Đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa lên 75 triệu đồng ở nhiều lĩnh vực
Bộ Tư pháp đã công bố dự thảo tờ trình và dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cụ thể, dự luật sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định tăng mức tiền phạt tối đa ở một số lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội từ 40 triệu lên 75 triệu đồng.
Việc sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng, trong đó có kết luận 126, 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tại kết luận đề ra các nội dung cụ thể, như xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.
Xây dựng đề án về hệ thống tòa án, viện kiểm sát ở địa phương theo định hướng không tổ chức cấp huyện; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, các luật liên quan… sau sắp xếp tổ chức bộ máy ở địa phương; báo cáo Bộ Chính trị theo tiến độ chung và hoàn thành sửa đổi, bổ sung pháp luật chậm nhất ngày 30-6.
Theo Bộ Tư pháp, việc sắp xếp tổ chức bộ máy (bao gồm chủ trương không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện) đã tác động lớn đến các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính…
Để phù hợp, dự thảo luật bãi bỏ 16 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền.
Thay vào đó, dự thảo quy định mang tính nguyên tắc về những lực lượng, chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Ví dụ, chủ tịch UBND các cấp, cục trưởng cục thuộc bộ hoặc cơ quan ngang bộ, chi cục trưởng, người thuộc lực lượng Công an nhân dân, bộ đội biên phòng, hải quan…
Chính phủ được giao quy định chi tiết các chức danh, thẩm quyền phạt tiền, áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng.
Riêng các chức danh thuộc tòa án, viện kiểm sát, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định chi tiết.
Trường hợp phát sinh các cơ quan, chức danh có thẩm quyền xử phạt chưa được quy định thì thẩm quyền xử phạt của nhóm này do Chính phủ quy định, sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dự thảo cũng bỏ các cụm từ “công an cấp huyện”, “cấp huyện” tại một số điều luật.
Đồng thời thay thế các cụm từ “UBND cấp huyện” bằng “UBND nơi quản lý cư trú của cá nhân, tổ chức đóng trụ sở”, “trưởng công an cấp huyện” bằng “trưởng công an cấp xã”, “tòa án nhân dân cấp huyện” bằng “tòa án nhân dân sơ thẩm”…
Bộ Tư pháp nêu rõ một số quy định cụ thể liên quan đến mức tiền phạt tối đa trong các lĩnh vực, thẩm quyền phạt tiền… trong Luật Xử lý vi phạm hành chính đã trở nên lạc hậu trong điều kiện phát triển kinh tế – xã hội hiện nay.
Sự gia tăng về thu nhập, giá trị hàng hóa và mức độ vi phạm khiến nhiều quy định về thẩm quyền và mức phạt hiện tại không còn đủ tính răn đe.
Vụ việc dồn quá nhiều lên cấp trên do giới hạn về thẩm quyền phạt tiền của các chức danh ở cơ sở, gây khó khăn cho công tác xử phạt.
Bên cạnh đó, một số quy định về thời hiệu xử phạt chưa bắt kịp với sự phát triển đa dạng, phức tạp của nền kinh tế số.
Nhiều vụ việc khi phát hiện hoặc chuyển sang cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã hết thời hiệu xử lý.
Việc quy định thẩm quyền trong xử lý vi phạm hành chính quá cụ thể, dẫn đến thiếu tính linh hoạt, kìm hãm sự chủ động thích ứng, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.
Do đó dự luật quy định tăng mức tiền phạt tối đa trong một số lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội từ 40 triệu lên 75 triệu đồng.
Các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, giao dịch điện tử, bưu chính tăng mức phạt từ 40 triệu lên 50 triệu đồng.
Đồng thời bổ sung mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến 30 triệu đồng.
Theo cơ quan soạn thảo, việc tăng mức phạt tối đa như trên sẽ giúp bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử phạt vi phạm hành chính, phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của Việt Nam hiện nay, tăng tính răn đe đối với đối tượng vi phạm.
Riêng lĩnh vực kiểm toán độc lập và bảo vệ dữ liệu cá nhân, mức phạt tiền tối đa được áp dụng theo quy định tại các luật tương ứng.
Bích Ngân