Dịch ở TP HCM đã lây 4 chu kỳ, xâm nhập nhiều công ty, khu công nghiệp
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá ổ dịch Hội thánh Truyền giáo Phục hưng đã lây 4-5 chu kỳ, hàng chục công ty, 3 khu công nghiệp xuất hiện ca nhiễm, dự báo thêm các ổ dịch không rõ nguồn lây.
Cùng Phó thủ tướng Trương Hòa Bình họp với Ban chỉ đạo chống dịch TP HCM sáng 1/6, Bộ trưởng Long nhận định ổ dịch liên quan hội truyền giáo mức độ nguy hiểm nhất, khó kiểm soát nhất trong tất cả ổ dịch tại TP HCM.
Theo Bộ trưởng, trường hợp đầu tiên của ổ dịch có triệu chứng vào ngày 13/5, nhưng ca nhiễm đầu tiên được phát hiện sau đó 14 ngày. Với chủng virus lần này, theo nhiều nghiên cứu, chu kỳ lây nhiễm rất nhanh, chỉ 2-3 ngày, thậm chí sớm hơn, chúng có phát tán mầm bệnh rộng ra ngoài môi trường trong thời gian ngắn.
“Như vậy, chúng ta có thể đã chậm mất 4-5 chu kỳ, trong khi virus lây theo cấp số nhân, cực kỳ nguy hiểm”, ông Long nói.
Vì ổ dịch đã lây 4-5 chu kỳ, tức là F4, F5 đã trở thành F0, thời gian tới TP HCM có thể xuất hiện một số ổ dịch mới không rõ nguồn lây, Bộ trưởng dự đoán. Hôm 26/5 khi ổ dịch hội truyền giáo mới xuất hiện, Sở Y tế TP HCM đánh giá dịch đã qua hai chu kỳ lây. Thực tế, chỉ trong 6 ngày, 20 trong số 22 quận, huyện, thành phố với nhiều tòa nhà, cao ốc văn phòng, công ty, khu công nghiệp đã xuất hiện ca Covid-19. Ông Long lo lắng, với đặc điểm virus lần này lây rất nhanh trong không khí, nhất là môi trường kín, thì nguy cơ mầm bệnh xâm nhập và lây nhiễm tại khu công nghiệp là rất lớn.
Thêm nữa, với đặc thù riêng biệt, các khu công nghiệp không thể tổ chức làm việc online. Điều kiện thông khí tại công xưởng, nhà ăn, khu vệ sinh đều hạn chế. Ngoài ra, nhiều công nhân còn đi chung trên phương tiện giao thông, cùng ở khu nhà trọ đông đúc… là điều kiện cho dịch bệnh dễ lây lan.
“TP HCM có 1,6 triệu công nhân, nếu không kiểm soát dịch bệnh tốt sẽ gây ra khủng hoảng”, bộ trưởng Long nhấn mạnh khi nhắc lại bài học từ Bắc Giang.
Theo giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Tấn Bỉnh, 40 trong số 55 thành viên Hội thánh Truyền giáo Phục hưng đã mắc Covid-19. Thành phố đến sáng 1/6 ghi nhận 211 ca nhiễm của chuỗi này. Như vậy, trung bình mỗi ca F0 ban đầu đã lây nhiễm cho hơn 5 người khác. Trong đó, nhiều thành viên hội truyền giáo làm việc trong các khu công nghiệp, tòa nhà văn phòng.
“Nguy cơ dịch bệnh lây lan từ cộng đồng dân cư, người lao động vào khu công nghiệp đã hiện hữu. Môi trường làm việc tập thể, tập trung đông người trong các khu công nghiệp là điều kiện thuận lợi cho dịch lây lan nhanh và mạnh ra cộng đồng”, ông Bỉnh nói.
TP HCM đến nay đã ghi nhận hàng chục ca lây nhiễm trong các tòa nhà văn phòng, xí nghiệp. Đặc biệt, nhánh lây nhiễm tại Công ty đầu tư dịch vụ Thiên Tú, quận Tân Bình, đến 34 trong số 300 nhân sự mắc Covid-19. Môi trường làm việc khép kín, sử dụng điều hòa khiến dịch lây nhanh hơn.
Tại Công ty Phát triển giải pháp tầm nhìn IDS, quận Tân Phú, ghi nhận 9 ca. Trường mầm non ở quận 12 có 5 ca trong cùng một gia đình. Tòa nhà Sogetraco trên đường Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận, trong 100 nhân viên có 4 ca nhiễm. Công viên phần mềm Quang Trung trong 400 nhân viên có 4 ca. Ba tòa nhà văn phòng lớn ở quận 12 ghi nhận 5 ca.
Ba khu công nghiệp Tân Bình, Tây Bắc Củ Chi và Vĩnh Lộc – Hóc Môn quy mô 500-1.000 công nhân cũng ghi nhận mỗi nơi một ca Covid-19. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế cho biết hiện tạm kiểm soát được tình hình ở các khu công nghiệp này, các trường hợp tiếp xúc ca nhiễm đã co kết quả xét nghiệm âm tính.
Tối 31/5, sau khi nhận thông tin hai ca dương tính phát hiện tại Long An là công nhân của một xí nghiệp may ở khu công nghiệp Tân Phú, TP HCM đã yêu cầu công ty này tạm ngừng hoạt động. Có 146 F1 được lấy mẫu xét nghiệm, đưa đi cách ly tập trung. 1.082 người lao động khác được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát.
“Dự báo sẽ khoảng 500 ca nhiễm liên quan ổ dịch Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, vì còn nhiều F1 vẫn đang trong các khu cách ly tập trung”, ông Bỉnh cho biết.
Hiện, các khu công nghiệp, khu chế xuất tại thành phố có khoảng 280.000 công nhân và 3.000 chuyên gia. Khu công nghệ cao 45.000 công nhân. Ngoài ra, các khu công nghiệp nhỏ lẻ, xí nghiệp có gần 1,3 triệu công nhân.
Hôm 31/5, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã thị sát công tác chống dịch tại một số khu công nghiệp ở TP HCM.Phó thủ tướng yêu cầu mỗi doanh nghiệp phải triển khai các kế hoạch chống dịch thành hành động cụ thể, như lắp đặt các tấm chắn giọt bắn trong nhà ăn, giãn cách trong phân xưởng…
Bộ trưởng Long cũng cho rằng đây là thời điểm TP HCM cần quyết liệt truy vết triệt để hơn nữa, “càng triệt để bao nhiêu, càng đỡ gánh nặng bấy nhiêu”. Đặc biệt, các chủ doanh nghiệp phải quản lý nhân công chặt chẽ hơn. Nếu cần thiết phải cách ly tập trung một số khu nhà ở công nhân. Công nhân sau khi đi làm về chỉ ở trong phòng, ở nhà. Tạo được chuỗi an toàn từ công xưởng, nhà ăn, khu vệ sinh, phương tiện giao thông, đến nơi lưu trú thì mới bảo vệ được an toàn cho toàn khu công nghiệp.
Ngoài ra, thành phố cần duy trì thực hiện xét nghiệm tối thiểu 20% công nhân, xoay vòng liên tục. Ông Long đề nghị địa phương không nên quá đặt nặng vấn đề phải xét nghiệm bằng RT-PCR. Hiện Bộ Y tế đã tập huấn cho công nhân ở Bắc Giang tự xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên. Hiệu quả test nhanh được đánh giá tương đương xét nghiệm gộp mẫu của RT-PCT, đạt trên 70%.
Thư Anh