Theo quy định hiện hành thì 28 ngày kể từ khi bệnh nhân gây lây nhiễm trong cộng đồng được cách ly, không còn khả năng làm lây lan sẽ có thể công bố hết dịch. Tính đến nay đã là 23 ngày.
Sáng 1/5, Bộ Y tế cho biết đã sang ngày thứ 15 không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Việt Nam cũng vừa đại diện cho Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tây Thái Bình Dương có bài trình bày kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh COVID-19, lý giải nguyên nhân vì sao trong vòng 14 ngày qua Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới.
Việt Nam qua 15 ngày không ghi nhận bệnh nhân mới trong cộng đồng
Sáng nay 1-5, Bộ Y tế thông báo đã qua 15 ngày không ghi nhận thêm bệnh nhân COVID-19 mới, tổng số bệnh nhân cả nước đang dừng ở 270 người, 219 người đã khỏi bệnh, 51 người đang được điều trị.
Với tình hình này, câu hỏi đặt ra là khi nào có thể công bố hết dịch tại Việt Nam? Theo quy định hiện hành thì 28 ngày kể từ khi bệnh nhân gây lây nhiễm trong cộng đồng được cách ly, không còn khả năng làm lây lan sẽ có thể công bố hết dịch.
Bệnh nhân lây trong cộng đồng cuối cùng ở Việt Nam là bệnh nhân 268, ở Hà Giang và đã được công bố khỏi bệnh ngày 30-4.
Bệnh nhân 268 sốt, ho từ ngày 7-4 và được cách ly tại Bệnh viện đa khoa Đồng Văn. Tính đến nay đã là 23 ngày. Chiếu theo quy định hiện hành, đã sắp có thể công bố hết dịch tại Việt Nam.
Lý giải 14 ngày Việt Nam không có ca nhiễm mới trong cộng đồng
Trong cuộc họp cấp Bộ trưởng WHO toàn cầu hàng tuần lần này, Việt Nam đại diện cho Văn phòng WHO Tây Thái Bình Dương có bài trình bày kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh COVID-19, lý giải nguyên nhân vì sao trong vòng 14 ngày qua Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Được sự ủy quyền của GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng đã đại diện cho Bộ Y tế Việt Nam có bài trình bày về kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bài trình bày của Việt Nam đã thông báo cho các quốc gia trên thế giới tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, các chiến lược Việt Nam đã thực hiện (kiểm soát chặt chẽ toàn bộ hành khách từ nước ngoài trở về, tăng cường giám sát trong cộng đồng, truyền thông nguy cơ tới cộng đồng, điều trị tích cực cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19).
Việt Nam cũng đã chia sẻ các bài học trong ứng phó dịch COVID-19, lý giải nguyên nhân vi sao trong vòng 14 ngày qua Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nào mới. 3/4 số ca mắc đã khỏi bệnh (222 ca hồi phục/tổng số 270 ca mắc). Đó là do sự lãnh đạo mạnh mẽ của Chính phủ, hệ thống kiểm soát các bệnh truyền nhiễm hiệu quả giúp cảnh báo sớm và hành động kịp thời; truy tìm dấu vết người bệnh; truyền thông hiệu quả; giãn cách xã hội và phong tỏa các điểm nóng về COVID-19.
Trong thời gian tới, các ưu tiên của Việt Nam tập trung vào tăng cường giám sát COVID-19 thông qua việc tối ưu hóa các nền tảng giám sát đã có; kiểm tra- truy tìm người tiếp xúc gần – điều trị; tiếp tục chuẩn bị cho kịch bản lây nhiễm rộng hơn trong cộng đồng; tăng cường năng lực về truyền thông nguy cơ tại tất cả các cấp độ để phòng ngừa và ứng phó với COVID-19.
Tính đến 6h ngày 1-5, thế giới có 3.301.145 ca mắc COVID-19. Tổng số ca tử vong do căn bệnh này trên toàn cầu là 233.713, tổng số ca hồi phục là 1.037.936.
Anh tuyên bố đã vượt qua đỉnh dịch
Ngày 30/4, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố nước này hiện đã vượt qua đỉnh điểm của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời cam kết trong tuần tới sẽ đưa ra một lộ trình dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc.
Mặc dù vậy, Anh vẫn ghi nhận thêm 674 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua. Nước này hiện có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ 3 thế giới với gần 27.000 người, chỉ sau Mỹ và Italy.
Tình hình New York đang ổn
Liên quan đến diễn biến dịch bệnh ở New York, tàu bệnh viện hải quân Comfort rời cảng New York ngày 30-4 sau một tháng tới chi viện chống dịch COVID-19 trong trường hợp các bệnh viện quá tải.
Theo hãng tin Reuters, trong thời gian qua, số ca bệnh mà tàu này cần chữa trị quá ít, chưa bao giờ gần với năng lực điều trị của tàu cho dù New York là tâm dịch của Mỹ.
Con tàu bệnh viện có 1.000 giường bệnh này sẽ trở về Norfolk, bang Virginia. Việc nó rời đi cho thấy các biện pháp giãn cách xã hội ở New York phát huy tác dụng và tình hình ở New York đang cải thiện.
Để chuẩn bị cho việc bay lại đường bay nội địa ở Mỹ, theo hãng tin Reuters, 2 hãng hàng không lớn nhất của Mỹ là Delta Air Lines và American Airlines và hãng nhỏ Frontier Airlines thông báo các khách hàng phải đeo khẩu trang trên các chuyến bay nội địa. Trước đó, JetBlue Airways cũng đề ra biện pháp này.
Việc đeo khẩu trang hay các dụng cụ che mặt khác không áp dụng với trẻ em nhưng áp dụng đối với cả phi hành đoàn lẫn hành khách.
Cập nhật đến 6h ngày 1-5 (giờ Việt Nam), theo trang Worldometers, Mỹ có 1.093.077 ca nhiễm COVID-19 và 63.785 ca tử vong.
Căng thẳng Mỹ – Trung liên quan đến nguồn gốc của virus vẫn chưa hạ nhiệt khi tổng thống Donald Trump lại khẳng định rằng ông thấy những bằng chứng khiến ông rất tin tưởng là virus đến từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Hãng tin Reuters dẫn lời vị lãnh đạo Nhà Trắng nói kiểu lấp lửng: “Tôi không thể nói chi tiết vì tôi không được phép nhưng tôi có thấy bằng chứng”.
Nhật chưa quyết định gia hạn lệnh khẩn cấp
Theo đài truyền hình NHK, Nhật Bản sẽ chính thức quyết định về việc gia hạn hay không lệnh khẩn cấp liên quan đến virus corona sớm nhất là vào ngày thứ Hai, 4-5.
Lệnh khẩn cấp ở quốc gia Đông Á này sẽ hết hiệu lực vào ngày 6-5. Theo nguồn tin của Reuters, nhiều khả năng lệnh này sẽ được gia hạn.
Hong Kong lo tụ tập đông người vào Lễ lao động
Nhiều sự kiện nhảy flashmob dự kiến sẽ được tổ chức trong ngày Quốc tế Lao động 1-5, bất chấp các lệnh hạn chế tụ tập phòng tránh dịch ở Hong Kong.
Theo hãng tin Reuters, suốt 7 tháng trong năm 2019, ở Hong Kong đã xảy ra các cuộc biểu tình bắt nguồn từ việc phản đối một dự luật dẫn độ sang Trung Quốc.
Virus corona làm tình hình tạm lắng dịu trong 4 tháng nhưng các cuộc biểu tình nhỏ lẻ đã diễn ra từ tuần trước. Người biểu tình hi vọng ngày hôm nay 1-5 sẽ là một cuộc tụ tập lớn.
Thành Nhân