+
Aa
-
like
comment

Điểm hạnh kiểm giao thông

Thành Nhân - 04/09/2020 08:05

Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công an về một việc liên quan đến an toàn giao thông là trừ điểm trên bằng lái xe; nếu trừ hết 12 điểm/năm sẽ buộc thi lại bằng lái.

Nếu vi phạm luật giao thông sẽ bị trừ điểm trên bằng lái xe; nếu trừ hết 12 điểm/năm sẽ buộc thi lại bằng lái.

Áp dụng quy định này chúng ta có thêm biện pháp ngăn chặn những “hung thần đường phố” xem thường tính mạng người khác.

Hậu quả khủng khiếp của tai nạn giao thông đối với tính mạng và tài sản của người dân quá rõ ràng. Các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều quy định xử lý, ban hành nhiều luật liên quan để hạn chế và đến nay đã mang lại hiệu quả tương đối tốt. Nhưng như thế là chưa đủ, bởi số người thương vong vì tai nạn giao thông hằng năm vẫn rất lớn, lên đến hàng vạn.

Từ năm 2003, Cục Đường bộ Việt Nam ban hành văn bản hướng dẫn việc đổi giấy phép lái xe có đánh dấu vi phạm (bấm lỗ). Đến năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định 152 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có riêng một điều về “đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe”. Theo đó, nếu giấy phép lái xe bị đánh dấu 2 lần vi phạm thì tài xế phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi giấy phép lái xe; nếu bị đánh dấu 3 lần thì giấy phép lái xe hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp giấy phép mới. Biện pháp này đã làm nhiều tài xế chùn tay nhưng đáng tiếc chỉ duy trì một thời gian, đến năm 2007 đã bị bãi bỏ.

Với việc trừ điểm bằng lái, nhiều người còn băn khoăn về quy định này, cho rằng sẽ vướng với nhiều quy định khác, khó thiết lập hệ thống kiểm soát điểm… Nhưng những lo lắng này chẳng qua che lấp một thực tế rằng nhiều người vẫn xem thường việc tuân thủ luật giao thông và sợ rằng mình sẽ rơi vào trường hợp bị trừ điểm. Dù biện hộ cách nào cũng không khỏa lấp nổi thực trạng cả ngàn sinh mạng bị tước đoạt mỗi năm bởi các hành vi vi phạm luật giao thông.

Trừ điểm chỉ là một trong những biện pháp khá nhẹ nhàng và mang tính răn đe chứ không thật nghiêm khắc và trực tiếp như tước bằng lái, xử lý hình sự… Từ số điểm bị trừ, mỗi người có thể thường xuyên được nhắc nhở về thái độ, cách thức tham gia giao thông của mình. Đó như những điểm hạnh kiểm trong giao thông để mỗi người tự vấn liệu ta có trở thành mối nguy hiểm cho cộng đồng khi ra đường và có lúc chính ta là nạn nhân!

Vấn đề cốt lõi là ở con người. Không trực tiếp cầm lái nhưng những người xem thường pháp luật vẫn có thể gián tiếp gây tai nạn cho người khác. Mới đây, trong cuộc họp quan trọng về chấn chỉnh trật tự an toàn giao thông, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề cập đến vấn đề truy trách nhiệm chủ nhà xe bao che, dung túng cho tài xế sai phạm dẫn đến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Họ không thể vô can khi những người làm việc cho họ gây ra hậu quả không thể bù đắp cho người khác.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng quy trách nhiệm từng người đứng đầu cơ quan liên quan, đứng đầu địa phương không có biện pháp chấn chỉnh vi phạm. Làm rõ cơ chế trách nhiệm và xử lý rốt ráo vấn đề này thì chúng ta tin chắc tai nạn giao thông sẽ giảm thêm và bao gia đình sẽ thôi phải khóc cho người thân dưới bánh xe hung thần.

Những lỗi sẽ bị trừ điểm trên GPLX

1 – Liên quan trực tiếp đến vụ TNGT mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn.

2 – Kéo theo hoặc đẩy xe khác, vật khác trái quy định; chở người trên xe được kéo, trừ người điều khiển.

3 – Sử dụng điện thoại di động; sử dụng thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính, sử dụng ô (đối với xe mô tô, xe gắn máy).

4 – Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào, trừ các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.

5 – Dừng, đỗ xe tại vị trí: Bên trái đường một chiều hoặc bên trái (theo hướng lưu thông) của đường đôi; trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt, song song với một xe khác đang dừng, đỗ.

6 – Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ; dừng xe, đỗ xe, vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định.

7 – Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.

8 – Không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; đi qua dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy.

9 – Không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc…

10 – Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

11 – Không thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định khi xe ô tô bị hư hỏng ngay tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt.

12 – Không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người điều khiển giao thông hoặc kiểm soát giao thông, biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông.

13 – Ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 10 km/h đến 35 km/h; xe mô tô, xe gắn máy, xe máy chuyên dùng chạy quá tốc độ trên 10 km/h đến 20 km/h.

14 – Không có giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng.

15 – Không gắn biển số theo quy định; gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

16 – Sử dụng giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa; sử dụng giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe.

17 – Không có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ một tháng trở lên.

18 – Ô tô chở khách, chở người (trừ xe buýt) quá số người vượt trên 50% đến 100% số người được phép chở.

19 – Ô tô chở hàng vượt quá trọng tải cho phép trên 50% đến 150%.

20 – Ô tô chở hàng mà tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 20% đến 150%.

21 – Vi phạm quy định về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe bánh xích, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường.

22 – Xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.

23 – Lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định; Ô tô lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe.

24 – Ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng có hệ thống chuyển hướng không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; không đủ hệ thống hãm hoặc có đủ hệ thống hãm nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật.

25 – Xe sản xuất, lắp ráp hoặc cải tạo trái quy định tham gia giao thông.

26 – Xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông (đối với loại xe có quy định về niên hạn sử dụng).

27 – Xe đăng ký tạm, xe có phạm vi hoạt động hạn chế hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép.

28 – Xe mô tô, xe gắn máy chở từ 3 người trở lên; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau.

Thành Nhân

Bài mới
Đọc nhiều