+
Aa
-
like
comment

Dịch Covid-19: Khi Việt Nam lên tiếng, cả thế giới đáp lời

Đặng Trường - 11/08/2021 09:11

Ngay từ những ngày đầu đại dịch Covid-19 xâm nhập, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu của nhiều quốc gia trên thế giới và các tổ chức quốc tế về trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch. Những chuyến hàng tình nghĩa đó đã và đang giúp nhân dân Việt Nam vượt qua nhiều làn sóng dịch, góp phần vào thành công của nước ta trong phòng chống Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính sử dụng chiến thuật ngoại giao khôn khéo để mang về từng liều vaccine cho người dân.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, sự xuất hiện của những biến chủng Delta với mức độ nguy hiểm cao, lây lan nhanh khiến thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vaccine phòng Covid-19 rất lớn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nhận được sự hỗ trợ nhiệt thành từ các đối tác, các nước láng giềng và bạn bè quốc tế với tổng số 150 triệu liều vaccine đã cam kết thông qua đàm phán mua và viện trợ.

Tính thời điểm này, nước ta đã đón nhận sự hỗ trợ của gần 20 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có hơn 11 triệu liều vaccine, 1 triệu lọ Remdesivir, khoảng 527.300 bộ kít xét nghiệm, hàng trăm máy thở cùng hơn 16 triệu USD nhằm cung cấp trang thiết bị, công tác bảo quản, tiêm chủng vaccine,… Hầu hết, các nước ở 5 châu, 4 biển cùng các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng thế giới (UNICEF), Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã dang rộng cánh tay cứu trợ, ủng hộ Việt Nam vượt qua đại dịch. Tất cả sự giúp đỡ đó đều xuất phát từ sự chân thành, không phân biệt đảng anh, đảng tôi, phe nhóm hay bất kỳ trục lợi ích nào.

Nhưng để có sự giúp đỡ tuyệt vời như thế, không thể không nhắc đến đường lối, chủ trương ngoại giao của cả hệ thống chính trị. Trong những năm qua, Việt Nam không chỉ xây dựng được nhiều mối quan hệ song phương, đa phương hữu nghị, chân tình, mà còn đi vào thực chất hơn bao giờ hết. Tất cả không phải tự nhiên mà có, như ông bà ta có câu: “Có công vun trồng có ngày hái quả” chẳng sai. Chiến lược ngoại giao trung lập khôn khéo cùng với những chuyến thăm, cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, đàm phán hiệu quả không chỉ mang đến vị thế rất khác cho Việt Nam mà còn giúp chúng ta được “nhận” rất nhiều trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, kể từ tháng 4/2021, khi bắt đầu đảm nhận vai trò là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn trăn trở trong việc làm thế nào để Việt Nam nhanh chóng thoát khỏi đại dịch, làm thế nào để tiếp cận được càng sớm và càng nhiều vaccine. Sự sốt sắng lo lắng là điều có thể thấy được ở Thủ tướng khi ông liên tục chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan cùng với hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc.

Kết quả của chiến thuật ngoại giao khôn khéo là những liều vaccine, trang thiết bị y tế chống dịch Covid-19 đầy quý giá của các nước dành cho Việt Nam.

Sự quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp rất quyết liệt, không câu nệ hình thức, song phương hay đa phương, điện đàm hay viết thư cho lãnh đạo các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế như WHO, các doanh nghiệp sản xuất vaccine. Chỉ trong 4 tháng đảm nhận cương vị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có hàng trăm cuộc làm việc, trao đổi với hơn 20 quốc gia trên toàn thế giới. Mỗi cuộc gặp gỡ là một lần Thủ tướng xem đó là cơ hội, sử dụng chiến thuật ngoại giao khôn khéo để mang về từng liều vaccine cho người dân. Dù là được viện trợ hay mua được thì trong thời điểm nguồn cung vaccine đang khan hiếm toàn cầu thì việc mang được từng liều vaccine về Việt Nam là nỗ lực rất lớn của Chính phủ.

Nhớ lại cuộc điện đàm quan trọng giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vào ngày 24/6. Sau sự đồng thuận của hai người lãnh đạo, WHO đã khởi động một chuỗi các buổi trao đổi tư vấn kỹ thuật trực tuyến cho các cơ quan Chính phủ. Hai buổi trao đổi lần lượt diễn ra vào ngày 4/8 và ngày 5/8/2021 đã thảo luận vấn đề trong thiết kế và phân tích thử nghiệm lâm sàng của vaccine Covid-19. Đồng thời, WHO hướng dẫn nước ta đánh giá và phê duyệt vaccine Covid-19 mới, chia sẻ kinh nghiệm từ Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm của Hàn Quốc và xây dụng quy chế đánh giá phù hợp với tình hình của Việt Nam. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax thành công do Việt Nam sản xuất mới đây.

Thêm một lần nữa, chúng ta cảm nhận được rõ giá trị của bài học “cho đi” và “nhận lại”. Sự cho đi của Việt Nam là thái độ trung lập, hành động chân thành, luôn hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định. Trong gần hai năm qua, thứ nước ta cho đi còn là kinh nghiệm chống dịch, trang thiết bị, vật tư y tế. Dù số lượng không quá nhiều nhưng tất cả những điều đó đủ để các nước bạn cùng một số tổ chức quốc tế hiểu, trân quý và sẵn sàng mang đến cho chúng ta những “vũ khí” cần thiết nhất để chiến đấu với Covid-19 trong tình thế cấp bách như ngày hôm nay.

Hãy tự hào và cảm ơn vì chúng ta là công dân của Việt Nam – một đất nước đang được rất nhiều quốc gia yêu quý. Dù trước mắt trận chiến với giặc Covid-19 sẽ còn rất dài và khó khăn, nhưng hãy cứ vững tin, đoàn kết chiến đấu bởi chắc chắn, chúng ta không hề cô đơn, xung quanh chúng ta vẫn có rất nhiều bạn bè quốc tế sẵn sàng kề vai sát cánh, viện trợ. Khi Việt Nam lên tiếng, cả thế giới sẽ đáp lời!

Đặng Trường

Bài mới
Đọc nhiều