+
Aa
-
like
comment

Dhaka Tribune: Tại sao Việt Nam làm được, còn Bangladesh thì không?

Bảo Trâm - 12/05/2021 08:04

Trang Dhaka Tribune của Bangladesh vừa có bài viết với tiêu đề “What did Vietnam do that we could not?” (Việt Nam đã thực hiện được những gì mà chúng ta không thể?), để nói về thành công vượt bậc của Việt Nam so với Bangladesh trong khi cả 2 quốc gia có cùng xuất phát điểm giống nhau.

Sau đây, Cánh Cò xin được lược dịch bài viết của chuyên gia kinh tế Bangladesh Syed Akhtar Mahmood, đăng tải trên Dhaka Tribune như sau: 

Khi chúng tôi tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế của mình và làm cho lĩnh vực sản xuất của Bangladesh trở nên cạnh tranh trên toàn cầu, chúng tôi sẽ nghiên cứu những gì Việt Nam đã làm, đã thành công và rút kinh nghiệm.

Trước đó, tôi đã thảo luận về sự khác nhau của việc xuất khẩu hàng điện tử từ Bangladesh và Việt Nam. Tôi đã sử dụng thiết bị điện tử như một ví dụ về một sản phẩm phức tạp, tinh vi nhưng có thể kể một câu chuyện tương tự bằng cách sử dụng các sản phẩm khác.

Tập đoàn Samsung tại Việt Nam

Năm 1995, tổng thu nhập xuất khẩu từ điện tử của Bangladesh tương đương với Việt Nam, cả về giá trị xuất khẩu (khoảng 30 triệu USD) và tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu (dưới 1%). Nhưng đến thời điểm hiện tại, gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu đến từ điện tử; ngược lại tại Bangladesh, tỷ trọng tương ứng vẫn ở mức dưới 1%. Vậy điều gì đã khiến Việt Nam thành công, còn Bangladesh vẫn cứ dậm chân tại chỗ?

Theo lí thuyết, phát triển ngành công nghiệp điện tử cạnh tranh toàn cầu cần ít nhất bốn điều:

– Đầu tiên là các kỹ năng. Thực tế là 10% phần mềm của Samsung trên quy mô toàn cầu được phát triển bởi các kỹ sư công nghệ thông tin Việt Nam, đây là một minh chứng cho các kỹ năng kỹ thuật sẵn có ở Việt Nam. Trung tâm R&D lớn nhất của Samsung ở Đông Nam Á đặt tại Hà Nội và sử dụng hơn 1.500 công nhân Việt Nam có tay nghề cao. Tuy nhiên, người Việt Nam luôn cảm thấy rằng họ đang thiếu kỹ năng và đang chú ý giải quyết vấn đề này.

Rõ ràng, việc đào tạo về lý thuyết giỏi không phải là vấn đề quan trọng duy nhất, mà nó còn phụ thuộc vào nhận thức và kỹ năng mềm cần thiết để một nhân viên có thể tận dụng tốt nhất chương trình đào tạo tại chỗ do các công ty cung cấp. Các công ty không mong đợi nhân viên có tất cả các kỹ năng cần thiết nhưng họ đánh giá cao khả năng đào tạo.

– Yếu tố quan trọng thứ hai là một chế độ thương mại quốc tế sôi động và cởi mở. Sản xuất các sản phẩm điện tử đòi hỏi hàng chục, thường là hàng trăm, các thành phần khác nhau. Một quốc gia có cơ chế thương mại mở và mạng lưới thương mại rộng lớn có thể tiếp cận các nguồn linh kiện đa dạng và hưởng lợi từ việc nhập khẩu hàng hóa trung gian rẻ hơn, do đó nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Việt Nam là quốc gia đã làm được điều đó vô cùng tốt.

Trong những năm qua, Việt Nam đã thành công ký kết hàng loạt hiệp định thương mại toàn cầu và khu vực như Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do Đông Nam Á (ASEAN) (AFTA) năm 1996, Hiệp định Thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam (US-BTA) trong 2000, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006, và Hiệp định Đối tác Toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP-TPP) vào năm 2017… Việt Nam cũng đã ký các Hiệp định Thương mại Tự do song phương với một số quốc gia trong hai thập kỷ qua và thêm nhiều hiệp định nữa vẫn đang trong quá trình đàm phán . Điều này hoàn toàn trái ngược với Bangladesh, nơi mà chế độ thương mại vẫn bị hạn chế.

Biểu đồ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang ký kết

– Yếu tố thứ ba là vai trò xúc tác của đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài mang đến kỹ thuật, thương hiệu và cả khả năng tiếp cận các thị trường cần thiết để xuất khẩu hàng điện tử. Biểu đồ dưới đây cho thấy Bangladesh đã thua xa Việt Nam thế nào.

Cho đến cuối những năm 1980, Bangladesh và Việt Nam dường như có cùng xuất phát điểm, với dòng vốn FDI ở cả hai nước đều chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong GDP. Kể từ đó, tình hình đã được cải thiện đối với Bangladesh, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ: dòng vốn FDI vẫn ở mức dưới 2% GDP.

Trong khi đó, khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đặc biệt chú trọng đến việc thu hút vốn FDI. Kể từ đầu những năm 1990, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI hàng năm vào nước này đạt trung bình 6% GDP.

Tại Việt Nam, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó tỷ trọng xuất khẩu điện tử ở mức vô cùng cao.

Diễn biến xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại của Việt Nam từ tháng 01/2020 đến tháng 01/2021

Một trong những công ty có vốn đầu tư nước ngoài lớn trong lĩnh vực điện tử của Việt Nam là Samsung. Công ty Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1996 để sản xuất TV màu cho thị trường trong nước. Sự hiện diện của Samsung đã được mở rộng đáng kể từ năm 2009 sau khi đầu tư 670 triệu USD vào một nhà máy sản xuất điện thoại di động hướng đến xuất khẩu ở tỉnh Bắc Ninh.

Tính đến cuối năm 2017, Samsung đã đầu tư 14 tỷ USD và tạo ra việc làm cho hơn 100.000 người Việt Nam. 30% sản lượng điện thoại di động toàn cầu của Samsung đến từ Việt Nam và chỉ riêng công ty đã chiếm gần 25% tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Vì Samsung, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới. Trong khi đó, Intel đã mở cơ sở lắp ráp và kiểm tra chất bán dẫn trị giá 1 tỷ USD tại TP.HCM, đưa Việt Nam vững chắc trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Câu chuyện về sự hiện diện của Samsung tại Việt Nam là một câu chuyện đặc biệt nghiêm trọng đối với Bangadesh, đây cũng là câu chuyện cho thấy Bangladesh thất bại thế nào so với Việt Nam. Khoảng một thập kỷ trước, Samsung đã muốn đầu tư vào Bangladesh. Tuy nhiên, Bangledesh đã bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng, vì Bangladesh không đủ sức chứa cho một hệ thống nhà máy, sản xuất của Samsung. Việc thất bại này cũng chỉ ra được yếu tố quan trọng thứ tư trong sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử, đó là sự sẵn có của những vùng đất rộng lớn.

Như đã đề cập ở trên, các công ty điện tử cần rất nhiều linh kiện không phải sản xuất trong nước mà có nguồn gốc từ bên ngoài, một số nhập khẩu và một số thông qua các nhà cung cấp trong nước. Lý tưởng nhất là các công ty muốn các nhà cung cấp như vậy ở gần vì lý do đảm bảo chất lượng và hậu cần. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành công nghiệp điện tử thường yêu cầu những khu đất rộng, đủ lớn để đáp ứng cả nhà máy của họ cũng như của các nhà cung cấp của họ. Việc không cung cấp quỹ đất rộng lớn như vậy là lý do quan trọng khiến Samsung rời bỏ Bangladesh, đến với Việt Nam, một nơi hội đủ những yếu tố “cần và đủ” cho Samsung.

Giờ đây, trải qua cả thập kỷ, Bangladesh tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế của mình và làm cho lĩnh vực sản xuất trở nên có sức cạnh tranh trên toàn cầu, Bangladesh sẽ phải nghiên cứu những gì Việt Nam đã làm và học hỏi từ điều đó.

Một lần nữa có sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Bangladesh. Nhưng lần này, Bangladesh cần nhanh nhẹn để chớp lấy cơ hội. Nếu làm được như vậy, Bangladesh có thể kể câu chuyện Việt Nam của chính mình. Nếu không, tất cả những gì chúng ta có thể kể với cháu của mình sẽ là những câu chuyện nhiều hơn về những người Samsung, những người đã bỏ chúng ta đến những đồng cỏ xanh tươi hơn.

Bảo Trâm (Theo Dhaka Tribune)

Bài mới
Đọc nhiều