+
Aa
-
like
comment

Đi cách ly còn “sướng hơn ở nhà”, tại sao cứ phải bỏ trốn?

Quỳnh Quỳnh - 11/03/2020 17:12

Trong khi cả nước chung tay chiến đấu phòng chống dịch COVID-19, có những người không khai báo trung thực, tự ý bỏ trốn khỏi nơi cách ly, thậm chí sẵn sàng gian dối để né tránh cách ly, dù trở về từ vùng dịch.

Một tài khoản fb trốn cách ly rồi đăng tải lên mạng xã hội

Trong suốt thời gian qua, trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Chính phủ cùng các Bộ, ngành địa phương đã kiên quyết, kịp thời, đồng bộ đưa ra nhiều giải pháp, ngăn chặn hiệu quả, đặc biệt là cách ly y tế từ rất sớm, huy động cả hệ thống chính trị tham gia với phương châm “chống dịch như chống giặc”.

Sự nỗ lực ấy đã mang lại những kết quả tích cực khi gần 1 tháng phát hiện ca nhiễm đầu tiên, Việt Nam chỉ có 16 ca dương tính với COVID-19 và đều được chữa khỏi, 22 ngày không có thêm ca nhiễm mới.

Thế nhưng chỉ một nữ hành khách (bệnh nhân N.H.N, ca nhiễm thứ 17) thiếu ý thức, đã khai báo không trung thực, không chủ động khai báo với nhà chức trách để cách ly kịp thời khi bị nghi nhiễm Covid-19 đã làm lây nhiễm sang một số người, khiến hàng trăm người khác phải cách ly rải khắp các tỉnh thành, khiến các địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lào Cai… phải căng mình, kiểm tra, khoanh vùng, khống chế, cách ly, điều trị…

Bỏ trốn khỏi nơi cách ly là một tội ác

Từ nguồn tin, cơ quan chức năng đã phát hiện ông Lê Th. H. Chủ tịch HĐQT một công ty đang thực hiện dự án điện gió ở huyện Hướng Hóa không về nơi cách ly mà thay vào đó là một người khác, không đi cùng chuyến bay. Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị sau đó đã tìm cách liên lạc, vận động và đến trưa 9-3, ông Lê Th. H. cùng tài xế mới đến trình diện và cả 2 được đưa vào cách ly tại Bệnh viện chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh.

Cũng trong thời gian này, UBND TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết đã tiến hành cách ly và giám sát y tế đối với cặp vợ chồng từ tỉnh Hà Nam vào. Trước đó, người vợ đang thực hiện việc cách ly tại địa phương nhưng tự ý bỏ trốn. Được biết, chị này cùng chồng vào tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để tổ chức đám cưới.

Mỗi người đều lý do ngụy biện cho các hành động của mình, nhưng rõ ràng đây là việc làm thiếu trách nhiệm với sức khỏe cá nhân, gia đình và cả cộng đồng, khiến dư luận bức xúc và đáng bị lên án. Bởi, khai báo y tế trung thực, nghiêm túc thực hiện cách ly phòng dịch Covid-19 là biện pháp nhằm đảm bảo an toàn, chăm sóc sức khỏe cho chính những người được cách ly và cũng là phòng bệnh cho gia đình họ, cho cả cộng đồng.

Thử hỏi, những đối tượng này, nếu bị nhiễm Covid-19 thì không biết hậu quả sẽ nặng nề đến thế nào. Trên thực tế việc trốn cách ly không chỉ làm lây lan dịch bệnh cho cộng đồng, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, và cũng là tội ác, bởi vì việc trốn cách ly hay khai báo gian dối về lịch trình đi lại trong vùng dịch gây nguy hiểm rất lớn cho cộng đồng.

Đi cách ly ăn cơm ngon, ở thoải mái sao cứ phải bỏ trốn?

Khác với suy nghĩ tiêu cực, lo sợ về việc cách ly của một số người, cô gái có tài khoản facebook Châu Bùi đã chia sẻ những hình ảnh về cuộc sống thoải mái, sung sướng của mình trong khu cách ly chống dịch COVID-19.

Châu nói, “Mình nghĩ đây là việc đúng đắn để làm: dùng ảnh hưởng của mình để góp phần nâng cao ý thức cho một bộ phận xã hội.”

Mọi thứ đều thoải mái như ở nhà, thậm chí đồ ăn ở đây còn ngon và bổ dưỡng

Do nhiều người nhắn tin hỏi thăm, cô cập nhật thường xuyên chuyện ăn uống, luyện tập để họ yên tâm. Cô cũng muốn dùng trải nghiệm này để kiểm chứng những lời đồn thổi trên mạng xã hội về việc cách ly.

“Mình rất vinh hạnh khi được Đảng, Nhà nước quan tâm. Ngay từ những ngày đầu tiên, em và các bạn xác định tâm lý sẽ đi cách ly nên không quá lo lắng, sợ hãi. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi tâm lý sợ rằng nơi cách ly có cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt không được như ý.

“Mình xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các chiến sĩ, các chú bộ đội đã không quản ngại khó khăn, mệt nhọc để chúng em có được điều kiện tốt nhất trong thời gian cách ly”, Châu nói.

Có nên chăng, chúng ta thay dùng từ “cách ly” thành cụm từ “thực hiện trách nhiệm xã hội” nó mang đúng ý nghĩa hơn nhiều. Bản thân chúng tôi ở đây khỏe mạnh, đã được xét nghiệm ban đầu là âm tính và nếu xét về tình huống, khả năng – chúng tôi an toàn hơn ngoài kia nhiều. Hàng ngày được cơm nước bê tận nơi, sát khuẩn thường xuyên, chả phải bận tâm đến chuyện xếp hàng mua thực phẩm hay lo sợ về nhiễm bệnh khi ra ngoài. Nếu lỡ có nhiễm thì mình cũng được phát hiện và cứu chữa đầu tiên.

Rất mong sự ủng hộ của những người ở ngoài nhìn nhận tích cực với những người như chúng tôi, để mọi người cởi mở hơn, đừng bỏ trốn cũng đừng lo sợ vì đi cách ly không như chúng ta nghĩ đâu.

Hiện tại, theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, Sở đang giám sát 6.550 người có tiền sử đi từ hoặc đi qua vùng dịch, hiện tại còn 1.795 người phải cách ly theo dõi sức khỏe, 4.755 trường hợp hết thời gian cách ly. Ngoài ra, 756 người tiếp xúc gần với các ca dương tính cũng được lập danh sách theo dõi chặt.

Quỳnh Quỳnh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều