+
Aa
-
like
comment

Đẹp mà không đẹp!

28/08/2019 10:36

“Đẹp mà không đẹp” – đó là nhan đề một bài học trong sách giáo khoa tiếng Việt tiểu học. Bài học về chuyện một em bé vẽ một con ngựa bằng than đen lên bức tường mới. Con ngựa đẹp làm mất vẻ đẹp của bức tường.

Đẹp mà không đẹp! - Ảnh 1.
Các cuộc họp ở Trung tâm hành chính Đà Nẵng không còn sử dụng chai nhựa dùng một lần để giảm rác thải nhựa ra môi trường

1. Câu chuyện nhỏ, ngắn, giản dị dành cho trẻ, nhưng sâu sắc, còn nguyên giá trị thời sự với người lớn hôm nay.

Câu chuyện thả hoa đăng mùa Vu lan đang xôn xao cộng đồng. Hoa đăng đẹp lung linh, ý nghĩa cũng thiêng liêng nhưng sau đó là rác, tổn hại các dòng sông, là tác hại lâu dài về chuyện tắc nghẽn dòng chảy, là kinh phí cho việc vớt rác, nạo vét sông rạch.

Thả hoa đăng đồng nghĩa việc thả rác xuống sông không phải là chuyện mới. Người ta vẫn thả hoa đăng – rác nhựa xuống sông rạch các đêm rằm, nhất là rằm Trung thu. Từng ngày từng giờ, đâu đó trong xã hội chúng ta đang sống vẫn xuất hiện những hình ảnh “đẹp mà không đẹp” như thế.

Tại sao cứ nhất thiết phải là hoa đăng bằng nhựa? Để tạo ấn tượng cho hoạt động của mình, nhiều người đã hồn nhiên quên mất tác hại của rác thải nhựa, quên mất rằng cho dù sau đó hoa đăng có được thu gom đi nữa, đó cũng là sự vô tâm với môi trường và vô nghĩa khi phải tốn thời gian thả rồi lại tốn nhân lực vớt những thứ mình vừa bày bừa.

Câu chuyện khiến chúng ta liên tưởng đến một tình trạng khác, đó là việc bắt chim vào lồng, bắt cá vào chậu rồi tổ chức phóng sinh vì nguyện cầu điều thiện lành.

Đẹp mà không đẹp! - Ảnh 2.
Câu chuyện thả hoa đăng mùa Vu lan trên vịnh Cát Bà đang xôn xao cộng đồng

2. Một câu chuyện tương tự khác là chuyện liên quan đến những bao sách nhựa mùa tựu trường. Đã có biết bao hoạt động tuyên truyền giảm rác nhựa trong nhà trường, để chúng ta có thể hi vọng một thế hệ mai này sẽ giảm dùng đồ nhựa.

Nhưng rồi thầy và trò vẫn đang vô tư với việc bọc sách vở bằng bao nilông. Một kiểu hành động không đi đôi với lời nói, học không đi đôi với hành.

Công sở vẫn thản nhiên thoải mái dùng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần đối với các loại văn phòng phẩm, đồ dùng học tập…

Trẻ học được gì từ câu chuyện bìa bao nilông những ngày tựu trường, người lớn sẽ trả lời như thế nào khi trẻ hỏi về điều này? Những việc làm nhỏ nhất chưa được lưu tâm điều chỉnh thì rất khó để thay đổi nhận thức hay thực hiện những việc lớn hơn.

Người lớn hãy thực sự đồng hành cùng con trẻ, làm gương cho con trẻ từ những chuyện nhỏ mỗi ngày, đối với việc sử dụng nhựa một lần. Lời nói và hành động bất nhất thì thật khó nói chuyện với trẻ lắm thay!

TRẦN XUÂN TIẾN/Tuổi Trẻ

Bài mới
Đọc nhiều