+
Aa
-
like
comment

Địa phương được chọn sách giáo khoa: Ngăn lựa chọn cảm tính, “thân quen”

27/11/2019 13:59

Sau khi bộ GD&ĐT công bố 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều băn khoăn đặt ra với việc địa phương được giao quyền lựa chọn sách, liệu có xuất hiện những tiêu cực?

Công khai, minh bạch, tránh quan hệ “thân quen”

Trước những lo ngại sẽ xuất hiện tiêu cực khi giao địa phương chọn sách giáo khoa, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Những tiêu cực chỉ có thể xảy ra khi có những mối quan hệ “thân quen” dẫn đến lựa chọn bộ sách “thân quen” mà thôi”.

Ông Dong phân tích: “UBND tỉnh sẽ thành lập hội đồng với sự tham vấn của sở GD&ĐT, vậy, chỉ cần công khai nội dung, quyết định. Đối với từng bộ sách, các thành viên hội đồng phải phân tích rõ ràng về điểm mạnh, điểm yếu, từ đó có sự so sánh được nội dung hay hoặc không hay. Sau đó, mới có sự lựa chọn một cách thuyết phục.

Nếu hội đồng đưa ra những ý kiến, quan điểm, tham vấn phải chọn bộ sách nào, phải đưa ra lý do cụ thể, không thể chỉ “gợi ý” chọn mà không công khai các căn cứ rõ ràng”.

Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: “Không chỉ “lật bài ngửa” trong các cuộc họp hội đồng, mà hội đồng sau khi thông qua quyết định thì cần công khai những yếu tố đáng chú ý để đánh giá từng bộ sách, từ đó, sẽ lựa chọn được bộ sách phù hợp nhất, hiệu quả nhất đối với từng địa phương.

Giáo dục - Địa phương được chọn sách giáo khoa: Ngăn lựa chọn cảm tính, 'thân quen'
GS. TS Phạm Tất Dong cho rằng, những tiêu cực chỉ có thể xảy ra khi có những mối quan hệ “thân quen” dẫn đến lựa chọn bộ sách “thân quen” .

Muốn cho các bộ sách được lựa chọn thật thuyết phục, thì địa phương cũng cần lựa chọn thành viên hội đồng cẩn thận, đảm bảo các thành phần theo hướng dẫn của Bộ.

Bên cạnh đó, bộ GD&ĐT phải đưa ra những hướng dẫn đến địa phương thật tỉ mỉ, cụ thể, địa phương nào làm không đúng, không công khai, minh bạch sẽ phải chịu trách nhiệm”.

“Sau khi công bố những bộ sách giáo khoa mới và giao quyền lựa chọn cho địa phương, bản thân tôi còn lo, có địa phương nào làm việc “nửa vời”, đang chọn bộ này, giảng dạy trong thực tiễn thấy không hay lại đòi chuyển qua bộ khác thì học sinh chỉ có nước “khóc dở, mếu dở” thôi”, GS.TS Phạm Tất Dong bày tỏ.

Chất lượng không “gói gọn” ở nhà xuất bản, đừng cảm tính!

Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông cho rằng: “Nói là UBND tỉnh quyết định lựa chọn sách giáo khoa, nhưng thực tế, cũng cần thành lập hội đồng chuyên môn để đưa ra những ý kiến đóng góp, trao đổi trước khi quyết định lựa chọn sách giáo khoa cho từng môn học. Theo tôi đánh giá, đây cũng là một bước ngoặt, bởi, lần đầu tiên có nhiều sách giáo khoa để lựa chọn, giao quyền lựa chọn cho địa phương.

Nếu đã được Nhà nước giao quyền lựa chọn mà địa phương lại lựa chọn theo “cảm tính”, thì chỉ thiệt cho học sinh tại và thiệt cho giáo dục tại địa phương mình. Tại sao cứ phải theo một nhà xuất bản nào đó, không nhất thiết phải như vậy, mà điều quan trọng nhất là chất lượng sách!”.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, tất cả các bộ sách đều đã được hội đồng thẩm định thông qua, tức là về nguyên tắc đều đã phù hợp với chương trình.

“Nhưng cũng giống như một món ăn, mặc dù đã được chứng nhận an toàn thực phẩm, có công thức nấu cơ bản, nhưng mỗi nơi sẽ có hương vị riêng.

Sách giáo khoa cũng như vậy! Chất lượng sách không nằm ở nhà xuất bản, mà nằm ở tác giả biên soạn. Một trong những yếu tố đảm bảo chất lượng là tác giả, cần có sự am hiểu về giáo dục phổ thông, có kinh nghiệm xây dựng chương trình, kinh nghiệm biên soạn thì mới thực hiện được, ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục lại cho rằng: “Theo tôi, nếu trong hội đồng, tỷ lệ giáo viên đảm bảo 2/3 thành viên, thì có thể kết quả lựa chọn sẽ hoàn toàn công bằng.

Giáo dục - Địa phương được chọn sách giáo khoa: Ngăn lựa chọn cảm tính, 'thân quen' (Hình 2).
Những cuốn sách giáo khoa mới của nhà xuất bản Giáo dục liệu có được “ưu ái”?

Bên cạnh đó, cũng chưa chắc bộ sách giáo khoa của nhà xuất bản đại học Sư phạm và nhà xuất bản đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh đã thiếu sức cạnh tranh hơn 4 bộ sách của nhà xuất bản Giáo dục, đặc biệt, với những cuốn sách của nhà xuất bản địa học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh có thể còn phù hợp hơn cho những địa phương ở miền Nam”.

Đối với những lo ngại về việc, các địa phương thường hướng đến những bộ sách của nhà xuất bản Giáo dục, thuộc bộ GD&ĐT để “bật chế độ an toàn” trước các kỳ thi chung của cả nước, TS.Vũ Thu Hương khẳng định, bất kể bộ sách của nhà xuất bản nào, cũng cần bám sát khung chương trình đã được xây dựng trước, đảm bảo yêu cầu cần đạt. “Vì vậy, không có bộ sách nào nhận được sự ưu ái hơn, các địa phương không cần thiết phải lựa chọn theo uy tín của nhà xuất bản”, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Bài mới
Đọc nhiều