Đề xuất trang bị thêm súng ngắn, súng trường cho CSGT khi làm nhiệm vụ có nên hay không?
Bộ Công an đề xuất cảnh sát giao thông được trang bị súng trường, tiểu liên và súng bắn đạn cao su khi làm nhiệm vụ. Nếu không quản lý chặt chẽ thì rất có thể dẫn đến các trường hợp lạm dụng việc dùng vũ khí gây hậu quả đáng tiếc.
Trang bị súng tiểu liên cho CSGT nhằm giảm nguy hiểm khi làm nhiệm vụ
Thời gian qua, tình trạng tài xế cố tình không chấp hành hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông (CSGT) có chiều hướng gia tăng. Không chỉ lái xe bỏ chạy khi CSGT ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, mà các đối tượng còn cố tình điều khiển xe tông vào tổ công tác gây thương vong.
Đề xuất trang bị thêm súng ngắn, súng trường cho CSGT khi làm nhiệm vụ có nên hay không?
Tất cả những vụ việc trên cho thấy, CSGT làm nhiệm vụ hiện nay rất nguy hiểm, nếu không thận trọng sẽ bị thương tích, thậm chí đe doạ đến tính mạng bất cứ lúc nào. Nếu không có giải pháp quyết liệt thì tình trạng người tham gia giao thông chống đối, tấn công CSGT sẽ tiếp diễn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây bất bình trong quần chúng nhân dân.
Do đó, Bộ Công an đã đề xuất Dự thảo quy định quyền hạn, chức năng, hình thức, nội dung tuần tra kiểm soát trên đường của lực lượng cảnh sát giao thông để lấy ý kiến đóng góp.
Đáng chú ý, trong Dự thảo có đề xuất nội dung CSGT được trang bị thêm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, đã và đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận những ngày qua.
Theo đó, có ý kiến cho rằng việc trang bị súng trường và tiểu liên cho lực lượng CSGT có thể phần nào giúp giảm tình trạng này và có lẽ Bộ Công an cũng đã tiếp thu từ thực tiễn nên đã có đề xuất trên.
Theo Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng – Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, việc đề xuất trang bị thêm nhiều loại súng cho lực lượng chỉ là cụ thể hóa Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.
Nói về việc đề xuất trang bị thêm nhiều loại súng cho CSGT, Phòng CSGT – Công an TP. Hà Nội cho rằng, điều này sẽ làm tăng hiệu quả đảm bảo an ninh trật tự trong bối cảnh gia tăng tội phạm ma túy có sử dụng súng và các hành vi chống đối CSGT.
Đây không phải là lần đầu đề xuất trang bị thêm nhiều loại súng cho CSGT được đưa ra mà rước đó, vào tháng 8/2016, Cục CSGT cũng đề xuất với Quốc hội về việc sửa Pháp lệnh sử dụng súng nhằm tăng quyền cho lực lượng CSGT, giúp lực lượng này vững vàng, bản lĩnh hơn và có năng lực thực sự hơn khi xử lý những trường hợp nguy cấp.
Cần có quy định rõ để tránh việc sử dụng súng không đúng mục đích.
Việc giải quyết bài toán xử lý một số đối tượng có thái độ coi thường pháp luật quá mức cần phải được luật hóa cụ thể. Thực tế, tình huống xảy ra ở ngoài hiện trường thì quy định không thể bao quát được hết.
Măc dù bản thân mỗi CSGT trước khi làm nhiệm vụ ở các chốt cũng đã được huấn luyện rất kỹ về nghiệp vụ. Nhưng có thể vẫn có những sai sót khi thực hiện, không ai có thể hoàn thành tốt 100% trong cả quá trình công tác của mình.
Đối tượng tương tác khi làm việc của CSGT là người dân. Vì vậy, đừng vì một số trường hợp mà nới lỏng quy định đó, nó có thể vi phạm quyền lợi của người dân. Cần có quy định rất rõ ràng để tránh việc sử dụng súng không đúng mục đích.
Súng tiểu liên sẽ gây sát thương lớn, có thể gây tử vong cho đối tượng nghi ngờ phạm tội hoặc những người tham gia giao thông. Vậy nên, chúng ta cần phải có quy định rõ ràng để việc trang bị súng trường, tiểu liên và súng bắn đạn cao su khi làm nhiệm vụ cho CSGT đạt được hiệu quả, không gây ra các sự việc đáng tiếc.
Chúng ta hãy nhìn gần hơn một chút là môi trường, luật pháp của nước Nhật Bản mà học hỏi. Cảnh sát Nhật không được phép mang theo súng dự phòng như cảnh sát Mỹ. Nhiều khi họ mang theo đèn pin hoặc còng tay để trong bao súng ngụy trang làm khẩu thứ hai. Khi không làm nhiệm vụ, cảnh sát không được phép mang theo súng. Những nhân viên cảnh sát ngồi bàn giấy, cảnh sát giao thông, thám tử mặc thường phục không được mang súng.
Để ngăn chặn tình trạng chống đối, cản trở, tấn công CSGT, trước hết phải cải thiện hình ảnh của CSGT. Thế nên CSGT phải thực hiện công vụ theo đúng quy định của pháp luật, không được cản trở, gây phiền hà, tiêu cực…đối với người tham gia giao thông.
Khi thực hiện nhiệm vụ, không đặt nặng vấn đề xử phạt tài xế, phương tiện vi phạm mà tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục người vi phạm. Tích cực ra quân giúp đỡ đồng bào lũ lụt, tri ân người có công, ủng hộ, giúp đỡ người nghèo và tham gia các hoạt động vì cộng đồng khác.
Đặc biệt, khi hình ảnh của chiến sĩ CSGT đẹp trong lòng người dân thì sẽ được dân tin, dân yêu, dân ủng hộ, khi đó, công tác xử lý vi phạm an toàn giao thông mới đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, các vụ việc lái xe điều khiển phương tiện tông trực diện vào CSGT chứng tỏ đối tượng rất manh động, không phải đơn giản là vi phạm giao thông mà có thể đối tượng có sử dụng ma tuý khi điều khiển phương tiện hoặc đang vận chuyển ma tuý, hàng lậu, … sẽ không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, cố tình điều khiển phương tiện để tẩu thoát.
Do đó, để đấu tranh với loại tội phạm này, CSGT phải được trang bị các kỹ năng cần thiết để khống chế phương tiện, không chỉ đảm bảo an toàn cho CSGT mà còn phải đảm bảo an toàn cho người vi phạm; hạn chế tình trạng CSGT đứng giữa đường hoặc trực hiện với phương tiện để ra hiệu lệnh.
Ngoài ra, cần trao thêm quyền cho CSGT khi làm nhiệm vụ để chủ động xử lý những trường hợp người vi phạm quá khích, tấn công CSGT. Có thể cho phép CSGT được sử dụng các công cụ hỗ trợ như súng bắn điện, súng bắn đạn cao su hoặc roi điện…để trấn áp.
Đồng thời khi thực hiện nhiệm vụ, các đồng chí CSGT phải hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng khác như Cảnh sát 113, Công an khu vực, Công an xã, phường, thị trấn để xử lý người vi phạm khi có hành vi chống đối, gây rối và tấn công CSGT xảy ra.
Hồng Đinh