+
Aa
-
like
comment

Dịch Covid-19 nguy hiểm hơn theo từng giờ, tại sao cứ mãi lựa chọn vaccine?

Sơn Ca - 04/08/2021 16:57

Những tranh cãi về nguồn gốc vắc xin có thể làm chậm lại việc kiềm chế dịch Covid-19 đang cực kỳ phức tạp ở Việt Nam, nhất là ở TP.HCM. Dịch Covid-19 nguy hiểm hơn theo từng giờ, tại sao cứ mãi lựa chọn vaccine?

Ảnh minh họa

Thời điểm

Suốt hơn một năm kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã qua được thời điểm khó khăn nhất khi thế giới còn bơi trong bể khổ hỗn loạn vì không biết cách chữa trị và không có vắc xin.

Đợt dịch thứ 4 này rơi vào lúc thế giới đã có nhiều loại vắc xin. Nhờ những nỗ lực của chính quyền trung ương và địa phương mà đã có 18 triệu liều vắc xin các loại về đến Việt Nam tính đến ngày 4/8. Tất cả các loại vắc xin này đều đã được thử nghiệm trên hàng trăm triệu người. Vắc xin bất hoạt của Sinopharm đã được tiêm khoảng 800 triệu liều tại 59 quốc gia và đều được xác nhận là không gây biến chứng nặng cho người được tiêm. Các loại vắc xin của Trung Quốc đã tiêm hơn 2 tỷ liều trên toàn cầu và mang lại hiệu quả cao trong phòng dịch ở nhiều quốc gia chứ không chỉ ở riêng Trung Quốc.

Các loại vắc xin công nghệ mới toanh của Anh, Mỹ cũng đã được tiêm vài trăm triệu liều tại phương Tây. Nhưng ngay cả những công nghệ hiện đại này vẫn đem lại những băn khoăn nhất định. Chẳng hạn theo Bộ Y tế Israel, vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer chỉ có hiệu quả 39% trong việc bảo vệ người tiêm trước nguy cơ nhiễm biến thể Delta, và ở Mỹ đang bùng dịch với hơn một trăm ngàn người nhiễm mới mỗi ngày dù đã có đến 58% dân số Mỹ được tiêm ít nhất một liều vắc xin và 50% được tiêm đủ hai liều. Nhưng nói chung chúng đều có tác dụng bảo vệ con người trước loại virus này.

Một điểm cực kỳ đặc biệt là dù Việt Nam chúng ta vẫn còn là nước nghèo, nhưng người dân Việt Nam được sử dụng những loại thuốc hoàn toàn mới mà người dân các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Anh đã phải dùng thử trước chúng ta nhiều tháng, đã xác nhận phần nào độ an toàn và tính hiệu quả của chúng. Chúng ta có thể đọc vô số nghiên cứu trên các tạp chí y học quốc tế và trên báo chí chuyên ngành để xác định xem loại nào phù hợp nhất với điều kiện thực tế của mình.

Chọn lựa vắc xin Covid - Ảnh 2.
Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Điều trị Coivd-19 Củ Chi (TP.HCM). Ảnh BYT

Thành quả này có được chắc chắn nhờ vào sự lãnh đạo sáng suốt và quyết đoán của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong suốt năm 2020 và nửa đầu năm 2021. Khi cả thế giới chìm đắm trong đại dịch, khi ở Mỹ có đến hơn nửa triệu người chết vì covid-19 và hàng chục triệu người nhiễm virus thì Việt Nam vẫn là một ốc đảo bình yên thịnh vượng gần như không bị lây nhiễm với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao hàng đầu thế giới.

Để nhìn được bức tranh chung toàn cầu. Chúng ta hãy đặt góc quan sát xa hơn. Ngày 9/5, bác sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế và là chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Mỹ, nói rằng “chắc chắn” nước Mỹ đang đếm thiếu số ca tử vong vì COVID-19. Khi được Chuck Todd, người dẫn chương trình Meet The Press, hỏi về một nghiên cứu của Đại học Washington cho rằng đã có hơn 900.000 ca tử vong do covid-19 ở Mỹ, vượt quá con số chính thức là 581.000, ông Fauci trả lời: “Con số 900.000 nhiều hơn một chút so với những gì tôi nghĩ, nhưng không nghi ngờ gì nữa, chúng ta đã và đang thống kê thấp hơn thực tế”.

Thử hình dung xem nếu chúng ta không kiểm soát nổi dịch vào năm 2020 và rơi vào thảm cảnh nước Mỹ thì tình hình sẽ còn căng thẳng đến như thế nào? Với số dân gần bằng 1/4 của Mỹ, cứ nhân các con số lên chúng ta cũng có thể hình dung ra được tình hình tại Việt Nam sẽ tồi tệ thế nào nếu Chính phủ của chúng ta không kiểm soát và ngăn chặn tốt những đợt dịch trước đây.

Cuộc chiến vắc xin

Mảng sáng quan trọng nữa là bối cảnh chung về thị trường vắc xin. Hiện nay Mỹ và Trung Quốc, hai vựa vắc xin lớn nhất, đều đã gần đạt được mục tiêu tiêm chủng 2 liều cho 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng. Vì thế mà chỉ sau một vài tháng nữa họ sẽ có thể cung cấp vắc xin cho toàn thế giới. Chẳng hạn Trung Quốc, với năng lực sản xuất khổng lồ, có thể tiêm hơn 20 triệu liều mỗi ngày cho dân mình, chắc chắn sau khi đạt mục tiêu tiêm chủng, họ sẽ đủ khả năng cung cấp hàng chục tỷ liều vắc xin mỗi năm.

Có thể còn nhiều quan điểm cá nhân khác nhau về công nghệ chế tạo và hiệu quả vắc xin, nhưng chúng ta có khá nhiều lựa chọn.

Nếu ở vùng sâu vùng xa ít có điều kiện vật chất đầy đủ để bảo quản lạnh sâu thì vắc xin bất hoạt của Sinopharm là một lựa chọn tốt. Đây là loại vắc xin duy nhất trên thế giới mà trên lọ có nhãn giám sát chất lượng, một nhãn nhỏ sẽ đổi màu khi lọ vắc xin bị phơi nhiệt quá mức và giảm chất lượng. Chi tiết này cực kỳ quan trọng trong điều kiện Việt Nam, nó sẽ giúp cả các nhân viên y tế và người được tiêm có thể yên tâm tuyệt đối vào chất lượng vắc xin.

Với những người ở các đô thị lớn của Việt Nam và cần visa đi Mỹ hay châu Âu, vắc xin công nghệ mới của Nga, Mỹ là lựa chọn được ưa chuộng. Dù các công nghệ này còn rất mới và chưa rõ hậu quả lâu dài, nhưng dẫu sao cũng đã có hàng trăm triệu người được tiêm, và các hãng dược lớn của Mỹ, Trung Quốc, Nga cũng đều phải tuân thủ quy trình giám sát nghiêm ngặt.

Vắc xin Việt Nam

Tuy nhiên, nói cho cùng, nếu chúng ta muốn chủ động bảo vệ người dân và nền kinh tế thì nên có vắc xin nội địa.

Hiện nay chưa ai dám khẳng định về hiệu quả cũng như các ảnh hưởng lâu dài của các loại vắc xin, nhất là vắc xin không theo công nghệ bất hoạt virus truyền thống. Và vấn đề lớn nhất chúng ta sẽ gặp là về giá.

Financial Times đưa tin ngày 1.8 rằng Pfizer và Moderna đã tăng giá vaccine Covid-19 trong hợp đồng cung cấp mới nhất cho Liên minh Châu Âu (EU). Giá mới cho vắc xin Covid-19 của Pfizer là 23,13 USD. Mức giá trước đó của vắc xin này là 18,39 USD. Giá mới của vắc xin Moderna là 25,50 USD một liều, tăng từ mức 22,5 USD trong hợp đồng mua đầu tiên nhưng thấp hơn mức 28,5 USD đã thỏa thuận trước đó do đơn đặt hàng tăng lên. Financial Times dẫn lời một quan chức nắm rõ hợp đồng vắc xin.

Thậm chí có nguồn tin cho rằng Pfizer dự tính tăng giá vắc xin Covid-19 của họ lên đến 175 USD một liều.

Đây thực sự là một tin đáng suy nghĩ với các nước nghèo. Với yêu cầu bảo quản lạnh sâu mà lại còn có giá cao như vậy thì thực sự các nước nghèo sẽ rất khó triển khai rộng việc tiêm chủng cho số đông dân chúng bằng loại vắc xin này. Thực tế nhiều nước đã phải hủy hàng trăm ngàn liều do quá hạn hoặc do không đủ điều kiện để bảo quản chúng.

Hiệu quả lâu dài của vắc xin với các biến chủng mới cũng là một câu hỏi chưa ai trả lời được. Trong trường hợp các loại vắc xin nước ngoài có giá khoảng 25 USD như Pfizer và Moderna đang bán cho EU, và phải tiêm mỗi năm 3 liều, thì mỗi người sẽ phải trả đến 75 USD mỗi năm. Còn nếu giá tăng lên 175 USD, thì mỗi người phải trả đến 525 USD mỗi năm. Để tiêm chủng đủ cho 70% dân số Việt Nam có lẽ sẽ tốn đến khoảng 35 tỷ USD Mỹ! Nên nhớ rằng tổng thu nhập quốc dân năm 2020 của chúng ta chỉ là 271 tỷ USD Mỹ.

Chắc chắn các con cá mập tư bản ngành dược sẽ không thương xót với người dân bất cứ nơi đâu. Vậy nên Việt Nam phải tìm cách có được vắc xin của mình. Và một tin đáng mừng là chúng ta có Nanocovax đã vào giai đoạn 3 và đang triển khai giai đoạn 3c với 500 ngàn đến 1 triệu người tham gia thử nghiệm. Ngoài Nanocovax ra cũng đang có một vài vắc xin khác bắt đầu các bước thử nghiệm trên người.

Chọn vắc xin nào?

Trong khi chờ đợi vắc xin Việt Nam và các loại thuốc chữa trị đặc hiệu, chúng ta hãy tuân thủ các quy định giãn cách của chính phủ, hãy tiêm bất cứ loại vắc xin nào đã được nhập chính thức vào Việt Nam, nếu bác sỹ cho phép bạn tiêm. Trong cuộc họp với Bộ Y tế chiều 3/8, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam Kidong Park khẳng định tất cả các loại vaccine Covid-19 đã được tổ chức này phê duyệt đều đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Có nhiều người muốn chờ đợi vắc xin bất hoạt theo công nghệ truyền thống của Sinopharm vì lo lắng với các công nghệ vắc xin mới, nhưng hãy tin vào Y học hiện đại, hãy tin vào các bác sỹ. Dẫu gì thì trước bạn cũng đã có hàng chục triệu người Mỹ và châu Âu tiêm loại vắc xin công nghệ mới. Có người không ưa vắc xin Trung Quốc lại chỉ thích vaccine Âu, Mỹ, nhưng hình ảnh Trung Quốc trở lại bình thường từ cả năm nay sau khi kiềm chế được dịch và tiêm được vắc xin cho gần 2 tỷ người, hay những khán đài tại các sân vận động World Cup ở Hungary nơi tiêm chủ yếu vắc xin Nga và Trung Quốc, là cực kỳ thuyết phục.

Và dù vắc xin có tỷ lệ biến chứng nhất định nhưng chắc chắn vắc xin vẫn cứu được nhiều người hơn là không tiêm. Nếu bạn không thể giam mình trong phòng và vẫn phải gặp mọi người thì hãy tiêm vắc xin.

Dịch đang lan với tốc độ khủng khiếp ở TPHCM. Con số tử vong vì Covid-19 đến trưa nay 4/8 đã là 2.069 người. Chỉ có vắc xin mới giảm được số bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong và sự quá tải cho các bệnh viện. Chỉ cần cùng nhau vượt qua được những tháng khó khăn cuối năm này thôi, chúng ta sẽ có cơ hội quay về với cuộc sống bình thường, dù là bình thường mới.

Sơn Ca

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều