+
Aa
-
like
comment

Đi GrabCar đắt hơn taxi

09/12/2020 09:41

Nhiều hành khách phản ảnh giá xe công nghệ ngày càng tăng, cộng thêm nhiều phụ phí mà khách hàng không hề hay biết trong một cuốc xe.

Đi GrabCar đắt hơn taxi - Ảnh 1.
Hành khách đón GrabCar tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều 7-12 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là khẳng định của nhiều khách hàng. Grab nói tăng giá cước sau khi nghị định 126 có hiệu lực để hài hòa lợi ích giữa các bên, nhưng thực tế giá xe GrabCar ngày càng có nhiều thời điểm tăng chóng mặt, cao gấp 3-4 lần taxi dù cùng cự ly vận chuyển.

Nhiều hành khách phản ảnh giá xe công nghệ ngày càng tăng, cộng thêm nhiều phụ phí mà khách hàng không hề hay biết trong một cuốc xe.

3km: taxi 26.000 đồng, Grab 109.000 đồng

Dù nghe thông tin xe công nghệ điều chỉnh giá cước nhưng nhiều hành khách “hoa mắt” khi giá Grab cao gấp 3-4 lần so với taxi truyền thống.

Trưa 7-12, anh Đ.V. (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đặt xe từ đường Nguyễn Đình Chính về ngã tư Phú Nhuận với cự ly chỉ khoảng 3km, giá GrabCar hiển thị 109.000 đồng, còn GrabBike 45.000 đồng.

Anh V. cho hay quãng đường này anh thường đặt xe công nghệ nhưng mức giá không hề cao như vậy. Trong khi đó, thấy giá cao, anh gọi taxi truyền thống, về điểm đến thì đồng hồ tính giá trên xe hiển thị chỉ 30.000 đồng. Đây là sự chênh lệnh giá quá cao.

Nhiều hành khách băn khoăn Grab thông báo tăng giá cước nhưng căn cứ trên mức giá tăng theo cự ly vận chuyển cũng không có giá tăng “sốc” như vậy.

Theo bảng giá mới của Grab, giá GrabCar 4 chỗ tăng 2.000 đồng, từ 25.000 lên 27.000 đồng cho 2km đầu tiên, mỗi kilômet tiếp theo giá 9.500 đồng. Như vậy, nếu tính cự ly vận chuyển 3km, mức giá chưa tới 36.500 đồng, thậm chí cộng thuế, phí cũng chưa tới 40.000 đồng.

Trong khi đó theo bảng giá của taxi truyền thống loại xe 4 chỗ của Mai Linh thì 5.000 đồng/0,3km đầu tiên, 18.600 đồng cho kilômet thứ 2, từ 3-10km giá 14.200 đồng, từ kilômet thứ 26 giá còn 12.400 đồng. Với cự ly 3km, ước tính giá taxi truyền thống giao động 26.000 – 30.000 đồng. Tương tự, giá Vinasun sẽ cao hơn 500 đồng/km.

Đi GrabCar đắt hơn taxi - Ảnh 2.
Hành khách phản ảnh đi xe công nghệ nhiều lúc đắt hơn cả taxi. Trong ảnh: đi GrabCar trưa 8-12 – Ảnh: Q.Đ.

Bức xúc vì phụ phí

Theo ghi nhận, hành khách sử dụng dịch vụ của xe công nghệ như Grab, Be gần đây phản ảnh tình trạng giá cước xe ngày càng tăng, cộng thêm nhiều khoản phí, phụ phí mà hãng tự đặt ra, đẩy giá cước tăng rất mạnh vào khung giờ cao điểm hoặc vào ban đêm.

Anh Tường (Q.Tân Bình) cho biết giá xe công nghệ đã không còn rẻ như 2 – 3 năm trước khi hiện diện tại VN, mà hiện nay còn “một trời một vực”, khó chấp nhận được.

Hàng loạt ứng dụng gọi xe như Be, Grab, Gojek, Vinasun được anh Tường cài trong điện thoại để linh hoạt sử dụng. Tuy nhiên, bất bình vẫn là giá cước xe của các đơn vị công nghệ tăng liên tục, khoản phụ phí cộng vào đẩy giá xe lên cao.

Thậm chí anh Tường còn phát hiện trường hợp tiền trong ví điện tử bị trừ 10.000 đồng với lý do… quá 5 phút không tới điểm đến gọi xe, dù khẳng định chưa hề xảy ra chuyện “gọi xe một nơi, đứng một nẻo”.

“Không tiếc 10.000 đồng bị trừ nhưng thấy vô lý quá. Chưa kể các khoản phí nền tảng hãng thu của khách hàng là 3.000 đồng mỗi cuốc xe mà không hề thông báo, cũng không hiển thị trên màn hình” – anh Tường bức xúc nói.

Lý giải về giá cước, đại diện Grab lý giải do giá mỗi cuốc xe Grab được quyết định bởi thuật toán dựa trên một số yếu tố khách quan như nhu cầu sử dụng và lượng xe có sẵn tại thời điểm khách hàng đặt xe.

Tại cùng một thời điểm và khoảng cách nhưng giá cước cho các cuốc xe có thể khác nhau. Bên cạnh đó, do nhu cầu đi lại ngày càng tăng, số lượng tài xế không đáp ứng đủ nên giá cước có thể cao hơn so với trước.

