+
Aa
-
like
comment

Đề xuất TP.HCM ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho lái xe, tiểu thương và một số đối tượng khác

11/07/2021 18:51

TP.HCM cần bổ sung thêm một số đối tượng có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao vào danh sách các trường hợp được ưu tiên tiêm vắc xin như: lái xe, lực lượng tham gia cung ứng dịch vụ, thành viên tổ y tế cộng đồng…

Đề xuất TP.HCM ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho lái xe, tiểu thương và một số đối tượng khác - Ảnh 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với UBND TP.HCM về phòng chống dịch COVID-19 chiều 11-7 – Ảnh: TỰ TRUNG

Chiều 11-7, sau khi kiểm tra một số cơ sở phòng chống dịch ở TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM để đánh giá lại công tác phòng chống dịch sau 3 ngày TP áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn TP theo chỉ thị 16.

Thủ tướng đánh giá quyết định áp dụng chỉ thị 16 của TP.HCM là khó khăn nhưng cần thiết và đúng hướng. Cuộc họp nhằm xem xét lại toàn bộ các công việc phòng chống dịch của TP.HCM để bổ sung hoàn thiện quy định, quy chế, quy trình trong phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt trong đó quan tâm đến đời sống người lao động và các doanh nghiệp bị tác động bởi việc giãn cách.

Trao đổi tại cuộc họp, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết Chính phủ, Trung ương sẽ tiếp tục tăng cường vắc xin phòng COVID-19 cho TP.HCM. Tuy nhiên, ông Bình yêu cầu TP.HCM tổ chức tiêm đảm bảo có tổ chức, tính toán phối hợp chặt chẽ, không để xảy ra lây nhiễm khi tiêm.

Ông Bình cũng đề nghị TP.HCM bổ sung thêm một số đối tượng có nguy cơ cao vào danh sách các trường hợp được ưu tiên tiêm vắc xin như: lái xe, lực lượng tham gia cung ứng dịch vụ, thành viên tổ y tế cộng đồng…

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết để chuẩn bị cho việc TP.HCM thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, Bộ Giao thông vận tải đã họp với 19 tỉnh, thành để chuẩn bị các luồng xanh cho việc vận tải hàng hóa đến TP.HCM và ngược lại.

Để đảm bảo an toàn, Bộ đã có hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị xét nghiệm, giám sát việc phòng chống dịch COVID-9 của tài xế theo nhiều lớp.

Cụ thể, doanh nghiệp vận tải khi chất hàng lên xe phải xét nghiệm COVID-19 cho tài xế. Khi xe đó xuống hàng thì phải xét nghiệm thêm lần nữa. Ngoài ra, tại các chốt kiểm dịch phải kiểm tra việc khai báo y tế, kết quả xét nghiệm và cam kết của các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp, cá nhân vi phạm quy định phòng chống dịch sẽ xử lý nghiêm.

Ông Thể cho biết qua 3 ngày TP.HCM áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16, tình hình giao thông hàng hóa tương đối ổn, không còn tình trạng ùn ứ.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, để thực hiện mục tiêu kép thì các lái xe chuyên chở hàng hóa phải đi làm. Do vậy, ông đề nghị xem xét ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho lực lượng này.

Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng ngoài việc truy vết để cách ly hết F0, TP.HCM cần tiếp tục chăm lo cho lực lượng y bác sĩ trong các cơ sở điều trị, cách ly cũng như quan tâm đời sống người đang điều trị, cách ly.

Mặt khác, theo ông Dung, thời gian qua phần lớn vắc xin phòng COVID-19 do trung ương phân bổ cho TP.HCM được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ông đề nghị thời gian tới TP ưu tiên tiêm vắc xin được phân bổ cho công nhân và tiểu thương – những người góp phần lớn trong chuỗi phân phối thực phẩm.

Cũng theo ông Dung, việc yêu cầu các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất… cam kết bảo đảm phòng chống dịch là đúng. TP phải nhất quyết chủ trương doanh nghiệp đủ điều kiện và đảm bảo an toàn mới cho sản xuất, nếu không đủ điều kiện và dự báo có nguy cơ thì dừng. Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong khuôn viên khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời tuyên truyền cho công nhân không hoảng loạn khi có ca nhiễm.

Đánh giá cao việc TP.HCM trong 3 ngày đã triển khai hỗ trợ được 24% số người lao động thất nghiệp, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng ông Dung vẫn đề nghị TP đẩy nhanh hơn gói hỗ trợ cho người dân.

Theo ông Dung, trong bối cảnh dịch bệnh không cần quá cầu toàn, thậm chí đặt yêu cầu hậu kiểm để đẩy nhanh gói hỗ trợ.

Đề xuất TP.HCM ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho lái xe, tiểu thương và một số đối tượng khác - Ảnh 2.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với UBND TP.HCM về phòng chống dịch COVID-19 chiều 11-7 – Ảnh: TỰ TRUNG

TP.HCM rà soát hỗ trợ không để sót người bán vé số, ve chai, lao động lang thang

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ cả Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trung ương rất quan tâm đến tình hình của TP.HCM hiện nay.

Thủ tướng khẳng định một lần nữa việc quyết định giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của TP.HCM là đúng đắn, đúng hướng. Theo đó, phải hi sinh một số tuần để đổi lại sự yên bình của nhân dân. Đồng thời mong muốn TP.HCM quyết tâm ưu tiên tập trung phòng chống dịch để kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh để TP trở lại bình thường.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Cả nước đang mong đợi, đang hi vọng, và trông chờ TP.HCM”.

Theo Thủ tướng, Chính phủ chia sẻ khó khăn với TP trong thời gian giãn cách chống dịch. Đồng thời chia sẻ với khó khăn của nhân dân.

Để chia sẻ phải có hành động, sự giúp đỡ động viên. Do vậy, Thủ tướng đề nghị TP tiếp tục quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ của trung ương và TP.

Trong đó phải chỉ đạo hệ thống chính trị cơ sở rà soát kỹ, nắm thật chắc, không để sót người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, nhất là người bán ve chai, vé số, lao động lang thang…

Thủ tướng cho biết hiện nay các thủ tục để hỗ trợ đã giảm 2/3, TP.HCM cứ mạnh dạn làm, quan trọng dứt khoát không để bỏ sót, với tư tưởng chăm lo, không để người dân thiếu ăn thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm và đảm bảo bình đẳng khi tiếp cận các gói hỗ trợ.

Thủ tướng cũng đề nghị TP thành lập các trung tâm cứu trợ, tổ chức đường dây nóng và thông qua qua công nghệ, mạng xã hội để nắm bắt các khó khăn của người dân, những người yếu thế. Làm sao để hệ thống hỗ trợ phủ kín các khu dân cư.

Đồng thời, tổ chức các xe hàng lưu động vào tận các ngõ hẻm, đường phố gặp khó khăn để phục vụ nhân dân từng khu phố, tổ dân cư.

Từ thực tế hiện nay, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM bình tĩnh, kiên trì các giải pháp chống dịch, không hoảng hốt, mất bình tĩnh, sáng suốt đưa ra các quyết định phù hợp, hiệu quả. Trong đó cần huy động sức mạnh tập thể, sáng kiến của nhân dân.

“Diễn biến dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch hiện nay phần lớn chưa có tiền lệ nên thành phố cần tôn trọng thực tiễn khách quan để quyết định, có kế thừa, ổn định, đổi mới. Không cực đoan, phiến diện”.

Thủ tướng cũng yêu cầu TP tranh thủ sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp, nhân dân. Tổ chức tiếp nhận sự giúp đỡ trật tự, hiệu quả, tránh lãng phí, chồng chéo.

Đối với sản xuất, Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp phải đủ điều kiện an toàn sản xuất mới cho làm.

Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị TP phải chỉ đạo tăng cường việc chữa trị cho bệnh nhân COVID-19, không để lây chéo và hạn chế tối đa các ca tử vong. Thực hiện tiếp cận vắc xin bình đẳng và không để xảy ra tiêu cực trong hoạt động phòng chống dịch.

Tiến Long

Bài mới
Đọc nhiều