Dịch Covid-19 – ‘Bộ lọc’ thực chất để đánh giá cán bộ
Cán bộ nào có tâm, có tầm, cán bộ nào vì việc riêng mà lơ là việc chung sẽ được bộc lộ rõ nhất, sinh động nhất từ thực tiễn phòng chống dịch hiện nay.
Hiện nay, giai đoạn 2 của dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của người dân nước ta. Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng nhấn mạnh việc chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc” ở cấp độ mới. Theo đó, mỗi người dân phải là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn, bản, xóm, làng, khu phố là một “pháo đài” chống dịch; cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nâng cao trách nhiệm trước nhân dân về vấn đề này.
Xử lý nghiêm trường hợp lơ là, không quyết liệt
Tuy nhiên, đáng tiếc có một bộ phận cán bộ lãnh đạo có dấu hiệu “thả lỏng”. Mới đây nhất, sáng 6/8, UBND thành phố Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Viên Đình Nam – Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hùng thuộc thành phố Sầm Sơn vì “ngại đi chống dịch do trời mưa”.
Cũng tại Thanh Hóa, ở hội nghị giao ban trực tuyến toàn tỉnh về việc ứng phó đáp ứng công tác phòng chống dịch vào tối 6/8 sau khi địa phương này ghi nhận ca mắc Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn đình chỉ công tác đối với Chủ tịch UBND phường Quảng Vinh và Trưởng trạm Y tế phường Quảng Vinh do thiếu trách nhiệm trong kiểm soát, giám sát, để trường hợp thuộc diện cách ly ở địa phương tham gia các hoạt động cộng đồng, có nhiều trường hợp F1, F2; công dân đã đến khai báo y tế mà vẫn thiếu giám sát việc cách ly tại gia đình….
Trước đó, ở một số địa phương như Hà Tĩnh, Đắk Nông cũng đã có những bài học nhãn tiền về trường hợp người đứng đầu bị xử lý, kiểm điểm vì thái độ lơi là, thiếu trách nhiệm trong phòng chống dịch.
Vẫn biết đây chỉ là những trường hợp cá biệt trong bức tranh tổng thể chống dịch Covid-19 đang rất nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhưng hơn lúc nào hết, trong những tình huống cấp bách, người đứng đầu phải biết hy sinh thời gian, sức khỏe, tiên phong đi đầu để có những quyết sách đúng đắn, kịp thời trong phòng chống dịch bệnh.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp), chúng ta đang ở thời điểm bắt đầu thời kỳ cao điểm của làng sóng dịch giai đoạn 2 khi số ca mắc mới mỗi này đều tăng và đã có người tử vong. Cho nên, trong lúc này, ưu tiên trước mắt đối các địa phương là phải quyết liệt phòng, chống dịch, không chủ quan, lơi là.
Hiện nay một số tỉnh thành, đơn vị đã có văn bản chỉ đạo hạn chế tập trung đông người, dừng mọi hoạt động không cần thiết, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, cũng như thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Đây là việc làm mang tính chủ động, kịp thời, thể hiện trách nhiệm của Đảng, chính quyền trong việc chống dịch Covid-19 và đây cũng là trách nhiệm lo cuộc sống an lành cho mỗi người dân trong cả nước.
“Tuy nhiên, hiện nay vẫn có một bộ phận cán bộ chưa thực sự quyết liệt trong chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng cũng như chỉ đạo của người đứng đầu địa phương. Do đó phải có sự kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, thậm chí phải xử lý nghiêm, nhất là cán bộ lãnh đạo không tập trung chỉ đạo quyết liệt trong phòng chống dịch” – đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.
Cơ hội để cán bộ thể hiện bản lĩnh
Dẫn lại câu nói của người xưa: “Ra trận mới biết tướng tài”, đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng, mặc dù dịch bệnh đang có những tác động sâu rộng, toàn diện tới kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống nhân dân ta, song cũng chính thực tế đó lại là môi trường để cán bộ thể hiện bản lĩnh can trường “chống giặc”, thể hiện bản lĩnh trí tuệ, vai trò lãnh đạo, cũng như khả năng xử lý những tình huống khó khăn nhất.
Cũng từ công tác phòng, chống dịch bệnh có thể đánh giá được ý thức của từng người, ở từng vị trí công tác có hết lòng vì dân, có đủ tâm, đủ tầm, có trách nhiệm chăm lo cuộc sống người dân hay không.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho biết, tại cuộc họp sáng 6/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia nhấn mạnh, Ban chỉ đạo đề nghị Chính phủ xử lý nghiêm địa phương vi phạm về phòng chống dịch, người đứng đầu các địa phương, người đứng đầu Ban chỉ đạo phải chịu trách nhiệm. Theo ông, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, cán bộ giữ vị trí cao càng phải có trách nhiệm nêu gương cho cấp dưới, cho nhân dân, đặc biệt trong những hoàn cảnh khó khăn cần sự tỉnh táo và bản lĩnh của người đứng đầu.
“Ai làm gì, sử dụng thời gian lúc này vào việc gì cũng cần phải tính toán. Phải tranh thủ từng phút, từng giờ để chiến đấu với dịch bệnh. Không vì thắng lợi trong phòng chống dịch giai đoạn 1 mà lần này chúng ta xao nhãng. Cho nên mỗi người hãy sử dụng thời gian cho việc hoạt động cứu giúp, ngăn ngừa, phòng chống dịch một cách tích cực, hiệu quả. Ai có tâm lý sử dụng thời gian để đi chơi hay làm việc khác cho bản thân mình thì không thể được” – ông Vũ Trọng Kim nói và nhấn mạnh, dịch bệnh Covid-19 cũng có thể được coi là “bộ lọc” thực chất nhất nhằm đánh giá cán bộ một cách khách quan. Cán bộ nào có tâm, có tầm, thể hiện được bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo; cán bộ nào vì việc riêng mà lơ là việc chung sẽ được bộc lộ rõ nhất, sinh động nhất từ thực tiễn phòng chống dịch hiện nay.
Kim Anh/ VOV