Đề xuất tạo hình vua Lý Thái Tông đứng cạnh ghế chánh án
Tại cuộc họp Hội đồng nghệ thuật chiều nay, chuyên gia mỹ thuật đề xuất để vua Lý Thái Tông đứng cạnh ghế chánh án trong tượng nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa – Thể Thao – Du lịch), cho rằng nên tạo hình vua Lý Thái Tông đứng cạnh ghế chánh án để đỡ giống với tượng Lý Thái Tổ gần hồ Hoàn Kiếm. Đây là ý kiến ông Thành đưa ra trong buổi họp Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông và các cố chánh án Tòa án nhân dân tối cao các thời kỳ. Buổi họp do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức chiều 28.4.
“Theo tôi nên thay đổi bố cục của tượng này để nó không trùng lặp với tượng Lý Thái Tổ ở vườn hoa sát hồ Hoàn Kiếm. Có thể có thêm cái ghế chánh án ngay cạnh vua Lý Thái Tông. Ông ấy vẫn đứng nhưng cạnh ông ấy là cái ghế của chánh án, như là vừa xét xử xong và ông ấy đứng dậy”, ông Thành nói.
Ông Thành cho rằng, sự thay đổi như vậy sẽ hỗ trợ cho ý tưởng nội dung của nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử này. “Các phác thảo tượng Lê Thánh Tông (sẽ đặt ở Tòa án nhân dân tối cao) đều đang thiếu tạo hình cụ thể, một vấn đề cụ thể nào đấy để tăng nội dung ông ấy là người hoạt động tư pháp. Đang thiếu yếu tố tư pháp của nhân vật này”, ông Thành phân tích.
Trong khi đó, nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng có thể bổ sung tạo hình chiếc giá treo chuông. Chiếc chuông mà ông Quốc nói đến là chiếc chuông vua Lý Thái Tông đã cho đúc để dân tới đánh kêu oan.
Trước đó, Tòa án nhân dân tối cao đã đặt nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường sáng tác tượng vua Lý Thái Tông để đặt trong khuôn viên trụ sở. Ông Cường đã sáng tác 3 mẫu phác thảo. Cả 3 mẫu tượng vua Lý Thái Tông của nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường được đánh giá là có cố gắng trong tạo hình. Tuy nhiên, các đánh giá cũng cho rằng, mẫu này gây cảm giác quá giống với bức tượng Lý Công Uẩn ở Hà Nội và ở Bắc Ninh.
Về cảm giác giống nhau này, tác giả Nguyễn Phú Cường cho rằng: “Các triều phục của vua thì ông vua đầu tiên và vua cuối đều có hình thức như nhau, chứ không thể là vua mặc áo của dân hay mặc vest như chúng ta hiện nay được. Vua phải mặc một kiểu do quan chế, nên mọi người mới thấy sao trang phục vua Lý Thái Tông lại giống ông Lý Công Uẩn ở Bắc Ninh và ở Hà Nội”.
Bảo Vinh/TN