+
Aa
-
like
comment

Dịch Covid-19 đã xâm nhập vào cộng đồng, cần hết sức cảnh giác

08/04/2020 15:06

Sáng 8-4, cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì đã nhấn mạnh như vậy.

Các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng mặc dù đã thực hiện các giải pháp sớm, mạnh, dứt khoát để ngăn chặn dịch xâm nhập, chúng ta phải chấp nhận thực tế dịch bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng.

Dịch COVID-19 đã xâm nhập vào cộng đồng, cần hết sức cảnh giác - Ảnh 1.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy trong 251 trường hợp nhiễm bệnh (tính đến sáng 8-4), có 156 người từ nước ngoài (chiếm 62,6%); 95 người lây nhiễm thứ phát (chiếm 37,4%).

Ban Chỉ đạo yêu cầu không được mất cảnh giác với mọi ca bệnh mới phát hiện tại cộng đồng, không bỏ qua bất kỳ khả năng nào dù nhỏ nhất; tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; coi tất cả người có dấu hiệu dịch tễ đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế là ca có nguy cơ lây nhiễm…; hoàn thiện cơ chế để giám sát, truy vết.

Ban Chỉ đạo thống nhất phải kiên định nguyên tắc từ đầu: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đây là chiến lược không thay đổi.

Dự báo tới đây sẽ xuất hiện thêm các ca nhiễm cộng đồng, đều phải coi là ổ dịch tiềm năng. Cùng với việc xác định nguồn lây, quan trọng hơn là phải thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.

Ban Chỉ đạo nhấn mạnh phải quyết liệt, không được chủ quan, mất cảnh giác, Bộ Quốc phòng vẫn thực hiện diễn tập toàn quân chuẩn bị phương án.

Nhiều ca lây nhiễm mới có thể không liên quan đến ổ dịch cũ

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, một số ca bệnh như số 243, 247, 251 chưa xác định được nguồn lây nhiễm cho thấy có sự lây lan trong cộng đồng.

Theo ông, vừa qua một số ý kiến “quy ngay” nguồn lây nhiễm một số ca bệnh mới phát hiện liên quan đến các ổ dịch cũ, đơn cử như bệnh nhân số 243 được cho là lây từ Bệnh viện Bạch Mai, đó là trường hợp dễ nhất. Song ông cho rằng phải đặt trường hợp bệnh nhân không lây nhiễm từ đó mà từ cộng đồng.

Có khả năng trường hợp bệnh nhân số 243 không lây nhiễm từ Bệnh viện Bạch Mai, vì xét nghiệm kháng thể cho thấy người này mới lây nhiễm. Điều tra dịch tễ cũng cho thấy bệnh nhân số 243 di chuyển nhiều nơi.

“Tìm nguồn lây nhiễm là quan trọng, nhưng trong trường hợp đã có lây nhiễm trong cộng đồng, ưu tiên hàng đầu là triển khai các biện pháp cách ly, khoanh vùng, dập ngay, không để dịch lan rộng từ ca nhiễm được phát hiện. Các địa phương khi gặp các ca nhiễm tương tự, không được mất cảnh giác, chủ quan chỉ cho rằng ca nhiễm mới có liên quan đến những ổ dịch cũ”, ông Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Trong thời gian tới, ông Phu đề nghị quyết liệt thực hiện giãn cách xã hội, không để người nhiễm tiếp xúc với người lành, phát hiện sớm trong cộng đồng các ổ dịch nhỏ để xử lý kịp thời.

Mở rộng đối tượng rà soát tại cộng đồng

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn khẳng định lực lượng công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây đã xuất hiện tình trạng người dân ra khỏi nhà nhiều nên cần kiên quyết chấn chỉnh, tránh tâm lý chủ quan, lơi lỏng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị mở rộng đối tượng rà soát tại cộng đồng: trước hết là người nước ngoài vào Việt Nam đang lưu trú tại nhà nghỉ, khách sạn chứ không chỉ ở các khu dân cư; cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam; những người Việt Nam làm việc trực tiếp với người nước ngoài từ các ổ dịch; những người nước ngoài vào Việt Nam du lịch tự do…

Hoàn thiện các phác đồ điều trị hiệu quả nhất

Về tình hình điều trị các ca bệnh COVID-19 ở Việt Nam, cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết đến nay tỉ lệ người được chữa khỏi so với tổng ca nhiễm đã vượt quá 50%.

“Điều quan trọng hàng đầu là chúng tôi chỉ đạo tập trung xây dựng, hoàn thiện các phác đồ điều trị hiệu quả nhất, không để người nhiễm bệnh nhẹ chuyển sang nặng, hạn chế tối đa người tử vong”.

Đồng thời các cơ sở y tế tổ chức lại hệ thống trong bệnh viện, nâng cấp các biện pháp phòng chống dịch nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

NGỌC AN/ TTO

Bài mới
Đọc nhiều