+
Aa
-
like
comment

Đến 2035, hoàn thành chuyển hết sang chạy ô tô điện: Đổi thay 100 năm có 1

30/12/2021 21:46

Ngành công nghiệp ô tô điện Việt Nam đã ra đời. Nhiều DN mong muốn tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất ô tô điện, bởi nhận thấy đây là cơ hội lớn để phát triển, mở rộng sản xuất.

Chuyển sang xe thuần điện

Mẫu xe điện VF e34 vừa được VinFast bàn giao cho các khách hàng tại thị trường Việt Nam. Nằm trong phân khúc SUV hạng C, xe được trang bị động cơ điện công suất 110 kW (147 mã lực), tương đương động cơ xăng 2.0L. Sử dụng gói pin có dung lượng 42 kWh, khi sạc đầy đi được khoảng 285km. Xe được hỗ trợ sạc siêu nhanh, 18 phút nạp pin di chuyển được khoảng 180 km.

VinFast cho biết, hiện có hơn 25.000 khách hàng đã đạt mua mẫu xe này và từ đầu năm 2022 trở đi, mỗi tháng sẽ giao cho các cho đại lý khoảng 2.000 xe. Công bố phát triển ô tô điện vào tháng 3/2021, đến cuối tháng 12/2021, mẫu xe đầu tiên Việt Nam đã lăn bánh trên đường.

Đến 2035, chuyển hết sang chạy ô tô điện: Đổi thay 100 năm có 1
Xu hướng chuyển sang ô tô điện là tất yếu và đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu

Cũng trong tháng 12/2021, Tập đoàn Vingroup đã chính thức khởi công Nhà máy sản xuất Pin VinES tại khu kinh tế Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh), với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.000 tỷ đồng, để tự chủ sản xuất pin cung cấp cho ô tô điện. Nhà máy có công suất 100.000 pack pin/năm và dư kiến lên tới 1 triệu Pack pin/năm.

Dưới con mắt giới chuyên môn, đây là những bước đi quan trọng cho phát triển ô tô điện trên thực tế. Xu hướng chuyển sang ô tô điện là tất yếu và đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Với những yếu tố khách quan thuận lợi, Việt Nam có thể trở thành “đại bản doanh” ô tô điện trong tương lai.

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), đã gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất về chiến lược phát triển ngành xe nhiên liệu sạch. Theo ý kiến từ các DN thành viên trong hiệp hội, sản xuất lắp ráp ô tô điện sẽ giúp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và thu hút các nhà đầu tư sản xuất pin. Điều này mang lại nhiều lợi ích: Trước hết là phát triển ngành công nghiệp ô tô nhiên liệu sạch, phù hợp với xu hướng toàn cầu; tiếp theo là tạo ra phương tiện giao thông sạch, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và hơn nữa là hướng tới xuất khẩu.

Các DN cơ khí thuộc VAMI, có mong muốn tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất ô tô điện tại Việt Nam bởi nhận thấy đây là cơ hội rất tiềm năng để phát triển, mở rộng sản xuất.

Từ đó, VAMI đã đề xuất Chính phủ, xây dựng mục tiêu đến năm 2035, tất cả xe con đăng ký mới là xe nhiên liệu sạch, tương tự như lộ trình của Thái Lan trong khu vực và cũng từ năm 2035 ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chỉ sản xuất xe điện thuần túy.

Ưu đãi ô tô điện

Trong năm 2021, đã có một loạt các đề xuất xây dựng chính sách phát triển công nghiệp ô tô điện và phổ biến ô tô điện tại Việt Nam.

Vingroup đề xuất Chính phủ thí điểm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm với ô tô điện. Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng kiến nghị Chính phủ, giai đoạn từ 2021-2030 cần ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho xe điện; hỗ trợ cho khách hàng mua xe điện và hỗ trợ DN sản xuất xe điện. VAMI đề xuất Việt Nam có cơ chế ưu đãi đặc biệt tương đương như Thái Lan và các nước trong khu vực, để thúc đẩy phát triển xe điện.

Đến 2035, chuyển hết sang chạy ô tô điện: Đổi thay 100 năm có 1
 Hơn 25.000 khách hàng đã đạt mua mẫu xe VF e34

Bộ Tài chính sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan đã đề xuất Chính phủ miễn lệ phí trước bạ cho ô tô điện trong 3 năm và giảm 50% trong hai năm tới. Chính phủ vừa trình Quốc hội đề nghị giảm thuế suất tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện trong 5 năm đầu, mức giảm từ 5-12 điểm % so với hiện tại là 15%.

Trong khu vực, Thái Lan đã công bố đề án trở thành trung tâm sản xuất ô tô điện và xe máy điện của ASEAN; dự kiến sẽ đạt 750.000 xe/năm vào năm 2030. Còn Indonesia đang trên đường trở thành trung tâm sản xuất xe điện của khu vực và có tham vọng vượt qua Thái Lan về quy mô. Nhờ chính sách hấp dẫn, các hãng xe đang xếp hàng để đầu tư vào Indonesia.

Về cơ bản, có 3 nhóm chính sách mà các quốc gia đang áp dụng để phát triển xe điện, đó là ưu đãi cho nhà sản xuất; trợ cấp người mua xe; hỗ trợ phát triển hạ tầng xe điện và các thủ tục hành chính ưu tiên xe điện.

“Việt Nam không nên chậm hơn nữa trong cuộc chơi xe điện”, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng nêu quan điểm. Nhiều nước đã có lộ trình, chính sách phát triển xe điện rất bài bản và luôn cập nhật chính sách với thực tế phát triển.

Tại Trung Quốc, các DN sản xuất xe điện được hỗ trợ mạng lưới điện từ Nhà nước, trợ cấp vốn 30% để xây dựng trạm sạc, trợ cấp gần 8.000 USD cho mỗi xe sản xuất. Người dân nước này khi mua xe điện được hỗ trợ 17.000 USD, giảm 50-100% phí đăng ký, sạc miễn phí… Còn Chính phủ Canada “tặng” người dân 7.000 CAD khi họ mua xe điện.

Theo ông, Nhà nước phải là người cầm trịch, chủ động không để các DN phải đi xin cơ chế. Ngoài giảm thuế phí, cũng cần hỗ trợ phát triển hạ tầng xe điện là các trạm sạc và hỗ trợ người dân mua xe điện lần đầu, ông Đồng nói.

Theo các DN, giá xe điện đang cao hơn khoảng 45% so với xe sử dụng xăng dầu do chi phí sản xuất pin rất cao. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, pin ngày càng tốt và rẻ hơn. Dự báo tới 2030, giá xe điện giảm, chỉ cao hơn xe chạy xăng, dầu khoảng 10%. Nếu có các chính sách ưu đãi tốt, xe điện sẽ phổ biến sau 2030. Chuyển đổi sang xe điện là sự thay đổi 100 năm mới có một lần.

Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết, các tiêu chuẩn về pin cho xe điện sẽ được xây dựng trong năm 2022. Đồng thời, đề xuất những chính sách về thuế, phí cho phù hợp, để có lộ trình chuyển sang xe thuần điện trong tương lai.

Ngọc Anh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều