‘Địa ngục trần gian’ bên trong Kashmir, nơi bị cô lập với thế giới
Một tuần thiết quân luật đã biến Kashmir thành “địa ngục sống” kinh hoàng. Người dân bị buộc ở trong nhà và có thể bị đánh đập nếu ra đường, điều tồi tệ nhất họ từng trải qua.
Trên đường phố Srinagar, thành phố lớn nhất Kashmir, các nhân viên an ninh buộc khăn rằn đen trên đầu, lăm lăm khẩu súng bên mình và canh giữ phía sau các chốt kiểm soát. Người dân từ bên trong các ngôi nhà khóa kín cửa liếc ra ngoài cửa sổ, họ sợ bước ra ngoài. Nhiều người phải tuyệt thực và bị đói.
Một cảm giác đe dọa bao trùm thành phố bị cách ly với thế giới và khu vực rộng lớn hơn hôm 10/8, một ngày sau cuộc biểu tình biến thành xung đột giữa người Kashmir và lực lượng an ninh Ấn Độ.
Các cửa hàng đóng cửa im ỉm, những cây ATM rỗng ruột, Internet, điện thoại di động, thậm chí cả điện thoại cố định – mọi sợi dây kết nối với thế giới bên ngoài – đều bị cắt đứt. Kết quả là hàng triệu người không thể liên lạc với người thân.
Phóng viên của New York Times đã ghi lại những hình ảnh đầu tiên về cuộc sống bị cô lập ở Kashmir, sau khi chính phủ Ấn Độ tiến hành thiết quân luật và xóa bỏ quyền tự trị tại khu vực do họ kiểm soát. Những người dân bị bao vây, họ bối rối, sợ hãi và tức giận bởi các “sự kiện chấn động” trong tuần vừa qua.
Lãnh thổ nằm giữa hai quốc gia “quốc gia hạt nhân” đã trở thành một trong những nơi nguy hiểm nhất, là điểm nóng quân sự trong nhiều thập kỷ của châu Á. Hai bên từng trải qua hai cuộc chiến tại Kashmir kể từ khi độc lập từ Anh vào năm 1947.
Ấn Độ nói quyết định xóa bỏ quyền tự trị tại Kashmir là vấn đề nội bộ, song Pakistan cho rằng New Delhi muốn tăng cường kiểm soát đối với khu vực có đa số dân là tín đồ Hồi giáo này.
Với động thái mới nhất, bang Jammu và Kashmir (J&K), vùng đất do Ấn Độ quản lý tại khu vực Kashmir, sẽ được tách thành hai “lãnh thổ liên bang” – Jammu và Kashmir, và Ladakh – nằm dưới sự quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương. Điều này đồng nghĩa J&K sẽ không còn được hưởng quy chế bang với chính quyền riêng.
Đám đông hoảng loạn và chạy tán loạn. Những tiếng nổ liên tiếp có thể được nghe thấy trong các video quay lại cuộc biểu tình. It nhất 7 người bị thương, các quan chức bệnh viện cho biết, một số người bị bắn vào mắt.
Afshana Farooq, cô gái 14 tuổi, suýt bị giẫm đạp trong vụ hỗn loạn. “Chúng tôi vừa xuống đường diễu hành ôn hòa sau khi cầu nguyện”, bố của Afshana, ông Farooq Ahmed, đứng bên cạnh con gái đang nằm run rẩy trên giường bệnh ở bệnh viện Srinagar, nhớ lại. “Sau đó, họ bắt đầu bắn vào chúng tôi”.
Ngày 8/8, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã trấn an người dân Jammu và Kashmir rằng hòa bình sẽ dần trở lại và chính phủ Ấn Độ đảm bảo rằng những hạn chế hiện tại không ảnh hưởng đến lễ hội Hồi giáo Eid al-Adha sẽ vào ngày 12/8.
Lệnh giới nghiêm vô thời hạn đã được nới lỏng hôm 9/8 tại các nhà thờ ở thành phố Srinagar trong thời gian cầu nguyện của người Hồi giáo
Nhiều người Kashmir coi Ấn Độ là nhà cai trị áp bức và xa lạ. Họ phẫn nộ với tất cả sự thay đổi trong những năm qua đã làm giảm bớt quyền tự trị của Kashmir vốn được xác lập vào năm 1947.
Ông Modi nói rằng cơ chế mới sẽ làm cho Kashmir trở nên hòa bình và thịnh vượng hơn. Trong một phát biểu trên truyền hình hôm 8/8 mà hầu hết người Kashmir không thể xem vì dịch vụ truyền hình bị cắt, ông nhấn mạnh rằng việc biến Kashmir thành lãnh thổ liên bang sẽ loại bỏ tham nhũng, thu hút đầu tư và đem lại những hy vọng mới.
Hầu hết khoảng 50 người Kashmir được New York Times phỏng vấn cho biết các hành động của Ấn Độ sẽ làm gia tăng thái độ căm phẫn và nuôi dưỡng các cuộc nổi loạn.
Những người cao tuổi ở một số vùng nông thôn nói rằng hàng chục thanh niên đã biến mất khỏi cộng đồng của họ, một dấu hiệu cho thấy họ tham gia vào cuộc nổi dậy.
Các cơ sở dân sự bị đóng cửa ở mọi nơi, từ trường học đến công viên. Lương thực cạn kiệt, trẻ em không có đồ ăn. Người dân phải mạo hiểm ra khỏi nhà.
Người Kashmir nói rằng trong tất cả các cuộc đàn áp mà họ đã trải qua, đây là điều tồi tệ nhất. Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Ấn Độ hôm 10/8 cho biết bà sẽ trả lời các câu hỏi về các khiếu nại nhưng vẫn chưa có bất cứ phản hồi nào.
Kể từ những năm 1990, lực lượng nổi dậy ở Kashmir đã giảm dần về quy mô.
Pakistan bị nghi ngờ đã ngấm ngầm hỗ trợ một số trong những lổ chức phiến quân này. Pakistan kiểm soát một phần Kashmir nhỏ hơn nhiều so với bang Jammu và Kashmir do Ấn Độ quản lý.
(Theo Zing News)