‘Di sản’ trường chuyên thúc đẩy bất bình đẳng xã hội
Các trường chuyên có truyền thống và danh tiếng có thể cổ phần hóa, thậm chí chuyển nhượng hẳn cho tư nhân để giảm gánh nặng đầu tư công.
Di sản “trường chuyên”
“Trường chuyên” hay “trường năng khiếu”, hoặc các “lớp chuyên” tại các trường đại học, là một thiết chế giáo dục công lập đặc biệt ở Việt Nam – nơi tuyển chọn và đào tạo những cá nhân suất sắc nhất của một lứa học sinh.
Học sinh trường chuyên được đào tạo theo các chương trình riêng, với sự hướng dẫn và giảng dạy của những giáo viên chất lượng. Kết quả nổi bật nhất của các trường chuyên công lập là những giải thưởng học sinh giỏi quốc tế, quốc gia, và tỷ lệ đỗ đại học cao, cả trong và ngoài nước.
“Trường chuyên” cho thấy những mối liên hệ với mô hình đào tạo dành cho “thiểu số”, vốn đã tồn tại ở nhiều nước Á Đông từ thời phong kiến. Để đáp ứng nhu cầu quan chức cho chính quyền các cấp, các vị Vua/quan phong kiến hoặc các gia đình giàu có đã lập ra các lớp học đặc biệt, tuyển sinh chủ yếu là con em quan lại, nhà giàu có, và mời những thầy giáo giỏi đến giảng dạy. Mục đích đào tạo chủ yếu của các lớp học thiểu số đó là đi thi để ra làm quan cho chính quyền. Do xác định mục đích học tập rõ ràng ngay từ đầu cho nên các lớp học thường được tổ chức nghiêm túc, thi cử ngặt nghèo và công minh. Những vi phạm về học tập và thi cử đều bị trừng phạt rất nghiêm khắc.
Đến giữa thế kỷ 20, do hoàn cảnh chiến tranh, nguồn lực thiếu thốn, mô hình “lớp chuyên” đã được mở ra để đáp ứng nhu cầu cán bộ chuyên môn trình độ cao của Việt Nam.
Chính bởi đã quen với mô hình tổ chức lớp học đặc biệt như vậy cho nên đến nay “trường chuyên”, “lớp chuyên”, “lớp chọn” vẫn rất dễ dàng được chấp nhận. Tư cách “học sinh trường chuyên” không chỉ bảo đảm một môi trường học tập chất lượng, một tương lai tươi sáng cho học sinh, mà còn là niềm tự hào của cả gia đình.
Duy trì trường chuyên là thúc đẩy bất bình đẳng xã hội
Câu hỏi “mô hình trường chuyên có còn phù hợp hay không” sẽ gây ra một cuộc tranh luận không hồi kết. Từ góc độ nhu cầu học tập của học sinh, hay thành tích của ngành giáo dục, đương nhiên nhiều người sẽ ủng hộ mô hình trường chuyên. Tuy nhiên, từ góc độ chính sách công, thì duy trì sự tồn tại của các trường chuyên công lập ngày càng bộc lộ những bất cập.
Bất hợp lý thứ nhất là ở chỗ chính quyền đầu tư lớn cho các trường chuyên nhưng lại không kiểm soát được thành quả đầu ra. Có nghĩa là, sau khi được thụ hưởng sự ưu ái đặc biệt từ nguồn lực đầu tư công, học sinh trường chuyên có thể tự do đi học cao hơn và làm việc ở bất kỳ đâu họ muốn. Chưa có thống kê chính thức nhưng có thể dự báo số lượng học sinh suất sắc nhất quay lại làm việc cho khu vực công không nhiều. Thực tế này trái ngược hoàn toàn với các lớp học đặc biệt thời phong kiến – học sinh chủ yếu là con cái quan chức, học xong để ra làm quan, phục vụ lại cho chính quyền và cộng đồng xã hội. Tương tự, những học sinh chuyên xuất sắc nhất ở Việt Nam từ giữa thế kỷ 20, được thụ hưởng nguồn lực công, cũng chủ yếu phục vụ trong những ngành khoa học, kỹ thuật đòi hỏi trình độ cao của nhà nước, như trong quân đội.
Thứ hai, duy trì mô hình trường chuyên tức là chấp nhận duy trì sự bất bình đẳng xã hội. Theo một số thông tin công khai thì các trường chuyên thường được ưu ái đầu tư cao hơn các trường học công lập bình thường khác. Thực tế này đã vi phạm một nguyên tắc căn bản trong chính sách công là mọi công dân đều phải bình đẳng về cơ hội thụ hưởng các nguồn lực công. Sự ưu ái về nguồn lực công cho một nhóm thiểu số học sinh chuyên chắc chắn ảnh hưởng đến cơ hội thụ hưởng giáo dục của số đông học sinh trường phổ thông bình thường.
Bất hợp lý thứ ba là những xu hướng vận động tiêu cực của các trường chuyên. Đó là tình trạng học lệch, chỉ tập trung vào các môn chuyên nhưng lại thờ ơ với các môn khác; đó là những tiêu cực về cơ hội để được nhận vào trường chuyên; đó là những áp lực nặng nề với học sinh, giáo viên, và phụ huynh do mức độ cạnh tranh khốc liệt và yêu cầu cao về kết quả học tập…
Có thể cổ phần hóa trường chuyên?
Được thụ hưởng một nền giáo dục chất lượng cao là nhu cầu chính đáng của mọi công dân. Chính quyền cũng luôn có nhu cầu về lực lượng lao động chất lượng cho những nhiệm vụ đặc thù trong khu vực công. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc nhà nước phải duy trì mô hình trường chuyên công lập trong bối cảnh hiện nay.
Nhà nước nên vận dụng cơ chế thị trường để thỏa mãn các nhu cầu giáo dục đa dạng của học sinh. Theo đó, các chủ thể tư nhân cần được khuyến khích thành lập các trường chuyên tư thục. Các trường chuyên có truyền thống và danh tiếng có thể cổ phần hóa, thậm chí chuyển nhượng hẳn cho tư nhân để giảm gánh nặng đầu tư công. Chính sách “tư nhân hóa trường chuyên” không chỉ tận dụng sức mạnh tài chính của khu vực tư nhân, sự linh hoạt của thị trường, mà còn bảm đảm được sự công bằng xã hội khi gia đình học sinh phải trả chi phí cho việc theo đuổi nhu cầu học tập theo ý mình.
Nhà nước có thể hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng học giỏi thông qua các chương trình học bổng. Chính sách học bổng cũng sẽ giúp nhà nước tiết kiệm ngân sách trong khi vẫn có được nhân sự chất lượng mỗi khi cần cho nhiệm vụ đặc biệt.
Bối cảnh đất nước hiện nay đã khác xa thời phong kiến hay thời kỳ chiến tranh. Cũng vì thế, nên giảm sự ưu ái thiểu số trong giáo dục công lập. Điều chỉnh chính sách theo hướng chuyển các trường chuyên cho thị trường sẽ chính thức dứt bỏ những di sản của mô hình đào tạo tập trung vào thiểu số, vốn đã tồn tại từ thời phong kiến.
Các nguồn lực công cần phải ưu tiên sử dụng để phục vụ lợi ích công – đó là nhu cầu giáo dục và đạo tạo của số đông dân chúng. Bởi vậy, tư nhân hóa trường chuyên sẽ giúp chúng ta thực hiện được nguyên tắc bình đẳng về cơ hội thụ hưởng giáo dục trong hệ thống trường công lập.
TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.