“Di sản” của bà Tiến
Trong các đời Bộ trưởng, mình thấy, bà Nguyễn Thị Kim Tiến bị chửi nhiều nhất. Cư dân mạng chế ảnh, chọn góc xấu để bêu riếu một người phụ nữ. Một sản phụ chết vì tai biến ở một bệnh viện huyện cũng chửi bộ trưởng. Đứa trẻ chết vì ỉa chảy ở đâu đó, cũng chửi bộ trưởng…
Tính mình không a dua theo phong trào, luôn xem xét nhiều góc độ, đặc biệt không cảm tính và bị cảm xúc chi phối, nên chưa từng buông một câu nào chửi người phụ nữ này. Nếu tìm ra một điều gì đáng chửi, thì sẽ chửi ngay, không ngại gì cả.
Nạn bác sĩ vòi vĩnh vẫn còn, nhưng thực sự là giảm hơn xưa rất nhiều. Chục năm trước, đưa con gái đi vá da vì bỏng ở 103, được giáo sư Lê Thế Trung giới thiệu TS Tuấn trưởng khoa nhi, nên con gái được chăm sóc tốt. Nhưng, mấy y tá, bác sĩ cực kỳ khó chịu vì không ăn được phong bì và mình có đưa cũng không nhận. Thời đó, mọi người nhớ lại xem, nếu nằm viện mà không đưa phong bì có ổn không?
Nhưng giờ, nạn đòi phong bì đã ít đi rất nhiều. Thậm chí, nhiều lần mình phong bì cám ơn, bác sĩ cũng không nhận nữa. Hôm trước, đi khám bệnh ở Viện nhiệt đới, bác sĩ Đồng Đức Khiêm khám cho. Không hề biết mình là ai, không biết là nhà báo. Khám xong, thì trao đổi thoải mái qua điện thoại, zalo. Thật khó tin khi bác sĩ bận rộn vậy mà vẫn tương tác nhiệt tình.
Hôm sau, đến khám lại, cảm động vì sự nhiệt tình, nên rút 500k cám ơn. Anh Khiêm nhất định không lấy. Quả thực, nhiều năm qua, cả gia đình nội ngoại, thi nhau khám chữa, phẫu thuật ở bệnh viện Đại học Y, nhưng thói quen đưa phong bì khi đi viện đã biến mất khỏi suy nghĩ, chứ đừng nói đến chuyện cân nhắc.
Thời kỳ bà Tiến làm Bộ trưởng, có thể nói trình độ bác sĩ nâng cao rất nhiều. Những ca ghép tạng đẳng cấp thế giới. Bệnh nhân nước ngoài cũng tìm đến điều trị. 7-8 năm trước, có cô bé người Thái có cậu con tim bẩm sinh, chờ chết vì Việt Nam không cứu được, phải sang Singapore mổ với giá 500 triệu đến 1 tỷ. Ơn trời, cậu bé lay lắt sống. Sau mình thử gọi anh Việt (phẫu thuật Nhi Việt Đức), anh bảo Việt Nam đã xử lý được rồi. Và cậu bé được mổ miễn phí. Khỏi bệnh.
Phải công nhận rằng, mấy năm nay, cũng do kinh tế phát triển, nhưng rõ ràng, công tác khám chữa bệnh thay đổi mạnh mẽ. Bệnh viện đã sạch hơn, hoạt động chuyên nghiệp hơn, tiêu cực ít hơn.
Trong khi cộng đồng mạng thi nhau mạt sát bà Tiến, thì mình lại chỉ nghe những lời nhận xét về bà từ những người trong ngành y. Mỗi lần ngồi với cục trưởng Thanh Phong Thanh Nguyen, anh lại nhắc đến bà Tiến với thái độ cực kỳ tôn trọng người phụ nữ này. Chuyên môn giỏi – đạo đức trong sáng.
Giáo sư Phung Dac Cam là một chuyên gia khoa học lớn của Bộ y tế, là bậc thầy của bà Tiến, cũng cực kỳ tôn trọng khi nhắc đến người phụ nữ này. Ông bảo, bà Tiến cực giỏi về chuyên môn. Bà vụng về phát ngôn và tiếp xúc báo chí nên bị ghét.
Còn rất nhiều bác sĩ nhận xét tốt về bà tiến. Đơn giản là vì họ hiểu chuyên môn và không bị cộng đồng mạng cuốn theo.
Hôm dịch Covid – 19 xảy ra, mình có 2 phát ngôn: Không có gì phải sợ hãi loạn cả lên như vậy; Việt Nam có kinh nghiệm chống dịch hàng đầu thế giới.
Tất nhiên là nhận gạch đá cả núi.
Và, cho đến lúc này, theo chuyên gia, tổ chức y tế thế giới thì Việt Nam rất an toàn trước đại dịch. Ngoài xứ nóng ẩm không hợp với con virus này, thì di sản dịch tễ bà Tiến để lại là cực kỳ mạnh.
Mấy hôm nay, cộng đồng mạng bắt đầu đăng những tấm hình xinh đẹp của bà Tiến. Nhiều người xin lỗi vì đã từng gay gắt với bà.
Còn mình, thấy may mắn, vì chưa từng buông một câu mạt sát người phụ nữ này.
Ngày thầy thuốc Việt Nam, hơi dài dòng tý. Cuối cùng, là mong cộng đồng mạng, hãy nhìn nhận vai trò của ngành y tế, của các y bác sĩ nước ta. Đất nước còn nghèo, nhưng rõ ràng, ngành y nước ta có số có má với thế giới đấy.
NB Phạm Ngọc Dương