Nhiều khách hàng cho rằng xe công nghệ với tiêu chí tiện, rẻ hơn các phương tiện xe ôm, taxi truyền thống gần như không còn khoảng cách này nữa. Những lần tăng giá cước, chiết khấu và các loại phụ phí khác, phần thiệt vẫn luôn đẩy về cho khách hàng.

Đi GrabCar đắt hơn taxi - Ảnh 3.
Nguồn: Tổng hợp từ bảng giá các hãng – Dữ liệu: C.TRUNG – Đồ họa: T.ĐẠT

Tài xế kêu chiết khấu quá cao

Tài xế GrabCar Nguyễn Văn Sơn, đón khách ở sân bay Tân Sơn Nhất chiều 8-12, cho biết cách đây 5 tháng gia đình gom tiền hơn 700 triệu đồng mua xe 4 chỗ chạy xe công nghệ và đang lo lắng về thu nhập ngày càng giảm khi Grab tăng chiết khấu từ 28,375% lên 32,841%.

Anh Sơn cho biết với giá Grab vừa tăng ngỡ sẽ tăng doanh thu cho tài xế nhưng chẳng đáng bao nhiêu.

Cụ thể, cự ly khoảng 5km đầu, giá mới hiện tại cho xe 4 bánh là 55.000 đồng, tăng hơn 3.500 đồng so với trước ngày 5-12. Tuy nhiên, số tiền chiết khấu phải nộp về cho Grab tới 18.226 đồng + thuế… Số tiền thực nhận chỉ còn 37.000 đồng. Chiết khấu trên 30% là quá cao, khiến tài xế không đảm bảo thu nhập khi cước xe tăng, khách hàng giảm.

Nhiều tài xế và một số chuyên gia cho rằng Grab nên công khai việc tăng thuế lần này hãng nói tăng các chi phí thì cụ thể là gì, để xem hãng có đẩy hết gánh nặng về phía khách hàng và tài xế hay không. Bên cạnh đó cũng cần xem lại và giải thích mức chiết khấu để hài hòa quyền lợi các bên, có thế mới đảm bảo phát triển bền vững.

Chi phí tăng, quán xá cũng đau đầu

Ngày 1-12, Grab gửi thông báo đến khách hàng về việc tăng giá cước dịch vụ giao đồ ăn GrabFood thông qua ứng dụng. Đây không phải lần đầu GrabFood tăng cước giao hàng.

Ông Nguyễn Hoàng Tiễn (giám đốc điều hành chuỗi cà phê Coffee Bike) cho biết thời gian đầu triển khai, các ứng dụng giao đồ ăn dồn dập tung khuyến mãi, quà tặng để thu hút khách như miễn phí vận chuyển, tặng mã giảm giá 20.000 đồng, 30.000 đồng.

Bên cạnh đó, họ còn tài trợ cho nhà bán lẻ, chẳng hạn trên ứng dụng khuyến mãi 50% giá tiền ly trà sữa 40.000 đồng còn 20.000 đồng thì cửa hàng chỉ phải chịu 10.000 đồng tiền giảm giá, 50% còn lại ứng dụng giao hàng sẽ “bao” luôn.

Lúc đầu như vậy, giờ có lượng người dùng nhất định thì họ không khuyến mãi ào ạt nữa. Theo ông Tiễn, thậm chí nhiều ứng dụng giao đồ ăn khác gần đây cũng tăng phí hoa hồng người kinh doanh phải nộp.

“Để xuất hiện trên các ứng dụng giao hàng thì các thương hiệu phải cạnh tranh với nhau về giá rất nhiều, thậm chí nhiều người chấp nhận bán hòa vốn hoặc lãi 1.000 – 2.000 đồng” – ông Tiễn cho biết.

Theo tìm hiểu, hiện nay nhiều chuỗi hàng ăn uống đã bắt đầu chuyển đổi số, phát triển kênh bán hàng qua website hoặc trên chính ứng dụng tích điểm của cửa hàng. Điều này bản thân cửa hàng sở hữu được dữ liệu khách hàng.

B.MAI

Có hay không nhập nhèm trong tính giá của Grab?

Một lãnh đạo taxi tại TP.HCM phân tích cơ cấu giá của taxi niêm yết rõ giá mở cửa của taxi hơn 5.000 đồng/km đầu tiên, kilômet tiếp theo sẽ có giá 14.000 – 15.000 đồng tùy hãng và giảm còn 12.000 đồng từ 26km trở đi.

Thế nhưng nếu xem giá cước cố định 2km đầu mà Grab áp dụng là 27.000 đồng, chia 2 thì giá 13.500 đồng/km, cao hơn so với taxi.

Giá cước 3km trở đi, Grab áp dụng 9.500 đồng, nhìn có vẻ thấp nhưng thực tế chưa hẳn vì đơn vị này có tính phí thời gian di chuyển 350 – 400 đồng/phút, chiếm 30% tổng cuốc phí chuyến đi thì giá cước cao hơn rất nhiều.

Thậm chí vào giờ cao điểm giá xe công nghệ tăng gấp 3-4 lần so với taxi, chứ không áp dụng đơn giá như công bố.

Đáng chú ý hơn, sự bất hợp lý ở đây khi taxi tính giá cố định, còn Grab lại tính thêm khoản tiền vài trăm đồng trên mỗi cuốc xe với lý do “thời gian di chuyển”. Chính sự nhập nhèm này khiến cước xe Grab vào một số thời điểm có giá cao.

CÔNG TRUNG/TTO

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều