DealStreetAsia: Việt Nam trở thành át chủ bài của giới đầu tư toàn cầu
Ngày 29/7, trang DealStreetAsia đã dựa trên cuộc khảo sát với 50 quỹ được tiến hành trong 3 tuần đầu tháng 7, từ đó DealStreetAsia nhận thấy Việt Nam là thị trường mà các nhà đầu tư tự tin đặt cược nhất, trở thành át chủ bài để phát triển thị phần trong nhiều năm tới.
Theo DealStreetAsia, Việt Nam đã quay lại khởi động các hoạt động của nền kinh tế nhanh hơn nhiều nước trên thế giới. Đây là yếu tố để khẳng định, Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi kinh tế nhanh hơn và có nhiều cơ hội để đón nhận luồn vốn đầu tư đang dịch chuyển hiện nay.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với tình hình kiểm soát dịch bệnh đang rất khả quan như hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ “nhắm” đến Việt Nam nhiều hơn và giảm bớt đầu tư ở Trung Quốc.
Theo thống kê, trong 67% doanh nghiệp có ý định dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, 42% muốn chuyển sang Việt Nam với kế hoạch đầu tư vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai như: y tế, trí tuệ nhân tạo, robot, big data, fintech…
Trong cuộc khảo sát mà DealStreetAsia đăng tải, Việt Nam là nước đứng đầu trong bảng xếp hạng niềm tin của các nhà đầu tư. Đứng sau Việt Nam là những thị trường tiêu dùng lớn nhất khu vực như Indonesia và Ấn Độ.
Khảo sát của DealStreetAsia cũng cho thấy các nhà đầu tư, quản lý quỹ đánh giá cao tiềm năng của châu Á trong năm 2020 và 2021. Trong danh mục đầu tư hiện tại, 2/3 các nhà đầu tư cho biết họ đã phân bổ thêm vốn. Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng các quỹ đầu tư tư nhân có xu hướng đầu tư mạnh hơn so với các quỹ đầu tư mạo hiểm trong cả năm nay và năm 2021.
Trong bối cảnh bất ổn kinh tế do đại dịch gây ra, các khoản đầu tư khởi nghiệp chỉ suy yếu một chút trong bối cảnh các nhà đầu tư tiếp tục mở rộng danh mục của mình. Điều này phù hợp với đánh giá của DealStreetAsia về các hoạt động gây quỹ của startup trong 2 quý đầu năm.
Trước đó, Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) đã công bố danh sách 30 doanh nghiệp nước này được Chính phủ hỗ trợ chi phí để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á như: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào. Một nửa danh sách này là các công ty đăng ký dịch chuyển sang Việt Nam, gồm doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Phần lớn số công ty được trợ cấp để sang Việt Nam thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế. Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp sản xuất liên quan đến chất bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hoà hay module điện… Trong danh sách này, Tập đoàn Hoya sản xuất linh kiện ổ cứng dự kiến di dời hoạt động sản xuất Trung Quốc sang Việt Nam và Lào…
Bên cạnh đó, có nhiều thông tin, các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam, như LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng.
Bảo Trâm (Lược dịch theo DealStreetAsia)