Đến bao giờ lãi suất cho vay mới “chịu” hạ nhiệt?

Trước tình trạng lãi suất nơi giảm nơi không, băn khoăn của không ít người dân là khi nào lãi suất mới chịu hạ nhiệt? Nguyên nhân nào đã khiến lãi suất cứ mãi neo cao như hiện nay.

Lãi suất cho vay tăng cao như hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân như kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, giữ giá đồng nội tệ để giữ chân nhà đầu tư ngoại, … Tuy nhiên, trong khi các yếu tố bất lợi về vĩ mô đang dần qua đi thì vẫn còn đó một rủi ro khác mà các buộc các Ngân hàng thương mại (NHTM) e dè khi hạ lãi suất. Đó chính là rủi ro thanh khoản khi áp lực nợ xấu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đến gần. Đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.

Hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn về tín dụng, dòng tiền,… Nguyên nhân đến từ việc lãi suất tăng cao phục vụ mục tiêu ổn định tỷ giá vào đầu năm 2022. Điều đó đã gián tiếp khiến nhu cầu vay mua nhà đất rơi vào trầm lắng. Thiếu khách hàng dẫn tới mất nguồn thu, nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp áp lực lớn đối với các khoản nợ từ trái phiếu do họ phát hành.

Cụ thể, trước đó có rất nhiều tập đoàn bất động sản và đa ngành nôn nóng đẩy tốc độ tăng trưởng, phát hành trái phiếu ồ ạt khiến tổng tài sản phi mã, gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, tỷ trọng nợ trong tổng tài sản rất cao và đặc biệt là nợ ngắn hạn. Nên khi thị trường rơi vào trầm lắng, đã có không ít tập đoàn tư nhân hoàn toàn đứt thanh khoản. Diễn biến này không chỉ với ngành nhà đất mà còn lan đến các doanh nghiệp xuất khẩu, do chịu ảnh hưởng bởi suy thoái toàn cầu. Thống kê cho thấy từ đầu năm đến nay, hàng loạt doanh nghiệp đã xin “khất” thanh toán lãi, gốc trái phiếu và tình trạng này dự báo tiếp tục gia tăng khi năm 2023 – 2024 là thời kỳ đỉnh nợ của thị trường trái phiếu.

Đáng nói, là phần lớn các doanh nghiệp trên đều có các khoản vay ngắn/dài hạn ở ngân hàng. Nếu các doanh nghiệp này mất khả năng trả nợ sẽ dẫn tới nợ xấu tại các NHTM tăng cao. Không chỉ thiệt hại cho các nhà đầu tư trái phiếu mà ngân hàng cũng gặp bất lợi.

Đặc biệt riêng với ngành bất động sản, vốn có liên thông với 40 ngành kinh tế quan trọng khác, như sản xuất nguyên vật liệu xây dựng, vận tải, … thì tình trạng trầm lắng vừa qua cũng đã khiến các nhóm ngành phụ thuộc thất thu nghiêm trọng. Do đó, nhóm ngành này sẽ tiếp tục gây áp lực lên các khoản nợ xấu cho NHTM. Thế nên để trích lập dự phòng cho một loạt rủi ro hiển hiện ngay trước mắt, các NHTM buộc phải chạy đua lãi suất huy động, từ đó mới đảm bảo thanh khoản cho ngành. Ngoài ra các NHTM cũng phải thắt chặt khoản vay, với các điều kiện ngặt nghèo nhằm tránh tăng thêm nợ xấu và chi phí vận hành cho chính các ngân hàng. Bên cạnh đó việc giữ lãi suất ở mức cao còn là để lọc ra những người vay có khả năng trả nợ, để tiền lãi có thể bù đắp vào thanh khoản cho ngân hàng.

Có thể thấy rằng, để lãi suất cho vay hạ nhiệt hiện nay là rất khó. Trong bối cảnh khó khăn chung, các ngân hàng cũng ngại cho vay vì các khoản vay rất dễ trở thành nợ xấu do doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng. Thế nên, lãi suất chỉ có thể thực sự hạ nhiệt khi áp lực về nợ của các nhóm ngành vơi bớt, áp lực lên thanh khoản giảm dần cũng như kinh tế toàn cầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Nội dung: Huy Hoàng

Đồ họa: M.N

Từ khóa: