+
Aa
-
like
comment

Điểm mặt các loại tàu tuần tra chủ lực của Kiểm ngư Việt Nam

14/08/2020 09:30

Là lực lượng tuyến đầu trong công việc gìn giữ và thực thi luật pháp Việt Nam trên biển, Kiểm ngư trong suốt thời gian qua đã được các cấp quan tâm đầu tư, đóng mới nhiều tàu tuần tra hiện đại, đủ sức cho cán bộ chiến sĩ yên tâm vươn khơi.

Là một lực lượng thực thi pháp luật trên biển của nước ta hiện nay, thời gian qua, Kiểm ngư Việt Nam đã được cấp trên chú trọng quan tâm đầu tư, lớn mạnh. Trong đó, lực lượng đã được trang bị số lượng lớn các tàu tuần tra chấp pháp, đủ sức bao quát vùng lãnh hải rộng lớn của Tổ quốc, hỗ trợ, bảo vệ ngư dân vươn khơi đánh bắt an toàn cũng như ngăn chặn tàu nước ngoài có hành vi xâm phạm chủ quyền. Ảnh: Tàu tuần tra KN-490 của Kiểm ngư Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.

 

Trong đó, đội tàu chiếm số lượng đông đảo nhất hiện nay của Kiểm ngư Việt Nam là lớp TK-1482C với lượng giãn nước hơn 400 tấn. Tàu được thiết kế và tự đóng mới trong nước tại nhiều nhà máy đóng tàu khác nhau, với số lượng trang bị lên tới hơn 70 chiếc đã gia nhập biên chế. Ảnh: Tàu TK-1482C của Chi đội Kiểm ngư số 2.

 

Tàu có chiều dài 40.3m, rộng 7.8m, mớn nước 3.75m, tốc độ tối đa 18 hải lý/h với 3 máy chính. Vũ trang của tàu là 2 súng máy 12.7mm NSV đặt ở trên nóc carbin và hai vòi rồng công suất cao dùng để chữa cháy trên biển hoặc uy hiếp tàu tình nghi cùng hệ thống liên lạc vệ tinh, trinh sát, thông tin điện tử hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu kết nối thông suốt, nhận nhiệm vụ nhanh chóng, kịp thời. Ảnh: Tàu TK-1482C trong một chuyến đi biển.

 

Các tàu này được đặt đóng mới chia làm 5 đợt, với con số đóng mới từng đợt cụ thể không được công bố nhưng ước tính có trên 70 chiếc loại này đã gia nhập Kiểm ngư Việt Nam. Mỗi Chi đội Kiểm ngư chủ lực gồm Chi đội 2, 3, 4 đều được biên chế hơn 20 tàu TK-1482C. Ảnh: Biên đội tàu TK-1482C đông đảo của một Chi đội Kiểm ngư chủ lực.

 

Cũng chiếm số lượng đông đảo và là trụ cột chính của Kiểm ngư Việt Nam hiện nay, có khả năng bám biển dài ngày cũng như thiết kế hiện đại đó là các tàu KN-750. Tàu cũng được đóng mới số lượng lớn tại nhiều nhà máy đóng tàu trong nước với số lượng 50 chiếc. Ảnh: Tàu tuần tra KN-750 của Kiểm ngư Việt Nam tại âu tàu trên đảo Trường Sa.

 

Tàu có lượng giãn nước đầy tải 770 tấn, dài 56.2m, rộng 8.6m, chiều cao mạn 4.3m, vận tốc tối đa 18 hải lý/h với 2 máy chính và một chân vịt mũi giúp tàu xoay trở nhanh chóng, dễ dàng. KN-750 có tầm hoạt động lên tới 5.000 hải lý và thời gian hoạt động liên tục trên biển 60 ngày, thủy thủ đoàn 26 người. Ảnh: Tàu KN-750 vừa đóng mới xong trong một chuyến thử nghiệm đi biển.

 

Về vũ khí trang bị, tàu có 2 súng máy 12.7mm và một tháp súng máy 14.5mm điều khiển từ xa (Số lượng ít tàu có), 2 vòi rồng công suất lớn, hệ thống phát thanh cao tần LRAD (vũ khí phi sát thương), hệ thống liên lạc vệ tinh, camera toàn cảnh, radar hàng hải,… và các thiết bị cứu hộ cứu nạn tiên tiến. Ảnh: Tàu tuần tra KN-750 của Chi đội Kiểm ngư số 4 tuần tra tại đảo Trường Sa.

