thời nhằm bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Công tác chăm lo tốt cho an sinh xã hội, phúc lợi xã hội thực sự là điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội trong bối cảnh khó khăn. Cụ thể, Chính phủ đã chủ động chi 8.187 tỷ cho Bộ Y tế để mua 91 triệu liều vaccine. Kịp thời ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá hơn 62 nghìn tỷ đồng. Riêng đợt dịch lần thứ tư, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP với gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng cho người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động. Và mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thống nhất ban hành nghị quyết bổ sung nguồn lực từ ngân sách Trung ương số tiền 14,62 nghìn tỷ đồng từ nguồn cắt giảm chi ngân sách nhà nước năm 2021 cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó là áp dụng có hiệu quả các chính sách, biện pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực tài chính – miễn giảm, giãn thuế, phí, lãi suất, nợ …

Có thể nói, các chính sách rất thiết thực và phù hợp nêu trên không chỉ giúp người lao động và doanh nghiệp có thêm nguồn lực để chống đỡ dịch bệnh mà quan trọng hơn là sự hỗ trợ cần thiết để họ tiếp tục sản xuất kinh doanh, đủ sức tự đứng vững vượt qua tác động tiêu cực của dịch bệnh. Kết quả cho thấy, mặc dù trước cú “sốc” biến thể Delta khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nặng nề, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, thì việc GDP 9 tháng năm 2021 tăng 1,42% so với cùng kỳ năm ngoái, dù thấp so với mong đợi, đối với một nền kinh tế có độ mở cao bậc nhất thế giới, thực sự là một thành công. Và cũng là nền tảng quan trọng để cả nước vượt qua khó khăn, từng bước “bình thường mới” cuộc sống và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường trong năm 2022.

Ngoài các chính sách thiết thực nêu trên, Thủ tướng Chính phủ còn lập ra tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân 240 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chỉ trong 3 tháng cuối năm 2021, một giải pháp quyết liệt, đúng tinh thần đột phá. Việc đẩy mạnh nỗ lực này không chỉ là cơ hội thúc đẩy đầu tư công giúp sớm phục hồi kinh tế. Quan trọng hơn, còn giúp phát hiện các vấn đề, sự bất hợp lý của cơ chế và quy trình đầu tư công, trên cơ sở đó, tìm cách cải cách, đổi mới thực chất một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và ít tổn thất nhất.

Chúng ta tin tưởng rằng, với sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khi căn cứ vào tình hình thực tế, kịp thời đề ra các giải pháp khả thi để chuyển đổi mô hình chiến lược chống dịch hiệu quả, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, triển vọng phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm sẽ rất khả quan.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều