+
Aa
-
like
comment

Điểm cộng cho phản ứng nhanh của Tòa Tối cao

01/04/2020 08:37

Theo Văn bản số 45 ngày 30-3 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, hành vi trốn cách ly, khai báo y tế không đầy đủ, đưa thông tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19 có thể bị xử lý hình sự.

Theo thăm dò của nhiều người dân trên trực tuyến về cách thức xử lý một trường hợp siêu lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, có đến hơn 65.000 bình chọn “xử lý hình sự ngay lập tức”, hơn 7.800 bình chọn “phạt tiền thật nặng”…

Chỉ là một tham khảo nhưng những con số đó cần được dẫn lại để cùng thấy hướng dẫn mới của TAND Tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến COVID-19 là kịp thời. Hướng dẫn này đáp ứng được đòi hỏi của xã hội cùng yêu cầu của chính quyền trong việc cấp bách phòng, chống dịch.

Cụ thể, với Văn bản số 45 ngày 30-3 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, những hành vi trốn cách ly, khai báo y tế không đầy đủ, đưa các thông tin giả mạo, sai sự thật về dịch bệnh COVID-19… có thể bị xử lý hình sự.

Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

Theo khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm.

Người bị xem là phạm tội này khi có hành vi “đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”…

Đáng lưu ý, người có “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” cũng bị xử tội này nhưng “hành vi khác” là gì thì không rõ.

Nay văn bản trên của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chỉ ra: Các hành vi trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối chính là “hành vi khác”.

Chi tiết hơn, người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly nếu thực hiện một trong các hành vi kể trên có thể bị kết tội theo điều khoản nêu trên.

Đối chiếu quy định này sẽ thấy những trường hợp tựa như ca siêu lây nhiễm nêu ở đầu bài (không khai báo đầy đủ lịch trình và những người từng tiếp xúc với mình trong thời gian ủ bệnh, gây ra rất nhiều khó khăn, tốn kém cho chính quyền…) rất dễ dính tội.

Tương tự, những ca từ các quốc gia có dịch bệnh trở về nước bỏ trốn khỏi khu cách ly khi chưa được xét nghiệm COVID-19 như đã từng xảy ra cũng có thể dính tội.

Điểm cộng cho phản ứng nhanh của Tòa Tối cao - ảnh 1
Những trường hợp trốn khỏi nơi cách ly có thể bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Ảnh minh họa: Khu cách ly tại kho lưu trữ Công an quận Thủ Đức, tp.hcm.  Ảnh: TỰ SANG

Tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người

Tên tội có thể nghe hơi lạ vì trước giờ các tòa ít khi xử. Thật ra, đây là một phần của tội “vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người” được quy định tại Điều 295 BLHS.

Theo hướng dẫn trên, tội này áp dụng cho người chưa bị xác định mắc bệnh nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa mà có một trong “hành vi khác” được liệt kê ở trên.

Ngoài ra, chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ massage, cơ sở thẩm mỹ…) nếu vẫn hoạt động kinh doanh khi cơ quan có thẩm quyền đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động đó để phòng, chống dịch bệnh, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh cũng có thể bị xử lý tội này.

Tội làm nhục, lừa đảo, chống người thi hành công vụ

– Người đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc của nhân viên y tế… có thể bị xử lý về tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS.

– Người lợi dụng dịch bệnh đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị xử lý tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS.

– Người dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh có thể bị xử tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330 BLHS.

(Theo Văn bản số 45/TANDTC-PC ngày 30-3 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao)

Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông

Theo khoản 1 a Điều 288 BLHS, có hai lưu ý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.

Thứ nhất, chủ thể là người đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật (trừ những trường hợp khác theo luật định).

Thứ hai, hành vi đó dẫn đến việc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Mức phạt của tội này là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đ?n ba n?mến ba năm.

Với hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, người đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông các thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19, gây dư luận xấu có thể bị truy cứu, xét xử tội này.

Như vậy là tới đây, những trường hợp đăng các thông tin sai sự thật, bịa đặt về dịch bệnh lên mạng xã hội từng có từ đầu mùa dịch không còn dừng ở chỗ xử phạt hành chính. Tùy tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội (có thể các cơ quan pháp luật sẽ có thêm những hướng dẫn để thực hiện thống nhất), người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự.

Lây lan bệnh cho trên 2 người: Phạt nghiêm khắc

Do các hành vi phạm tội có liên quan đến dịch bệnh nên số lượng người bị lây bệnh là một tiêu chí để các tòa án quyết định mức hình phạt.

Theo Văn bản số 45 ngày 30-3 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng (như làm lây lan dịch bệnh cho từ hai người trở lên, làm chết người…) bị áp dụng hình phạt nghiêm khắc.

Đối với trường hợp phạm tội chưa gây ra hậu quả hoặc gây hậu quả ít nghiêm trọng (như chưa làm lây lan dịch bệnh) thì được áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo theo quy định.

Ngoài việc áp dụng hình phạt chính, tòa án còn xem xét áp dụng hình phạt bổ sung và biện pháp tư pháp theo quy định.

NGUYÊN THY/PL

Bài mới
Đọc nhiều