+
Aa
-
like
comment

Điểm danh các bệnh viện mua thuốc giả của VN Pharma, làm giàu trên xương máu người dân

09/01/2022 22:33

Viện KSND tối cao vừa ra cáo trạng truy tố ông Trương Quốc Cường (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế) và 13 bị can trong vụ án buôn bán thuốc giả mác Health 2000 Canada. Trong đó, bị can Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công ty VN Pharma) bị truy tố về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” theo Điều 157 BLHS 1999.

Điểm danh các bệnh viện mua thuốc giả nhãn mác Heath 2000 Canada của VN Pharma ảnh 2
Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, bị truy tố trong vụ án.

Theo cáo trạng, trong vụ án, có công chức của Cục Hải quan TP HCM “dính” sai phạm khi cho thông quan thuốc giả nhãn mác Heath 2000 Canada. Cụ thể là bị can Lê Đình Thanh (cán bộ hải quan) đã không kiểm tra, đối chiếu đầy đủ nên không phát hiện hồ sơ nhập khẩu thuốc có nhiều thông tin không thống nhất.

Đáng chú ý, việc Thanh xác nhận cho thông quan một lô thuốc đã tạo điều kiện cho Công ty VN Pharma mang đi tiêu thụ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Tri (Bến Tre), Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh, Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế. Tại cơ quan điều tra, Thanh thừa nhận không làm hết trách nhiệm, từ đó lô thuốc giả tuồn vào tiêu thụ ở thị trường trong nước.

Cũng theo cáo trạng, Nguyễn Lê Xuân Khang (định cư tại Canada) cung cấp các giấy tờ chứng nhận giả của 7 loại thuốc tân dược nhãn mác Heath 2000 Canada cho lãnh đạo hai Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương II (Công ty Codupha), Công ty TNHH Dược phẩm Vimedimex (Công ty Vimedimex) nhờ đứng tên đăng ký, nộp hồ sơ đề nghị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp “Giấy phép lưu hành sản phẩm”.

Sau khi được Cục Quản lý Dược cấp Visa, Khang cùng nhóm đồng phạm ký kết hợp đồng bán 2.405.804 hộp thuốc nhãn mác Heath 2000 Canada, trị giá hơn 148 tỷ đồng cho 5 doanh nghiệp dược phẩm trong nước.

Khang trực tiếp ký thỏa thuận bán 1.567.704 hộp thuốc, tổng giá trị hơn 94,6 tỷ đồng thông qua 36 hợp đồng, trong đó: Ký với Công ty Codupha 9 hợp đồng, tổng 371.618 hộp, giá trị hơn 16,1 tỷ đồng; Công ty Vimedimex 16 hợp đồng, tổng 808.466 hộp, trị giá hơn 47,4 tỷ đồng; Công ty Dược phẩm Trung ương I (Công ty CPC1) 3 hợp đồng, tổng 157.500 hộp, giá trị hơn 11,4 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Dược phẩm Đại Nam 6 hợp đồng, tổng 129.920 hộp, trị giá hơn 10,6 tỷ đồng; Công ty VN Pharma 2 hợp đồng, số lượng 100.200 hộp, tổng giá trị hơn 8,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị can Võ Mạnh Cường (cháu họ của Khang – Giám đốc Công ty Thương mại hàng hải Quốc tế H&C) trực tiếp bán cho Công ty VN Pharma thông qua 15 hợp đồng, với số lượng 838.100 hộp, trị giá hơn 54 tỷ đồng. Trước đó, Cường được Khang đề nghị làm đại diện phát triển thị trường kinh doanh dược phẩm tại Việt Nam.

Đối với 838.100 hộp thuốc giả nhãn mác Heath 2000 Canada do Công ty VN Pharma đặt mua, doanh nghiệp này sau đó bán cho các bệnh viện, nhà thuốc 623.819 hộp, hưởng lời bất chính hơn 31,5 tỷ đồng. Số còn lại, cơ quan tố tụng không làm rõ được VN Pharma tiêu hủy hay tiêu thụ – một con số quá khủng khiếp và choáng váng khi người dân hay tin.

Điểm danh các bệnh viện mua thuốc giả nhãn mác Heath 2000 Canada của VN Pharma ảnh 1
Bị can Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công ty VN Pharma) bị truy tố về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.

Điều đáng chú ý hơn, đối với việc thẩm định, duyệt cấp phép nhập thuốc Vipanzol mang nhãn mác Heath 2000 Canada cho Công ty Vimedimex, ngày 16/3/2011, ông Bạch Quốc Chính (Phó Tổng giám đốc công ty Vimedimex) đã ký đơn đề nghị Cục Quản lý Dược cấp phép cho nhập khẩu 200.000 hộp.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Cục Quản lý Dược đã thẩm định, đánh giá đạt và cấp giấy phép. Từ đó, Công ty Vimedimex sử dụng giấy phép này nhập khẩu 30.000 hộp, trị giá hơn 3,1 tỷ đồng. Toàn bộ số hàng nhập khẩu trên cũng được tiêu thụ hết tại thị trường Việt Nam.

Đến nay kết quả điều tra xác định, bộ hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu thuốc Vipanzol cho Công ty Vimedimex không có GMP; bản FSC không được hợp pháp hóa Lãnh sự. Tuy nhiên, biên bản thẩm định thể hiện chuyên viên được giao kiểm tra bộ hồ sơ này đã kiểm tra, kết quả đảm bảo đầy đủ tài liệu theo quy định nhưng hồ sơ đã thất lạc. Việc hồ sơ không có GMP, Cục Quản lý Dược cho rằng có thể do bị thất lạc khi lưu trữ.

Cơ quan điều tra tiến hành xác minh tại Công ty Vimedimex, không thu giữ được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu thuốc Vipanzol. Trong khi đó, người ký đơn đề nghị cấp phép nhập khẩu và ký hợp đồng mua bán thuốc Vipanzol là ông Bạch Quốc Chính hiện bị bệnh “Teo não thùy trái”, nên cơ quan điều tra không lấy được lời khai, không làm rõ được ai là người lập, cung cấp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu; ai là người môi giới bán thuốc Vipanzol cho Công ty Vimedimex.

Dù đã trưng cầu giám định việc thẩm định, xét duyệt cấp phép nhập khẩu thuốc Vipanzol nhưng mẫu vật gửi giám định không đủ cơ sở để Hội động giám định đưa ra kết luận.

Cáo trạng xác định, việc các đối tượng thực hiện các thủ đoạn để buôn bán, nhập khẩu, thông quan một số lượng lớn thuốc giả nguồn gốc, xuất xứ vào Việt Nam để tiêu thụ trong nước, gây thiệt hại về kinh tế và sức khỏe cho người bệnh.

Người sử dụng thuốc có thể kiện ai?

Luật sư Nguyễn Đức Hùng (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận xét, vụ án có sự móc nối, cấu kết chặt chẽ giữa các bị can và sai phạm chính thuộc về Cục Quản lý Dược Bộ Y tế, khi biết thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng vẫn xét duyệt, cấp số đăng ký cho phép nhập khẩu vào thị trường trong nước tiêu thụ.

Luật sư Hùng cho biết, trường hợp người dân sử dụng thuốc giả này có thể khởi kiện đòi quyền lợi, Công ty Pharma và các doanh nghiệp nhập thuốc sẽ chịu trách nhiệm chính bồi thường thiệt hại.

“Ngoài ra, tòa án có thể xem xét hành vi của các bên liên quan như Cục Quản lý Dược Bộ Y tế, các cơ sở kinh doanh dược, bệnh viện đã bán thuốc giả cho người dân có sai phạm đến đâu, phải liên đới trách nhiệm cùng bồi thường thiệt hại”, luật sư Hùng phân tích.

Đối với người dân, luật sư cho rằng khi khởi kiện ra cơ quan pháp luật cần chứng minh được việc sử dụng thuốc đã gây hậu quả như “bệnh tình nặng thêm, ảnh hưởng sức khỏe như thế nào hoặc gây chết người”. Trường hợp chưa có hậu quả, người dân có thể kiện, yêu cầu bồi hoàn lại số tiền đã chi mua thuốc.

Nhã Hoàng 

Bài mới
Đọc nhiều