Dịch bệnh bí ẩn mới bất ngờ bùng phát, đã có hơn 1.200 người tử vong
Malawi đang phải “vật lộn” với đợt bùng phát dịch tả trầm trọng nhất từ trước đến nay khi đã có hơn 37.000 trường hợp được báo cáo kể từ tháng 3/2022.
Ngày 9/2, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết đợt bùng phát dịch tả nguy hiểm nhất trong lịch sử Malawi đã giết chết ít nhất 1.210 người, trong bối cảnh vắc-xin vẫn còn khan hiếm và một số quốc gia châu Phi khác đã báo cáo các đợt bùng phát.
Theo báo cáo, “Quốc gia cầu vồng” đang phải chiến đấu với đợt bùng phát dịch tả tồi tệ nhất được ghi nhận, với gần 37.000 trường hợp được báo cáo kể từ tháng 3/2022.
Các trường hợp được xác nhận đã được báo cáo qua biên giới ở Mozambique, trong khi WHO cho biết họ đánh giá nguy cơ lây lan hiện tại bên trong Malawi và các nước láng giềng khác là “rất cao”.
WHO cho biết trong một tuyên bố rằng sự lây truyền tích cực hiện đang diễn ra ở 27 trong số 29 quận của Malawi, với số ca mắc bệnh trong tháng trước đã tăng 143% so với tháng 12.
Ngoài ra, đã có khoảng 80.000 trường hợp đã được ghi nhận trên lục địa châu Phi trong cả năm 2022.
Nhìn vào những con số, WHO cho biết: “Nếu xu hướng gia tăng nhanh hiện nay tiếp tục, nó có thể vượt qua số ca bệnh được ghi nhận vào năm 2021, năm tồi tệ nhất đối với bệnh tả ở châu Phi trong gần một thập kỷ”.
Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng ở Malawi đang xảy ra trong bối cảnh dịch tả đang gia tăng trên toàn thế giới, điều này đã “hạn chế sự sẵn có của vắc-xin, xét nghiệm và phương pháp điều trị.”
Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Malawi đã thực hiện hai chiến dịch tiêm chủng lớn, nhưng do nguồn cung cấp hạn chế, Malawi chỉ cung cấp một trong hai liều vắc xin dịch tả đường uống thường được khuyến nghị.
Vào tháng 11, họ đã nhận được lô thứ hai với gần ba triệu liều từ Liên Hợp Quốc và tháng trước, một phát ngôn viên của bộ y tế nói với AFP rằng tất cả các liều đã được sử dụng.
WHO cho biết thêm giới chức y tế hiện đã tiếp cận được khoảng 96,8% dân số Malawi đang sinh sống tại các cộng đồng có nguy cơ nhiễm bệnh và các cộng đồng đang phải gồng mình ứng phó với dịch tả.
Ngoài tiêm chủng, WHO cho biết nhà chức trách nước sở tại đang nỗ lực cải thiện điều kiện vệ sinh và khả năng tiếp cận nước sạch, với việc khử trùng bằng clo từng nhà đang diễn ra ở các cộng đồng và huyện bị ảnh hưởng, cùng với các biện pháp can thiệp khác.
WHO cho biết có nguy cơ tiếp tục gia tăng số ca mắc bệnh trong đợt bùng phát ở Malawi và cho biết cũng có thể có nhiều sự lây lan quốc tế hơn.
“Với sự gia tăng mạnh các ca bệnh trong tháng qua, người ta lo ngại rằng dịch bệnh sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn nếu không có các biện pháp can thiệp mạnh mẽ”, WHO cảnh báo trong một tuyên bố.
Theo WHO, nước láng giềng của Malawi là Zambia cũng đã báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh. Cũng như Burundi, Cameroon, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Kenya, Nigeria và Somalia.
Ngày 8/2 vừa qua, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết dịch tả đang bùng phát tại 23 quốc gia trên thế giới và hơn 20 nước có chung biên giới trên bộ với các quốc này có nguy cơ dịch bệnh xâm nhập.
“Tổng cộng, hơn một tỷ người trên thế giới có nguy cơ trực tiếp mắc bệnh tả”, ông cảnh báo.
Các đợt bùng phát dịch tả hiện nay ở châu Phi đang xảy ra khi lục địa này phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, xung đột cũng như các dịch vụ y tế quá tải.
Tuệ Ngô