‘Dịch’ tin giả
Sở TT-TT TP.HCM vừa gửi giấy mời đến 14 người dùng Facebook vì đăng tải thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV 2019) gây ra trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, 3 nghệ sĩ cũng được mời lên “uống trà” khi đăng tin đồn không được kiểm chứng. Trước đó, Sở TT-TT và công an các tỉnh, thành phố khác như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Vĩnh Long… đã phạt hơn chục trường hợp đưa tin sai về dịch bệnh với mức phạt từ 10 triệu đồng trở lên.
Một so sánh đáng buồn là số ca nhiễm nCoV ở Việt Nam lại thấp hơn số người đưa tin sai về loại vi rút này. Thực ra đây không phải lần đầu tiên người dùng mạng xã hội tung tin thất thiệt để câu like, câu view ăn theo các sự kiện nóng.
Thế nhưng, trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” khi bệnh viêm phổi cấp đã trở thành đại dịch toàn cầu thì việc nhiều người “mắt nhắm mắt mở” đăng tin đồn một cách mù quáng là hành vi đáng lên án. Những dòng tin vô cảm đối nghịch với tinh thần trách nhiệm, làm việc miệt mài của các nhân viên y tế đang ngày đêm chữa trị cho bệnh nhân.
Khoảng 2 tuần qua, dường như có một thứ dịch bệnh đang tồn tại song song với nCoV đó là tin giả. Sự chuẩn bị của các địa phương trở thành đề tài để những kẻ trục lợi “sáng tác” ra những câu chuyện tưởng tượng như 33 người chết ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Cần Thơ có ca nhiễm nCoV hay phun thuốc ngừa dịch cúm lên bầu trời… Càng đáng lo ngại hơn khi loại dịch bệnh này chưa có thuốc đặc trị, những mầm bệnh cứ âm ỉ và chờ cơ hội để phát tán ra bên ngoài khi gặp điều kiện thuận lợi.
Nhóm người dùng mạng xã hội đăng tải tin tức giả cũng rất đa dạng, từ người dân bình thường cho đến nghệ sĩ, thậm chí cả nhân viên y tế, bác sĩ.
Hậu quả của nó thấy rõ nhất ở biểu hiện tâm lý hoang mang của người dân khi phải tiếp nhận lượng thông tin giả khổng lồ không có hồi kết. Khi đại dịch đã được công bố phạm vi toàn cầu và Việt Nam là một trong những quốc gia có dịch thì chuyện dịch bệnh không phải chuyện đùa.
PV/TN