+
Aa
-
like
comment

Đi lại 20 lần mới làm được thủ tục hành chính

28/11/2019 06:44

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, có những trường hợp người dân, tổ chức phải đi lại từ 18-20 lần mới làm được thủ tục hành chính.

Đi lại 20 lần mới làm được thủ tục hành chính - Ảnh 1.
Một người dân đánh giá sự hài lòng qua máy tính bảng được đặt ở cửa kính khu vực tiếp nhận và trả hồ sơ thủ tục hành chính ở trụ sở UBND phường – Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký quyết định về việc phê duyệt báo cáo và công bố chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở TP.HCM năm 2018.

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP, có 56,06% đối tượng khảo sát phải đi 2 lần để giải quyết công việc (lần đầu đến liên hệ và và nộp hồ sơ, lần thứ hai để nhận kết quả). Có 8,81% người dân, tổ chức phải đi lại trên 3 lần.

Trong số 1.300 trường hợp phải đi lại trên 3 lần, có những trường hợp phải đi tới 18- 20 lần hoặc rất nhiều lần, tập trung ở nhóm thủ tục tại các sở – ngành.

Các trường hợp xác nhận có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu từ công chức trực tiếp xử lý thủ tục hành chính, tập trung vào các yêu cầu về hồ sơ giấy tờ, thái độ phục vụ không đúng mực của các công chức, một số trường hợp chỉ là bức xúc với thái độ, lời nói của công chức trực tiếp tiếp nhận hồ sơ, hoặc công chức giải quyết công việc từ các bộ phận khác.

Cũng theo kết quả khảo sát, những xác nhận cụ thể về việc vòi tiền, hay gợi ý về “sân sau” tập trung ở lĩnh vực đất đai (2,34%) và xây dựng (5,09%). Tuy nhiên, đây chỉ là những phản ánh từ quan điểm và góc nhìn của người dân. Một số cho rằng thái độ khó chịu, lời nói khó nghe, yêu cầu thêm giấy tờ đã là biểu hiện sách nhiễu; một số lại cho rằng các khoản tiền “gợi ý” là bình thường.

Có 47 trường hợp người trả lời phiếu điều tra nhận định rằng có biểu hiện gợi ý nộp thêm tiền ngoài quy định, chiếm tỉ lệ 0,32%, tập trung nhiều ở dịch vụ đất đai. Đáng chú ý là 17 trong số 47 trường hợp này (chiếm hơn 36%) ghi nhận về hiện tượng gợi ý nộp thêm tiền của công chức giải quyết công việc.

Tuy vậy, khi trả lời phiếu điều tra, người dân vẫn đánh giá sự hài lòng chung ở mức 7/10, thậm chí có người vẫn cho 10 điểm. Điều này phần nào cho thấy có khuynh hướng chấp nhận các biểu hiện tiêu cực nhũng nhiễu từ phía người dân. Qua đó cho thấy người dân, tổ chức có tâm lý ngại va chạm, không muốn đề cập đến các nội dung về các khoản “bồi dưỡng”, “lót tay”, bôi trơn” khi thực hiện thủ tục hành chính.

Nhiều sở – ngành có tỉ lệ đúng hẹn đạt mức 100% đối với các loại thủ tục được lựa chọn khảo sát. Một số sở – ngành có tỉ lệ đúng hẹn thấp như Sở Xây dựng (60,71%), Sở Quy hoạch – kiến trúc (76,53%), Sở Tài nguyên và môi trường (79%). Một số sở – ngành vì lý do đặc thù cũng có tỉ lệ đúng hẹn rất thấp như Thanh tra Thành phố, Sở Tài chính.

Đợt khảo sát này có 22 sở, ban, ngành, 24 quận huyện được lựa chọn để đo lường sự hài lòng. Ngoài ra, mỗi quận, huyện lựa chọn 6 phường – xã – thị trấn để đo lường sự hài lòng. Tổng cộng có 144 phường – xã – thị trấn trên địa bàn TP được lựa chọn khảo sát.

MAI HƯƠNG

(Theo Tuổi Trẻ)

Bài mới
Đọc nhiều