 

KN-750 là một thiết kế mới, hiện đại, chính thức được đặt đóng mới sau năm 2014 với hai đợt đóng mới ồ ạt (đợt 1 là 30 chiếc và đợt 2 là 20 chiếc), tất cả số lượng tàu này đến nay đều đã hoàn thành về bàn giao đầy đủ về cho lực lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Mỗi Chi đội Kiểm ngư chủ lực của ta bao gồm Chi đội 2, 3, 4 đều được trang bị hơn 15 tàu loại này. Ảnh: Tàu KN-750 của Chi đội Kiểm ngư số 2.

 

Dựa trên thiết kế KN-750, Việt Nam đã nâng cấp cải tiến cho ra mắt thiết kế KN-6000 và đặt đóng mới với số lượng khoảng 4 chiếc nhằm trang bị cho 2 Chi cục Kiểm ngư số 1 và 5 (mỗi Chi cục 2 chiếc) nhằm nâng cao năng lực tuần tra, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân cũng ngư xua đuổi, ngăn chặn tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta. Ảnh: Tàu tuần tra KN-6000 của Chi cục Kiểm ngư số 5 tuần tra trên biển.

 

Không thể không nhắc tới các tàu tuần tra đa năng cỡ lớn hiện đại nhất của Kiểm ngư Việt Nam hiện nay – lớp KN-2011. KN-2011 là phiên bản nâng cấp cải tiến từ thiết kế tàu DN-2000 của hãng Damen trang bị cho Cảnh sát biển Việt Nam. Tàu có một số khác biệt như thiết kế ống khói, bổ sung hangar trực thăng và thiết kế mũi tàu kiểu lưỡi rìu đặc trưng, giúp tàu rẽ sóng tốt hơn khi đi biển. Ảnh: Tàu KN-491 lớp KN-2011 của Chi đội Kiểm ngư số 4.
Tàu có lượng giãn nước đầy tải 2.200 tấn, dài 90.5m, rộng 14m, với 4 máy chính cho phép nó có thể đạt vận tốc tối đa 21 hải lý/h, tầm hoạt động 5.000 hải lý và có sàn đáp cùng nhà chứa máy bay trực thăng. Tàu được thiết kế hiện đại với khả năng tự động hóa cao, thủy thủ đoàn chỉ 30 người và có thể tiếp nhận thêm 120 người. Vì là tàu của lực lượng dân sự nên KN-2011 chỉ được trang bị 2 vòi rồng công suất cao có khả năng phun xe 150 – 200m. Ảnh: Tàu KN-390 lớp KN-2011 của Chi đội Kiểm ngư số 3.

 

Hiện nay Kiểm ngư Việt Nam đang có trong biên chế 4 tàu loại này mang số hiệu KN-290, KN-390, KN-490 và KN-491. Mỗi Chi đội Kiểm ngư chủ lực được trang bị một tàu làm tàu chỉ huy biên đội, trừ Chi đội số 4 được trang bị 2 tàu là KN-490 và KN-491. Ảnh: Tàu KN-490 trong một chuyến chở đoàn thăm quần đảo Trường Sa.

 

Ngoài ra, Nhật Bản cũng đã chuyển giao cho ta một số lượng các tàu tuần tra cũ đã qua sử dụng (4 chiếc), các tàu này được chia về cho Chi cục Kiểm ngư số 1 và 5 (mỗi Chi cục 2 chiếc). Các tàu này đã hỗ trợ vô cùng đắc lực, nâng cao khả năng thực thi luật nghề cá của lực lượng Kiểm ngư ta trên biển. Ảnh: Tàu KN-196 của Chi cục Kiểm ngư số 1 tuần tra trên biển. Đây là tàu do Nhật Bản chuyển giao cho ta.

 

Có thể nói rằng, đội tàu tuần tra, chấp pháp của lực lượng Kiển ngư Việt Nam là vô cùng lớn mạnh, hùng hậu với số lượng đông đảo, đồng bộ, hầu hết đều do Việt Nam tự thiết kế, chế tạo, đảm bảo tính năng kỹ chiến thuật cao. Với trang bị như vậy, chúng ta có thể hoàn toàn tự tin trong nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ, cứu giúp ngư dân gặp nạn trên biển, đảm bảo thực phi pháp luật trên biển của nước CHXHCN Việt Nam.

Hùng Dũng/KT

Bài mới
Đọc nhiều