Địa chiến lược của những tuyến đường biển bí mật tại Trường Sa
Nếu một quốc gia có thể vẽ bản đồ khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cho phép điều hướng tàu ngầm lặn sâu dưới biển, thì có khả năng kiểm soát hoặc đe dọa một khu vực trong phạm vi bán kính 4.000km, chứa 1/3 dân số của thế giới, trong đó có toàn bộ ASEAN.
Theo chuyên gia phân tích François-Xavier Bonne tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Đương đại (IRASEC), ngoại trừ bình luận của một số nhà phân tích như Carlyle Thayer, Daniel Schaeffer và Leszek Buszynski, vai trò của độ sâu và tác chiến tàu ngầm trong quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) phần lớn bị lờ đi. Để hiểu tốt hơn về khía cạnh này, cần phải xua tan câu chuyện tưởng tượng khi cho rằng xung quanh quần đảo Trường Sa là một vùng biển nông, đặc biệt nguy hiểm khi đi lại và phải tránh bằng mọi giá.
Nhận thức trên, nhìn chung là tồn tại trước những năm 1920, đã bị tiêu tan sau những nhiệm vụ đặc biệt của các cường quốc thực dân. Hải quân Anh đã tổ chức một vài nhiệm vụ thủy văn học bí mật từ năm 1925-1938, vẽ bản đồ tỉ mỉ khu vực mà khi đó được coi là “Vùng nguy hiểm”. Năm 1934, họ đã tìm ra một tuyến đường biển an toàn, băng qua khu vực này từ phía Bắc tới phía Nam. Hải quân Đế quốc Nhật Bản cũng khai thác không gian hàng hải này từ năm 1936-1938 và đã vẽ ra những biểu đồ bí mật, đáng chú ý là đảo Ba Bình. Hải quân Mỹ, đóng ở Cavite, Philippines, cũng đã khai thác “Vùng nguy hiểm” này, lập ra những biểu đồ độ sâu bí mật của riêng mình giữa năm 1935-1937 và khám phá ra tuyến đường biển khác, băng qua khu vực này từ phía Đông tới phía Tây.
Một thực tế đáng chú ý là toàn bộ quần đảo Trường Sa có thể được coi là một khu vực kiên cố bởi nó được biết đến như là một khu vực nguy hiểm trên tất cả các bản đồ của thế giới. Tuy nhiên, các tàu chiến và tàu thương mại của Mỹ vẫn có thể đi lại tự do qua các nhóm đảo này hay ẩn trú sau những bãi đá.
Nghiên cứu thủy văn học bí mật trong những năm 1930 đã cho phép các lực lượng hải quân từ những quốc gia khác nhau hiểu được vùng lãnh hải rộng lớn này như là một quần đảo có thể vượt qua bằng những tuyến đường biển bí mật. Quần đảo Trường Sa, vốn từ lâu bị coi là một khu vực nên tránh, đã được giải thích lại như là vùng chiến lược, xuất phát từ điều mà nó cho phép một cường quốc biển có thể kiểm soát các tuyến đường biển ở Biển Đông. Trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, các tàu ngầm của Mỹ đóng ở Australia đã tuần tra khu vực Biển Đông và thường xuyên băng qua “Vùng nguy hiểm” thông qua những tuyến đường biển bí mật riêng của họ. Họ cũng tiến hành nghiên cứu khoa học xung quanh quần đảo Trường Sa, đặc biệt là nghiên cứu các tầng muối có mật độ cao trong vùng biển này, vốn cho phép các tàu ngầm Mỹ thoát khỏi sự phát hiện của các hệ thống cảm biến phía Nhật Bản.
Những nhiệm vụ nghiên cứu khoa học bí mật vẫn được tiếp tục duy trì bởi các lực lượng Mỹ năm 1955-1956, khi Mỹ hất cẳng Pháp và xâm lược Việt Nam. Nghiên cứu này là khá tinh vi nhằm giúp các tàu ngầm hạt nhân Mỹ có thể tự do đi lại trong “Vùng nguy hiểm”. Nếu một tàu ngầm hạt nhân của Mỹ có thể đi qua quần đảo Trường Sa mà không bị phát hiện, thì sau đó, những tàu ngầm của các nước khác cũng có khả năng làm điều tương tự. Mối lo ngại chiến lược này đã được Bộ Quốc phòng Philippines nêu ra trong một tuyên bố năm 1982.
Khu vực này sẽ không được khảo sát đầy đủ hay vẽ bản đồ nếu nó không có nhiều đảo, bãi đá, bãi đá ngầm, rạn san hô và bãi cạn được ngăn cách bởi những đoạn sâu. Nếu một quốc gia (thù địch) có thể vẽ bản đồ khu vực ở mức độ vốn có khả năng cho phép điều hướng các tàu ngầm tên lửa đạn đạo lặn sâu dưới biển mà không có nguy cơ mắc cạn, thì quốc gia đặc biệt đó có thể đồn trú tàu ngầm (hạt nhân) trong quần đảo Trường Sa và có khả năng kiểm soát, hoặc đe dọa một khu vực trong phạm vi bán kính 4.000km, chứa 1/3 dân số của thế giới, trong đó có toàn bộ ASEAN. Độ sâu của khu vực này khiến cho tàu ngầm khó bị phát hiện, do đó việc kháng cự lại là hầu như không thể.
Ông Bonne cho rằng, bằng việc chiếm đóng bất hợp pháp Đá Chữ Thập của Việt Nam năm 1988, các lực lượng Trung Quốc có thể kiểm soát sự di chuyển ở phần phía Tây của tuyến đường biển Đông – Tây tại Biển Đông. Và bằng cách kiểm soát Đá Vành Khăn, Trung Quốc có thể giám sát và thậm chí ngăn cản các lực lượng Philippines dọc tuyến đường biển Bắc – Nam tại khu vực này. Việc cải tạo bất hợp pháp gần đây của Bắc Kinh ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng cho phép tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc dọc theo các tuyến đường biển Bắc-Nam (các Đá Ga Ven thuộc cụm Nam Yết và Đá Gạc Ma cùng Đá Tư Nghĩa thuộc cụm Sinh Tồn) và tuyến đường biển Đông-Tây (Đá Châu Viên).
Các vị trí chiến lược mà quân đội Trung Quốc kiểm soát phi pháp tại Trường Sa là đủ mạnh để phong tỏa sự tiếp tế của những đơn vị đồn trú Philippines, chủ yếu nằm ở phần phía Bắc của quần đảo Trường Sa. Đầu năm 2014, tàu Trung Quốc đã tìm cách ngăn chặn việc tiếp tế cho lực lượng thủy quân lục chiến Philippines ở Bãi Cỏ Mây thuộc khu vực phía Nam. Nỗ lực này đã tạo ra một tình hình mới – cản trở tự do hàng hải ở trung tâm của quần đảo Trường Sa.
Tóm lại, các hoạt động trong quá khứ của các lực lượng hải quân khác nhau nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát những tuyến đường biển thuộc khu vực quần đảo Trường Sa. Những tuyến đường biển từ lâu đã được giữ bí mật, mặc dù chúng có tầm quan trọng chiến lược. Việc kiểm soát của họ sẽ cung cấp một sức mạnh hải quân để trực tiếp đe dọa đối với phần quan trọng của thế giới. Do đó, sau phán quyết của Tòa trọng tại tại La Haye (Hà Lan) liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông ngày 12/7 vừa qua, các nước cần trung hòa không gian hàng hải này bằng cách bảo đảm quyền tự do hàng hải và ký kết một hiệp ước phi hạt nhân hóa cho quần đảo Trường Sa (như là một bước đầu tiên trước khi mở rộng nó đến toàn bộ Biển Đông). ASEAN, trong số các tổ chức khác, nên đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề này.
A.M.T.I