Diego Maradona – ‘Hiện thân cho những gì thật nhất của con người’
Maradona qua đời ở tuổi 60, tôi chợt nhớ lời bài hát của cố nhạc sĩ Y Vân: “Em ơi có bao nhiêu. 60 năm cuộc đời”. Cuộc đời của ông khá ngắn ngủi, nhưng những gì ông để lại sẽ trường tồn với thời gian.
Nói về tài năng của Maradona, có lẽ nếu tôi nhắc lại lúc này cũng bằng thừa bởi mở các trang báo lớn, không chỉ ở Việt Nam mà của mọi quốc gia, đều đã dành sự tôn vinh đến ông với hàng vạn những bài viết về cuộc đời và sự nghiệp của huyền thoại bóng đá thế giới người Argentina. Các trang mạng xã hội cũng tràn ngập new feed tiếc thương sự ra đi đột ngột của cầu thủ bóng đá mà “nếu ông nhận mình là số hai thì không ai dám nhận mình là số một”.
Bóng đá thế giới không thiếu những huyền thoại, nhưng để được gọi là “Chúa cứu thế”, là “Vị thánh sống”, hình như chỉ có mỗi Maradona. Pele có tài năng đến mấy, người ta cũng chỉ gọi ông là “vua bóng đá”. Messi, Ronaldo hiện tại có giỏi đến mấy, người ta cũng chỉ gọi là những siêu sao của môn túc cầu. Chỉ duy Maradona được phong là thánh, là chúa cứu thế, là đạo, là tôn giáo… Rất nhiều người đã tìm cách lý giải điều này, nhưng theo người viết bài này, Maradona được tôn sùng vì ông chính là hiện thân của “đạo và đời”, là hiện thân cho những gì thật nhất của con người.
Thật kỳ lạ hai bàn thắng mà Maradona ghi vào lưới đội tuyển Anh ở trận tứ kết World Cup năm 1986 tại Mexico dường như cũng chính là hai bàn thắng của “đạo và đời”, là “hai mặt trong chính một con người” của Maradona.
Nếu như bàn thắng đầu tiên là bàn thắng của mưu mô, thủ đoạn, là đỉnh cao của sự gian lận thì ở bàn thắng thứ hai lại là phẩm chất của một thiên tài. Bàn thắng thứ nhất càng phàm phu tục tử bao nhiêu lại càng tôn vinh bàn thắng thứ hai là khoảnh khắc do “đấng cứu thế” tạo ra.
Lạ một điều, cả hai bàn thắng đối nghịch nhau đó, cho đến bây giờ tất cả những người hâm mộ bóng đá đều thích thú, tôn sùng nó. Ngay cả Peter Shilton, cựu thủ môn đội tuyển Anh ở World Cup 1986, khi nhắc lại về hai bàn thắng này của ông vẫn cảm thấy “ám ảnh” và “thần phục” trước những gì Maradona tạo ra.
“Ông ấy là một cầu thủ vĩ đại, nhưng không có tinh thần thể thao”, Peter Shilton chia sẻ trên trang nhất của tờ Dailymail. Nhưng đấy là quan điểm của Shilton, khi ông là nạn nhân của bàn thắng “Bàn tay của Chúa”. Còn với người dân Argentina, ghi bàn bằng cách nào không quan trọng, quan trọng là giúp đất nước họ chiến thắng, trong những trận cầu đỉnh cao và khắc nghiệt như thế.
Ở Napoli cũng vậy, Maradona có sa đọa, ăn chơi… ra sao người ta cũng dễ dàng quên đi, dễ dàng tha thứ khi chứng kiến những pha bóng xuất thần nhập quỷ, những bàn thắng tuyệt diệu mà chỉ có ông ghi mới được trên sân cỏ. Và đặc biệt là những danh hiệu, những thành tích không thể tưởng tượng nổi” mà Maradona mang về cho đội chủ sân San Paolo: một chức vô địch serie A và hai chức vô địch UEFA.
Ngày 25/11, Maradona chính thức vĩnh biệt thế giới. Huyền thoại bóng đá thế giới qua đời ở tuổi 60. Tôi chợt nhớ lời bài hát của cố nhạc sĩ Y Vân: “Em ơi có bao nhiêu. 60 năm cuộc đời”. Cuộc đời của huyền thoại bóng đá kết thúc khá ngắn ngủi, nhưng những gì ông để lại vẫn sẽ trường tồn với thời gian. Những gì của Maradona sẽ trở thành “di sản của nhân loại” và đó mới là quan trọng nhất.
Sông Lam/DT