Dịch bùng phát trở lại, vẫn là câu chuyện ý thức con người!
Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 1/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã gọi điện cho lãnh đạo TP HCM và Bộ Y tế để chỉ đạo làm rõ trách nhiệm trong việc thực hiện quy trình cách ly và đề nghị “có biện pháp mạnh hơn”. Và ngay từ chiều hôm qua, tất cả các chuyến bay thương mại quốc tế đã tạm dừng, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu đối với các trường hợp khó khăn, thực sự cần thiết. Không chỉ vậy, tính đến 12h30 trưa 2/12, tổng số sinh viên phải nghỉ học đã là 100.000, nhiều thành viên lực lượng chức năng sẽ phải thức trắng đêm để truy dấu tiếp xúc với các bệnh nhân, phong tỏa những nơi bệnh nhân mắc Covid-19 đi qua. Cả nước lại cùng đếm số ca bệnh, chỉ vì ý thức của một cá nhân vi phạm quy định về phòng dịch…
Vậy là đã 88 ngày chúng ta không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đó là sự nỗ lực chung của cả nước, của toàn Đảng, toàn dân thế nhưng chỉ vì một con người vô trách nhiệm, không chấp hành nghiêm quy định về cách ly mà làm cho các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương mất ăn, mất ngủ, và đất nước Việt Nam lại một lần nữa đối mặt với nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Thật đáng trách, đáng giận!
Bệnh nhân 1342 là tiếp viên hàng không đã vi phạm nghiêm trọng về cách ly tập trung và vi phạm cách ly tại nhà, đã tiếp xúc người khác trong thời gian cách ly, không chấp hành hướng dẫn của Bộ Y tế. Sự việc bắt nguồn từ một người, nhưng cũng phần nào phản ánh việc sau gần 90 ngày cả nước không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, rất nhiều người trong chúng ta đang chủ quan hơn.
Thiết nghĩ, quy định nghiêm chưa đủ mà cần phải nghiêm trị theo Luật định. Không chỉ phạt hành chính mà còn phạt bằng nhiều hình thức khác (xử lý hình sự cũng có thể cân nhắc ), vì sự bình an cho toàn cộng đồng. Vụ việc bệnh nhân số 17, bệnh nhân số 34 Nhà nước ta đã xử lý quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Đồng ý là chúng ta khoan dung, độ lượng. Thế nhưng việc này nếu chúng ta vẫn tỏ ra thiếu nghiêm minh trong xử lý sai phạm thì nhiều người vẫn rất chủ quan và hậu quả sẽ khôn lường. Vì vậy, lần này đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải có biện pháp xử lý thích đáng. Đặc biệt, từ nay đến cuối năm sẽ có rất nhiều người Việt ở những vùng dịch ở nước ngoài về nước. Nếu không xử lý nghiêm minh vụ việc này thì sẽ rất khó để giữ được sự kiểm soát, đặc biệt là khi mà dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.
Rất may là trong 3 tháng qua, lúc “sóng yên biển lặng” Ban Chỉ đạo quốc gia và ngành Y tế vẫn luôn chủ động, cảnh giác với dịch bệnh. Cụ thể, ngày 15/11, mức phạt đối với việc không đeo khẩu trang ở nơi quy định tăng gấp 10 lần, lên tới 3 triệu đồng. Ngày 23/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch ở địa phương, tại An Giang, 136 tổ, chốt công tác phòng chống dịch COVID-19 ven biên giới vẫn được triển khai nghiêm ngặt, cảnh giác. Ngày 24/11, Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành Chỉ thị số 24 về việc tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, Bộ đã sẵn sàng “chuẩn bị kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng khi có yêu cầu về phòng, chống dịch; tổ chức tập huấn, tăng cường đội ngũ lẫy mẫu xét nghiệm, nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm, đáp ứng nhanh khi có tình huống dịch bệnh xảy ra”. Và lúc này đây Chính phủ, Bộ Y tế và TP.HCM đang nỗ lực để khống chế số ca mắc từ ổ dịch mới này, không để dịch bùng phát.
Hãy nhìn sang, Hoa Kỳ- một quốc gia có nền y học tiến vào loại bậc nhất thế giới, thế nhưng chỉ vì chủ quan mà đến nay đã có 13,6 triệu người nhiễm, cướp đi sinh mạng của 268 ngàn người. Hay mới đây, ngày 30/11 thông tin nữ vlogger gốc Việt Brittanya Karma đã tử vong sau khi nhiễm Covid-19 đã khiến nhiều người bàng hoàng. Sự ra đi của Brittanya Karma cho chúng ta thấy Covid-19 vẫn đang hàng ngày lấy đi sinh mạng của rất nhiều người trên thế giới, và sự việc bệnh nhân 1347 nhắc chúng ta rằng Việt Nam đang quay lại trạng thái căng thẳng, thậm chí sẵn sàng áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn nếu mỗi người không tự có ý thức phòng dịch. Chìa khoá chống đại dịch ở Viêt Nam chính là sự tuân thủ của người dân, ý thức cộng đồng của tất cả mọi người trong xã hội. Doanh nghiệp phá sản, người lao động thất nghiệp, cả nước thức trắng đêm với nỗi hoang mang tột độ… Đó là những điều đã trải qua mà chúng ta không được quên giữa những phút thanh bình này. Dù có bao tin nóng, bao sự kiện cuốn chúng ta theo dõi song có một sự thật mà chúng ta cần khắc ghi: Dịch vẫn còn đó.
Đáng nói, giờ là lúc Tết cận kề nên vụ việc trở nên rất nghiêm trọng với những mối lo về sức khỏe, kinh tế và đời sống người dân sau 1 năm nhọc nhằn. Có thể ngay lúc này vẫn có những người đang nghĩ dịch chưa đến nơi mình ở, chưa cần quan tâm quá, nhưng sự thật là rất nhiều sinh mạng đã mất đi chỉ vì không đánh giá đúng Covid-19. Hãy đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, tuân thủ nguyên tắc phòng dịch dù bạn ở bất cứ đâu, và nhắc nhở cả những người xung quanh bạn. Và chúng ta phải ghi nhớ, phát huy những bài học về sức khỏe cộng đồng, sự gắn kết xã hội, cũng như những gì ta có thể đạt được trong thời gian chống dịch trước đó. Đại dịch này đang quay trở lại và tác động tới tất cả chúng ta, nhưng hãy tin rằng Việt Nam rồi sẽ lại ổn thôi!
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả