+
Aa
-
like
comment

Đi từ TP.HCM về ‘Tây Đô’ chưa tới 2 tiếng?

04/01/2021 09:20

Ông Trần Văn Thi, TGĐ Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long: “Đi từ TP.HCM đến Cần Thơ chỉ còn gần 2 tiếng so với 3-4 tiếng hiện nay nếu không kẹt xe…”.

Đi từ TP.HCM về Tây Đô chưa tới 2 tiếng? - Ảnh 1.
Nút giao thông Thân Cửu Nghĩa, điểm tiếp giáp giữa cao tốc TP.HCM – Trung Lương và cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã sẵn sàng đón xe vào những ngày tết sắp tới – Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Hôm nay (4-1), theo kế hoạch, Bộ Giao thông vận tải khởi công dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Đây là một đoạn của tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông, kết nối từ TP.HCM – Cần Thơ dài 120km cũng như nhiều tuyến khác ở các tỉnh miền Tây.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Thi, tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long – đơn vị quản lý dự án, chia sẻ những tính toán của dự án cũng như thách thức trước mắt.

Xây cao tốc trên nền đất yếu

* Tổng công ty Cửu Long đã xác định kế hoạch triển khai tiến độ thi công tuyến cao tốc này ra sao, thưa ông?

– Chúng tôi quyết tâm đưa dự án về đích đúng tiến độ, yêu cầu của Thủ tướng là thông xe dự án cuối năm 2022 và đưa vào sử dụng trong năm 2023.

Ngay sau lễ khởi công, chúng tôi sẽ ngồi lại với nhà thầu thi công, tư vấn giám sát lập tiến độ chi tiết, cụ thể của từng hạng mục, đặc biệt là công tác xử lý nền đất yếu, nguồn cung ứng vật liệu thi công, đảm bảo dự án thi công đạt về chất lượng, tiến độ theo yêu cầu. Ngoài ra, mặt bằng thi công còn khoảng 5km/22,97km chưa được các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp bàn giao.

* Theo ông, các điều kiện để triển khai đường cao tốc này từ chủ trương, vốn đã được xác định… có trở ngại nào khi thực hiện dự án này?

– Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đi qua khu vực có địa chất phức tạp, toàn bộ là nền đất yếu; ngoài ra tuyến cắt ngang hệ thống kênh rạch, sông ngòi dày đặc, đa số kênh rạch là các kênh nhỏ, nên rất khó khăn trong công tác vận chuyển vật liệu, thiết bị. Đây cũng là một trong các tiêu chí mời thầu để lựa chọn các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát có năng lực để triển khai dự án.

Ngoài nội dung trên, việc khan hiếm các nguồn vật tư, vật liệu chính (đất đắp, cát, đá) cũng là một trở ngại. Nội dung này cần có sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của chính quyền các địa phương.

Đi từ TP.HCM về Tây Đô chưa tới 2 tiếng? - Ảnh 3.
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã thông xe thực nghiệm ngày 28-12-2020, sẵn sàng khai thác tạm dịp Tết Nguyên đán 2021 – Ảnh: MẬU TRƯỜNG

* Nhiều dự án chậm tiến độ là do khâu giải phóng mặt bằng, liệu dự án vướng vào tiền lệ trên?

– Giải phóng mặt bằng quyết định sự thành bại của dự án. Vì vậy, ngay sau khi được giao nhiệm vụ quản lý dự án, từ cuối tháng 3-2020, chúng tôi đã làm việc với hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp để xây dựng kế hoạch phối hợp. Đến nay, các địa phương đã bàn giao được khoảng 80% diện tích, dù vậy vẫn còn những vị trí bàn giao còn da beo. Do vậy, nhiệm vụ cấp bách hiện nay các địa phương hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp sớm bàn giao mặt bằng sạch cho dự án.

Ngay khi dự án chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP (Nhà nước và tư nhân hợp tác) sang đầu tư công, tổng công ty đã xây dựng kế hoạch tổng thể của dự án, từ bước lập chủ trương đến lựa chọn nhà thầu cũng như thời điểm khởi công và hoàn thành. Đến nay, hầu hết các mốc tiến độ này đều đạt theo kế hoạch.

Với giai đoạn thi công, để hoàn thành theo mốc năm 2023, ngoài trách nhiệm của nhà thầu, yếu tố quan trọng là nguồn vốn cần phải được bố trí, giải ngân đầy đủ, kịp thời và địa phương phải bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch trong quý 1-2021, khi đó nhà thầu mới đủ điều kiện để thi công hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2023.

Chúng tôi sẽ điều hành sát sao dự án cũng như xây dựng quy trình phối hợp giữa các bên liên quan nhằm bảo đảm tiến độ.

Đi từ TP.HCM về Tây Đô chưa tới 2 tiếng? - Ảnh 4.
Cao tốc liền một dải, kinh tế sẽ khấm khá

* Khi tuyến cao tốc từ TP.HCM kết nối về Cần Thơ, việc đi lại của người dân sẽ được rút ngắn về thời gian cụ thể thế nào?

– Sau khi tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ hoàn thành, kết hợp với tuyến TP.HCM – Trung Lương, Trung Lương – Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2, tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ TP.HCM – Cần Thơ.

Thời gian đi từ TP.HCM đến Cần Thơ chỉ còn gần 2 tiếng so với 3-4 tiếng hiện nay trong điều kiện không kẹt xe, giảm áp lực giao thông, tai nạn giao thông trên quốc lộ 1.

Đặc biệt, tuyến cao tốc này hình thành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL. Tôi hi vọng diện mạo kinh tế – xã hội của vùng ĐBSCL sẽ thay đổi đột phá.

Gần 90%

Đó là tỉ lệ nền đất yếu trên tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Cụ thể, tuyến dài 22,97km trong đó có 20,89km phải xử lý đất yếu bằng bấc thấm kết hợp gia tải, chiều sâu đất yếu dao động từ 15-35m.

Hơn 10 năm thông tuyến cao tốc miền Tây

Năm 2010, Ngân hàng BIDV được giao làm chủ đầu tư dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Do khó khăn trong huy động vốn nên chưa thể triển khai theo kế hoạch. Năm 2011 Bộ GTVT tách dự án Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ thành 2 dự án thành phần gồm dự án Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ đầu tư theo hình thức PPP. Dự án Trung Lương – Mỹ Thuận khởi công năm 2015, đầu tư theo hình thức PPP, dự kiến hoàn thành năm 2021. Như vậy khi tuyến này hoàn thành sẽ tạo một trục cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ tạo đà phát triển cho ĐBSCL.

Đặc biệt với tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ được Chính phủ quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công. Tuyến này sẽ xây 3 nút giao liên thông với quốc lộ 80, nút giao đường tỉnh 908 và nút giao Chà Và.

Làm cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, cầu Cần Thơ 2 trước 2025

Điểm cuối của tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ chỉ đến tỉnh Vĩnh Long bên này sông Hậu. Vì vậy, xe từ đường cao tốc phải trở ra quốc lộ 1 để qua cầu Cần Thơ. Trong quy hoạch điểm cuối dự án Mỹ Thuận – Cần Thơ kết nối với cầu Cần Thơ bên phía bờ Vĩnh Long. Cầu Cần Thơ 2 nằm trong quy hoạch tuyến Cần Thơ – Cà Mau sẽ được nghiên cứu đầu tư sau năm 2030.

Tuy nhiên trước nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại vùng ĐBSCL tăng cao, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh đầu tư cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (trong đó có cầu Cần Thơ 2) sang giai đoạn trước năm 2025. Ông Diệp Bảo Tuấn – phó tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long – cho biết dự kiến năm 2021 khởi công dự án làm đường cao tốc Cần Thơ – Bạc Liêu (qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long, TP Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu) giai đoạn 1 và hoàn thành cơ bản năm 2025.

Miền Tây có thêm 90km cao tốc

Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía tây từ Cao Bằng đến Cà Mau dài 3.183km qua 28 tỉnh và TP. Tại miền Tây đã hình thành trước một số đoạn, trong đó chủ yếu xây các cầu lớn như cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền, cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu.

Dự kiến trong tháng 1-2021 tuyến đường Lộ Tẻ – Rạch Sỏi (từ Cần Thơ đi Kiên Giang) dài 51,1km chính thức thông xe. Tuyến đường này rộng 17m cho 4 làn xe, trong đó xây dựng 27 cây cầu qua các sông rạch. Công trình có tổng mức đầu tư 6.355 tỉ đồng, trong đó vốn vay Hàn Quốc là 4.549 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách.

Tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi chỉ cho ôtô lưu thông với vận tốc 80-100 km/h, còn xe máy đi đường gom 2 bên hoặc đi theo quốc lộ 80. Tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi từ Cần Thơ về Kiên Giang chỉ mất khoảng 50 phút thay vì một giờ rưỡi so với đi tuyến quốc lộ 80 hiện nay. Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi kết nối với tuyến đường và cầu Cao Lãnh (dài 7,8km hoàn thành năm 2018), tuyến đường và cầu Vàm Cống (dài gần 9km) và tuyến đường nối cầu Cao Lãnh với cầu Vàm Cống dài 21km. Như vậy miền Tây sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc – Nam phía tây có tổng chiều dài hơn 90km.

55 tỉ đồng “tút” lại cao tốc TP.HCM – Trung Lương

caotoc 8 2(read-only)
Đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương quá tải và xuống cấp – Ảnh: M.TRƯỜNG

Cao tốc TP.HCM – Trung Lương là tuyến cao tốc đầu tiên của vùng ĐBSCL, được thông xe cách đây tròn 10 năm (năm 2010). Tuy chiều dài chỉ gần 40km (không tính đường dẫn) nhưng theo ông Phùng Văn On – ủy viên thường trực Ban ATGT tỉnh Long An, tuyến này đưa vào sử dụng giúp hầu hết các điểm đen về kẹt xe, tai nạn giao thông trên quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Long An đều được xóa bỏ.

Cao tốc TP.HCM – Trung Lương là phần đầu của tuyến đường cao tốc TP.HCM – Cần Thơ và cũng là một “mắt xích” quan trọng của tuyến cao tốc Bắc – Nam từ Hà Nội đến Cần Thơ dài 1.811km.

Thế nhưng thời gian qua “mắt xích” này đang bị xuống cấp trầm trọng sau khi các trạm thu phí trên tuyến dừng hoạt động vào ngày 1-1-2019. Theo ghi nhận vào ngày 3-1, tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương dù đã được các cơ quan chức năng chi 22 tỉ đồng duy tu, sửa chữa nhưng theo nhận định, mặt đường vẫn chưa đảm bảo để chạy với tốc độ cao.

Anh Nguyễn Thế Hùng – 38 tuổi, tài xế một hãng xe dịch vụ tại tỉnh Bến Tre – cho biết: “Trước đây chạy xe trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương chỉ mất khoảng 30 phút nhưng bây giờ thời gian có thể gấp đôi. Phần vì mặt đường xuống cấp không dám chạy nhanh, phần vì nhiều xe tải nặng, xe cũ chạy với tốc độ rất chậm khiến những xe khác không thể vượt lên”.

Ông Nguyễn Văn Thành – cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT) – cho biết thời gian qua các cơ quan chức năng đã chi 22 tỉ đồng để sửa chữa các vị trí hư hỏng, các khe co giãn trên cầu và các hệ thống thoát nước trên đường cao tốc và đường dẫn.

“Từ tháng 4 chúng tôi tiếp tục duy tu, sửa chữa tuyến cao tốc để giao thông được êm thuận hơn. Dự trù kinh phí sửa chữa lần này khoảng 55 tỉ đồng”, ông Thành nói.

Dồn dập nhiều tin vui đến với bà con vùng ĐBSCL thời gian qua như tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương sẽ tiếp tục được sửa chữa trong năm tới, thông tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vào dịp Tết Nguyên đán 2021…

Gấp rút thi công tuyến quốc lộ Quản Lộ – Phụng Hiệp

Một tin vui cho người dân miền Tây là tuyến quốc lộ Quản Lộ – Phụng Hiệp nối từ TP Ngã Bảy (Hậu Giang) tới TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) cũng đang được gấp rút thi công và hiện tại nhiều đoạn đã cơ bản hoàn thành. Tuyến đường này sẽ rút ngắn khoảng 50km so với đi theo quốc lộ 1.

Theo Ban quản lý dự án 7, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến quốc lộ Quản Lộ – Phụng Hiệp (khởi công tháng 2-2020) hiện tại đạt gần 90% khối lượng bêtông nhựa lớp 1, chỉ còn khoảng 12km chưa thi công. Sẽ phấn đấu trước Tết Nguyên đán cơ bản hoàn thành phục vụ lưu thông của người dân khu vực. (CHÍ QUỐC)

Lời hứa với hơn 20 triệu người dân miền Tây

quoc lo 2-camau 1(read-only)
Quốc lộ 1 ở ĐBSCL nhiều nơi quá tải – Ảnh: C.QUỐC

Từ hôm nay (4-1-2021), cao tốc TP.HCM – Trung Lương sẽ được nối tiếp vào tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, kéo dài thêm được 51km về miền Tây, giấc mơ đi về miền Tây hoàn toàn bằng cao tốc đang dần thành hiện thực.

Ông Nguyễn Tấn Đông, tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận (doanh nghiệp quản lý dự án), cho biết dù hợp đồng ký kết giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền không quy định phải thông tuyến tạm thời trước Tết Nguyên đán 2021 nhưng để giải tỏa ùn tắc trên quốc lộ 1 và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công ty đã nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các hạng mục cơ bản trên tuyến chính trong tháng 12-2020.

Theo ông Đông, dự kiến xe khách dưới 16 chỗ và xe tải dưới 2,5 tấn sẽ được chạy một chiều trong 10 ngày trước và sau tết và chỉ được lưu thông không quá 40km/h.

Dù sao đây cũng là điều đáng mừng bởi dự án đã được khởi công năm 2009 nhưng sau 10 năm đình trệ, tiến độ chỉ đạt khoảng 10% khối lượng. Đến tháng 3-2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tham gia. Sau hơn 1 năm tái khởi động, dự án đã đạt 75% khối lượng và sẽ hoàn thành trong năm 2021.

Ông Hồ Minh Hoàng, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, cho biết việc thông tuyến và đưa vào sử dụng tạm dịp Tết Nguyên đán 2021 là cả một sự quyết tâm của nhà đầu tư. “Vì lời hứa với hơn 20 triệu người dân miền Tây, trên công trường chúng tôi huy động khoảng 1.500 nhân lực và các trang thiết bị máy móc hiện đại thi công ba ca. Sau khi thông tuyến, chúng tôi còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để kịp tiến độ, đưa vào thông xe chính thức trong năm 2021”, ông Hoàng nói.

Đường cao tốc phải tiến về Cà Mau

Ông Nguyễn Huy Thái – phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu – cho biết qua các buổi tiếp xúc cử tri, bà con đều mong muốn sớm triển khai hai tuyến cao tốc gồm cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (trục dọc) và cao tốc nối từ Xà Xía (biên giới Kiên Giang với Campuchia) với Bạc Liêu.

Theo ông Thái, riêng tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, nguyện vọng của bà con là không “tận dụng” nâng cấp, mở rộng quốc lộ Quản Lộ – Phụng Hiệp, mà làm một tuyến đường khác giữa quốc lộ 1 và quốc lộ Quản Lộ – Phụng Hiệp và theo thông tin mới nhất mà ông nhận được, Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định về tuyến đường cao tốc đúng như nguyện vọng này.

Tương tự, ông Hồ Hoàn Tất, giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau, cho biết người dân trong tỉnh cũng mong sớm có tuyến cao tốc nối từ Cần Thơ về Cà Mau. Theo ông Tất, thực hiện theo tinh thần quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Cà Mau là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đoạn cao tốc Bạc Liêu – Cà Mau, tỉnh đã làm việc với phía tỉnh Bạc Liêu về việc này. Hiện tại, Cà Mau đã hoàn tất hồ sơ liên quan như quy mô, nguồn vốn và nhiều vấn đề liên quan đến dự án này để trình Thủ tướng thông qua.

Trước đó, cuối tháng 9-2019, Bộ Giao thông vận tải đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL về dự án đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau nhằm kịp trình Quốc hội phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025. Theo đó, đoạn cao tốc này sẽ được đầu tư bằng hai nguồn vốn: ngân sách (đoạn Cần Thơ – Bạc Liêu) và vốn xã hội hóa (đoạn Bạc Liêu – Cà Mau).

NGỌC ẨN/TTO

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều