+
Aa
-
like
comment

Đề xuất tăng học phí có phù hợp?

Hải Anh - 12/11/2020 18:06

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo lần thứ 2 Nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Trong dự thảo này, Bộ GD&ĐT đề xuất tăng học phí ở tất cả các cấp học. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất học phí mầm non, phổ thông tăng 7,5%; đại học tăng 12,5% mỗi năm, tính từ năm học 2021-2022. Theo lãnh đạo bộ, việc tăng học phí là đúng lộ trình, tạo điều kiện cho các trường có kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ chuyên môn của giảng viên, cũng như chất lượng học tập. Trong khi đó, ý kiến của sinh viên và phụ huynh thì lại không như vậy.

Tăng học phí luôn là một nỗi lo lớn với nhiều gia đình có con đi học, tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đào tạo mà nguồn lực tài chính lại là điều kiện cần để thực hiện việc này. Chúng ta phải nhìn nhận việc điều chỉnh tăng học phí trong mối quan hệ với chi phí đào tạo và chất lượng đào tạo, vì chỉ có tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo thì cơ sở đào tạo mới có đủ nguồn để tái đầu tư trang thiết bị học tập, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và các yêu cầu đảm bảo chất lượng cho việc đào tạo. Hơn nữa, chế độ giáo viên hiện nay cũng chưa bảo đảm, do đó về lâu dài vẫn phải tăng học phí để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhưng thiết nghĩ, giáo dục phổ cập thì nên giữ mức học phí hỗ trợ để đúng với từ:”phổ cập”. Còn giáo dục đại học thì phải tăng phí để tái đầu tư vào giảng viên, cơ sở vật chất,… nhằm tăng chất lượng. Chúng ta hãy thử nghĩ xem chỉ dùng những lời giảng dạy để đào tạo thì có thể đào tạo được những cử nhân, kỹ sư, bác sĩ giỏi và đạt đến ngang tầm quốc tế như mong muốn? Và những công cụ học tập thiết yếu, hiện đại như tài liệu, giáo trình, máy móc thí nghiệm, thực hành, linh kiện thí nghiệm phục vụ học tập, máy tính, phần mềm, năng lượng… cũng không tự nhiên mà có.

Tăng là cần thiết nhưng tăng như thế nào, tăng trong trường hợp, hoàn cảnh nào mới là điều quan trọng phải cân đối phù hợp với khả năng của người dân, đáp ứng được nhu cầu học tập của giới trẻ và phải tạo điều kiện để cùng với kinh phí nhà nước hỗ trợ cho các trường đại học thực hiện được bảo đảm chất lượng mà theo nhu cầu xã hội. Đáng nói, trong thời điểm hiện nay mà Bộ GD-ĐT đề xuất tăng học phí ở tất các bậc học là không hợp lý. Hiện dịch Covid-19, bão lũ ở miền Trung tác động đến cả nền kinh tế, đến miếng cơm manh áo của từng gia đình, nhất là gia đình nghèo. Ngay lộ trình tăng lương, Chính phủ cũng hoãn thời gian áp dụng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế và việc làm của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó còn thiên tai, bão lũ hoành hành, người dân gặp thêm nhiều khó khăn… Trong khi đó các chuyên gia kinh tế đã dự báo, năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn bởi những tác động nói trên. Vì vậy, thời gian sắp tới việc giảm học phí, đặc biệt miễn giảm học phí cho con em các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh mới là chính sách nhân văn

Việc tăng hay không tăng học phí từ trước đến nay luôn là một vấn đề gây tranh cãi từ nhiều phía, nguyên nhân sâu xa cũng chỉ do mâu thuẫn cố hữu; đó là, một mặt bộ muốn đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập, tra cứu, thực hành của học sinh, sinh viên để nâng cao chất lượng đào tạo. Mặt khác, việc tăng học phí sẽ phải đối mặt với thực trạng rất nhiều gia đình ở vùng nông thôn, miền núi đời sống rất khó khăn có con đang đi học. Tất nhiên, có không ít gia đình không bao giờ phải lo đến mức học phí là bao nhiêu vậy, điều gây đau đầu ở đây chính là làm sao bảo đảm được sự công bằng cho tất cả các học sinh, sinh viên và tạo được cho học sinh, sinh viên môi trường học tập tốt nhất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của chương trình.

Việc tăng học phí sẽ nhận được sự đồng thuận lớn hơn của xã hội, nếu có một cơ chế tốt hơn để nhà trường thực hiện trách nhiệm giải trình của mình trước xã hội, chứ không chỉ là trước cơ quan quản lý nhà nước bởi người học có quyền biết họ bỏ tiền thì được học những cái gì, trong điều kiện nào. Sự minh bạch trong chi phí học tập là rất cần thiết.

Thiết nghĩ thời điểm này, Bộ GD-ĐT hết sức cẩn trọng trong việc đề xuất chính sách, cần nghiêm cẩn hơn trong vấn đề tăng học phí các cấp học. Đồng thời để tăng chất lượng giáo dục thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cầu thị, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân; xử lý có hiệu quả những tiêu cực, thiếu sót như biên soạn sách giáo khoa; chấn chỉnh vấn nạn dạy thêm, học thêm tràn lan; tiêu cực trong thi cử, chạy điểm, chạy trường; bệnh thành tích trong giáo dục; đừng để càng cải cách thì lại càng thụt lùi, đạo đức xuống cấp.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều