Diamond Lotus Lakeview – Hố chôn tiền tỷ của người dân
“Căn hộ xanh theo tiêu chuẩn Mỹ”, “Vị trí đắc địa”, “Vườn thiền ngũ phúc trên không Zen Lotus Garden 3.000 m²”, “Không gian sống đẳng cấp”,… là những ngôn từ cực kỳ mỹ miều, sang trọng khi nói về dự án Diamond Lotus Lakeview. Nhưng thực tế lại rất phũ phàng với những người trót xuống tiền cho dự án này.
Diamond Lotus Lakeview là một trong ba dự án thuộc dòng sản phẩm Diamomd Lostus của Công ty TNHH Bất động sản Ngôi Nhà Xanh – một thành viên của Phúc Khang Corporation. Dự án tọa lạc tại số 96 Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP.HCM. Giữa một thành phố đông người và nhiều khói bụi, đặc biệt là ở khu vực quận Tân Phú tập trung nhiều công nhân, người lao động phổ thông, Diamond Lotus Lakeview nhanh chóng thu hút sự quan tâm của khách hàng với từ khóa “không gian xanh”. Đặc biệt, mức giá chỉ từ 1,46 tỷ đồng, người dân dễ dàng sở hữu được căn hộ 2 phòng ngủ “đạt tiêu chuẩn xanh LEED của Mỹ” này. Vì thế, khi chủ đầu tư mở bán ba block vào tháng 7/2016 thì căn hộ “đắt khách như tôm tươi” bởi với mức giá này vô cùng phù hợp với những gia đình có thu nhập trung bình và mong muốn có nhà ở thành phố.
Giá rẻ đôi khi là ưu điểm của dự án nhưng cũng có thế là chiêu bài để câu dụ khách hàng. Thực tế, thời điểm hiện tại, hầu như toàn bộ sản phẩm tại dự án Diamond Lotus Lakeview đều đã có khách hàng đặt mua. Điều bất ngờ là sau hơn 5 năm, dự án dừng hẳn việc thi công, khu đất xây dựng dở dang phần móng rồi bỏ hoang. Mỗi ngày, người dân đi qua dự án vẫn thấy những tấm rào chắn nhưng không hề có hoạt động thi công. Khách hàng và người dân xung quanh đồn đoán nguyên nhân, có thể do chủ đầu tư “đói vốn” nên tổ chức mở bán, huy động vốn từ khách hàng hoặc dự án chưa đảm bảo đủ điều kiện pháp lý để triển khai xây dựng. Dù vì bất cứ nguyên nhân gì nhưng việc “ẵm” tiền hơn 5 năm qua nhưng mãi vẫn không triển khai xây dựng khiến nhiều nhà đầu tư và khách hàng lỡ xuống tiền rơi vào tình trạng dở khóc dở cười, đua nhau tìm cách sang tay các hợp đồng đã ký.
Chủ đầu tư dự án Diamond Lotus Lakeview huy động vốn trái quy định?
Luật nhà ở đã quy định các nội dung cụ thể về nguyên tắc huy động vốn. Trong đó, đối với nhà ở thương mại, tại Khoản 2 Điều 69 Luật Nhà ở quy định: “Vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân…”.
Bên cạnh đó, theo Khoản 2 Điều 19 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định rõ việc huy động vốn theo Khoản 2, Điều 69 Luật Nhà ở phải đáp ứng các hình thức, điều kiện: “Chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn khác để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn”.
Theo quy định của pháp luật, đối với bất động sản hình thành trong tương lai, chủ đầu tư chỉ được huy động vốn khi đã hoàn thành xong phần hạ tầng và phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác nhận đủ điều kiện. Tuy nhiên, dự án Diamond Lotus Lakeview lại “án binh bất động” một thời gian dài. Rõ ràng, có dấu hiệu cho thấy chủ đầu tư đã chiếm dụng vốn của người mua, chiếm đoạt khoản tiền đặt cọc, dù bản thân dự án chưa đủ điều kiện giao dịch, kinh doanh (chưa có văn bản xác nhận đủ điều kiện huy động vốn).
Năm 2021, TP.HCM đã thanh tra loạt dự án có dấu hiệu lách luật, huy động vốn trái phép, trong đó có điểm mặt chỉ tên dự án Diamond Lotus Lakeview. Tuy nhiên, điều đáng nói là thực trạng chủ đầu tư “nhờn luật”, “lách luật”. Thanh tra chỉ là bước đi sau, để đảm bảo quyền lợi người dân thì cần có biện pháp giám sát, ngăn chặn ngay từ đầu. Bên cạnh đó, người dân ít nhiều cần tự trang bị cho mình kiến thức liên quan đến bất động sản, đặc biệt là tính pháp lý của dự án, uy tín của chủ đầu tư trước khi xuống tiền.
Mua được một sản phẩm bất động sản phù hợp, được chi trả đầy đủ và quản lý cẩn thận là một món đầu tư an toàn nhất thế giới nhưng mua không đúng sản phẩm bất động sản thì sẽ tiền mất tật mang, thậm chí là đối diện với khủng hoảng tài chính nặng nề.
Đặng Trường