+
Aa
-
like
comment

Đề xuất tiếp tục tăng lương bù trượt giá sau năm 2024

Bích Vân - 11/10/2023 12:46

Bộ Nội vụ đề xuất sau năm 2024 tiếp tục tăng lương bù trượt giá, góp phần cải thiện lương cán bộ, công chức, viên chức theo mức tăng trưởng kinh tế.

Giáo viên trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1), TP HCM.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa gửi báo cáo đến Quốc hội trước kỳ họp thứ 6, trong đó cho biết Ban cán sự đảng Chính phủ đã báo cáo Trung ương, Quốc hội về kết quả và lộ trình cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong doanh nghiệp.

Bộ đề xuất lộ trình cải cách tiền lương từ 1/7/2024 với 6 nội dung gồm xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập. Sau năm 2024, lương tiếp tục tăng đến khi mức lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn lương thấp nhất vùng 1 (vùng cao nhất trong 4 vùng lương tối thiểu). Hiện lương tối thiểu vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng.

Căn cứ kết luận của cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách tiền lương, Ban cán sự đảng Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị xem xét nội dung của chế độ tiền lương mới. Sau đó, các cơ quan sẽ ban hành quy định cụ thể chế độ tiền lương mới với các nhóm thuộc diện quản lý.

Báo cáo cho biết giáo viên mầm non, tiểu học, được hưởng lương và phụ cấp theo địa bàn hoặc công việc đảm nhiệm; phụ cấp ưu đãi nhà giáo, thâm niên nghề (dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội). Nhà giáo ở nơi điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng thêm các phụ cấp thu hút, ưu đãi theo nghề (70%), công tác lâu năm vùng đặc biệt khó khăn; trợ cấp, phụ cấp lưu động, phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số.

Dù được hưởng nhiều phụ cấp ưu đãi, đặc thù để có tổng thu nhập cao hơn ngành nghề khác, đời sống của giáo viên mầm non, tiểu học còn nhiều khó khăn. Do đó, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính đề xuất xây dựng chế độ phụ cấp nhà giáo đang giảng dạy trong trường công lập.

Tuần qua, hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 đã bàn về lộ trình cải cách tiền lương. Nghị quyết 27 Trung ương đặt mục tiêu cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp từ 1/7/2021. Tuy nhiên hai năm qua, do nhiều tác động bất lợi, đặc biệt là đại dịch Covid-19, lộ trình cải cách đồng bộ chính sách tiền lương đến nay chưa được thực hiện.

Giữa tháng 9, Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, hoàn thiện dự thảo báo cáo trình Quốc hội về lộ trình và phương án cải cách tiền lương. Ngân sách đã tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong ba năm tới (2024-2026). Khi áp dụng chính sách tiền lương mới từ giữa năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ được trả lương theo vị trí việc làm, thay mức lương cào bằng hiện nay.

Theo Bộ Nội vụ, có 861 vị trí việc làm cán bộ, công chức, trong đó nhóm lãnh đạo, quản lý có 137 vị trí; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên ngành 665 vị trí; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung 37 vị trí; nhóm hỗ trợ, phục vụ 22 vị trí. Đến nay, 16/20 bộ ngành ban hành vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành.

Bích Vân

Bài mới
Đọc nhiều