+
Aa
-
like
comment

Dịch Corona: Ngành du lịch gặp phải “tổn thương” lớn

13/02/2020 20:10

Chưa bao giờ hai chữ an toàn được du khách trên toàn thế giới quan tâm như hiện nay, bởi dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virut corona gây ra vẫn đang diễn biến phức tạp. Liên tiếp có những thông tin liên quan đến dịch bệnh gắn với hoạt động của ngành du lịch.

Nếu không tìm được phao cứu sinh, ngành du lịch sẽ gặp phải khủng hoảng lớn.

Tại Anh cơ quan y tế nước này vừa xác nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên đến từ một nước Châu Á nhưng không phải là Trung Quốc. Diamond Princess đang bị cách ly ngoài khơi thành phố Yokoyama, gần Tokyo, Nhật Bản khi mà có tới 61 trong tổng số 273 hành khách trên tàu dương tính với virut corona chủng mới.

Ở nước ta mặc dù nữ lễ tân khách sạn ở Nha Trang nhiễm virut corona chủng mới do tiếp xúc với hai cha con người Trung Quốc nhiễm bệnh đã hoàn toàn bình phục sau thời gian điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới tỉnh Khánh Hòa và xuất viện vào chiều thứ ba, ngày 4/2/2020. Những rõ ràng nguy cơ lây nhiễm của các nhân viên, của ngành du lịch trong mùa dịch bệnh là không nhỏ.

Tê liệt, đó là từ dùng để mô tả hoạt động của ngành du lịch Việt Nam nửa tháng qua. Chỉ riêng tại Hà Nội, dịch viêm phổi do virut corona đã khiến hơn 8.300 khách quốc tế và hơn 8.100 khách Việt Nam hủy tour đến Hà Nội. Hơn 13.000 phòng khách sạn trên địa bàn thành phố ngừng hoạt động. Lượng khách đến Quảng Ninh sụt giảm đến 90%. Khách du lịch đến miền Trung cũng giảm một nửa. Việc ngừng các tour du lịch đã khiến 15.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch Lào Cai tạm thời thất nghiệp. Một doanh nghiệp lữ hành tại Nghệ An cho biết, dịch bệnh đã làm thiệt hại 95% doanh số. Tổng cục Du lịch Việt Nam ước tính thiệt hại về dịch bệnh này trong 3 tháng đầu năm nay sẽ là hoảng 7 tỷ USD.

Những con số này một lần nữa cho thấy du lịch là ngành dễ bị tổn thương, thiệt hại nặng nề mỗi khi có thiên tai hay dịch bệnh. Hiện nay Bộ Văn hóa – Thể Thao – Du lịch cho phép mở cửa trở lại các di tích lịch sử văn hóa, danh lam, thắng cảnh. Vì thế công tác phòng chống dịch bệnh phải được quan tâm ở tất cả các khâu từ việc soát du khách tại các cửa khẩu đến việc vệ sinh phòng dịch trên các phương tiện đưa đón du khách và tại các cơ sở lưu trú. Các cơ quan chức năng ở các địa phương có điểm đến du lịch cần nắm chắc thông tin của các du khách, cung cấp thông tin phòng chống dịch, phát khẩu trang, nước rửa tay miễn phí cho du khách. Các khách sạn cần có điểm đo thân nhiệt miễn phí cho du khách…

Đó là các công việc trước mắt, còn về lâu, về dài, tăng cường xúc tiến quảng bá, kích cầu du lịch là yêu cầu sống còn của ngành du lịch Việt. Một trong những giải pháp quan trọng là đa dạng hóa thị trường. Đặc biệt là với các thị trường Ấn Độ, Nhật Bản, Asian, Châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ. Kích cầu thị trường nội địa cũng là một hướng đi cần chú ý, bởi năm 2019 vừa qua, ngành du lịch phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, cùng với việc đón 18 triệu lượt khách quốc tế, đưa tổng thu từ di lịch đạt 720.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn này, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cần nhanh chóng đưa quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động. Các cơ sở dịch vụ du lịch cần dành thời gian đào tạo nguồn lao động, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được các dịch vụ cao cấp và nâng cấp cơ sơ vật chất để phục vụ du khách tốt hơn khi dịch bệnh đi qua. Cần chú ý đến các kiến nghị của doanh nghiệp như được vay vốn, hoãn trả nợ, miễn giảm thuế để khắc phục hậu quả, đồng thời miễn giảm phí visa để tăng tính cạnh tranh, thu hút khách quốc tế quay trở lại Việt Nam. Nếu có các giải pháp phù hợp để vững vàng vượt qua mùa dịch bệnh này, ngành du lịch Việt Nam vẫn có thể đặt mục tiêu đề ra cho năm nay là đón hơn 20 triệu 500 nghìn lượt khách quốc tế, tiếp tục là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều